Sau bão, Nam Định dồn sức cứu hộ đê
(Dân trí) - Người dân vùng ven biển Nam Định vẫn chưa hết bàng hoàng sau <a href="http://www.dantri.com.vn/Sukien/2005/8/68967.vip">cơn bão số 2.</a> Bão rút, ý nghĩ đầu tiên trong đầu họ không phải là nhà cửa, hoa màu, mà là con đê chắn sóng.
Toàn huyện Giao Thuỷ có 32km đê biển trên tổng số 72 km đê biển của toàn tỉnh. Sau khi cơn bão đổ bộ vào ngày 31/7, nhiều đoạn đê xung yếu tại các xã Giao Hải, Giao Long... bị sạt lở nghiêm trọng. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền huyện Giao Thuỷ là tập trung mọi nguồn lực ứng cứu và bồi trúc cho những đoạn đê bị sạt lở đang oằn mình gánh chịu thêm nhiều cơn sóng lớn sau trận bão.
Các xã ven biển bị mất điện từ ngày 31/7 và nhanh nhất thì sáng 2/8, điện mới được khôi phục trở lại. Người dân ở đây chỉ biết theo dõi tình hình thông qua phương tiện thông tin duy nhất là radio. Các antena TV đều đã được hạ xuống từ hôm trước, tàu thuyền cũng trú ẩn trong các kênh mương.
5 giờ sáng nay (01/8), chúng tôi có mặt trên con đê chắn sóng ven biển Giao Long, Giao Hải. Bầu trời sau cơn bão còn xám xịt và sầm sập nước, đầy vẻ cuồng nộ. Gió thổi rất mạnh, trời vẫn lác đác mưa. Trên mặt biển, sóng xô từng đợt đục ngầu giận dữ.
Không như dự đoán của chúng tôi, trên mặt đê hoàn toàn... vắng lặng. Chúng tôi nhìn quanh quất, con đê bị tàn phá rất nặng nề. Nhiều đoạn bị sụt lở nghiêm trọng, xói vào tận mặt đê.
Cụ ông Nguyễn Văn Tân năm nay 80 tuổi, ra thăm đê từ rất sớm. Có vẻ như cụ Tân rất sốt ruột trước con đê nham nhở đầy thương tích. Gần trọn cuộc đời sống với biển, chưa bao giờ cụ thấy con đê của quê hương lại thảm hại như bây giờ. Cụ Tân cho biết: “Bão vào cùng con nước thứ 6, còn nếu vào cùng con nước thứ 7 hoặc thứ 8 thì chắc chắn con đê này không thể chịu nổi”.
6 giờ sáng, trên mặt đê lác đác người. Một lúc sau thì người dân các xã đã tập trung khá đông. Theo quan sát, có tới vài trăm người có mặt tại khúc đê giáp ranh hai xã. Người dân ở đây cho biết, tuy bão đã qua nhưng ngày hôm nay con đê chắn sóng mới thật sự đối mặt với triều cường. Hôm nay và ngày mai sóng và thuỷ triều sẽ mạnh hơn ngày hôm qua, khi bão số 2 đổ bộ vào; vì thế phải bằng mọi giá bồi trúc lại thân đê ngay trong sáng hôm nay mới mong tránh được những hậu quả đáng tiếc.
6h30, những người đi cứu hộ đê được lệnh đào đất... ngay dưới chân đê đóng vào bao tải để chuyển lên thân đê bồi vào những chỗ sạt Nhiều bậc cao niên ngán ngẩm lắc đầu, còn thanh niên vẫn mãi mê với việc đào chân đê.
Anh Phùng Văn Luân, một trong những thanh niên ở xã Giao Hà đi đắp đê chỉ tay vào đoạn đê giáp ranh giữa hai xã Giao Long và Giao Hải nói: “Mặc dù không thiệt hại về nhà cửa nhưng chúng tôi bị thiệt hại nhiều về hoa mầu. Nhiều nhà bị mất hàng chục triệu tiền cây cảnh. Thuỷ sản thì mất trắng. Chỉ riêng mỗi đoạn đê bị sạt ngay dưới chân các anh thì thanh niên xã tôi đắp hết ngày hôm nay chưa chắc đã xong. Toàn tuyến đê này dài hàng mấy chục cây số với nhiều đoạn sạt như thế không hiểu biết bao giờ mới bồi trúc cho hết?”
Theo quan sát của phóng viên Dân trí tại hiện trường, nhiều người dân mang cuốc xẻng, bao tải tụ tập trên đê nhưng họ chỉ ngán ngẩm ngồi... nhìn biển đầy tư lự. Dường như sức người quá nhỏ nhoi trước biển.
Theo phản ánh của nhân dân địa phương, con đê chắn sóng ven biển Nam Định đã có dấu hiệu bị xói và sạt ở nhiều nơi từ mấy tháng trước, khi thuỷ triều và sóng lớn liên tục táp vào thân đê trong những ngày đầu mùa bão. Tuy nhiên do mức độ xói mòn và sạt lở không lớn, lại nằm khuất dưới chân đê nên chưa được cơ quan chức năng để ý khắc phục.
Sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường. Trời đã nắng ráo trở lại. Cơn bão chỉ khiến họ xao động khi chứng kiến sức chịu đựng của con đê. Con đê quan trọng là vậy, nhưng khi có lệnh giải lao, đám thanh niên đắp đê ồ lên hưởng ứng: “May quá, không phải làm nữa!”. Một vài người lấy xe lững thững bỏ về trước...
Trung - Đức - Minh