Một ngày bên trong Bệnh viện dã chiến lớn nhất TPHCM đang điều trị 3.400 F0
(Dân trí) - Gần 200 nhân viên y tế đang phải căng mình để điều trị hơn 3.400 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 6 (TPHCM). Trung bình một nhân viên y tế chăm sóc cùng lúc khoảng 20 F0.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6 tại khu tái định cư Bình Khánh (phường An Phú, TP Thủ Đức) vừa đi vào hoạt động ngày 11/7. Hiện bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị hơn 3.400 bệnh nhân mắc Covid-19. Những ngày qua lực lượng y tế cùng đơn vị hỗ trợ đang phải căng mình để chăm sóc hàng nghìn ca F0 tại đây.
Bác sĩ Trịnh Minh Giang - Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết, hiện toàn Bệnh viện dã chiến số 6 chỉ có khoảng 200 nhân viên y tế và 100 đồng chí dân quân hỗ trợ. Hàng ngày sẽ phải lo toàn bộ việc chăm sóc, chữa trị và phục vụ cơm nước cho toàn bộ hơn 3.400 bệnh nhân F0 tại đây.
Gần 100 dân quân tự vệ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Củ Chi và Ban Chỉ huy Quân sự quận Tân Phú được điều động làm lực lượng chính phụ trách vận chuyển hàng hóa, đồ ăn, nước uống cho các F0 tại bệnh viện dã chiến số 6. Bác sĩ Minh Giang trực tiếp hướng dẫn lực lượng về các quy định trong việc tham gia hỗ trợ tại khu vực điều trị F0, phổ biến các biện pháp y tế cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe cá nhân và mọi người xung quanh khi tiếp xúc gần các trường hợp mắc Covid-19.
Gần như 24/24, các nhân viên y tế đều phải thay ca nhau túc trực để tiếp nhận các F0 đưa về đây liên tục trong suốt 3 ngày qua.
"Hàng ngày lịch làm việc rất căng thẳng và gần như không có thời gian nghỉ, do lực lượng y tế mỏng, số lượng bệnh nhân lại quá nhiều nên việc quản lý và phân phối rất phức tạp. Ngoài việc theo dõi, chữa trị bệnh nhân thì việc hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt cho các F0 cũng là một vấn khó khăn", bác sĩ Trịnh Minh Giang chia sẻ.
Theo bác sĩ Trương Nhật Cường - Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, người trực tiếp điều phối công việc tại bệnh viện cho biết, tại đây sẽ tiếp nhận và điều trị các ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc có bệnh nền dễ kiểm soát. Đối với các trường hợp bệnh nền nặng, hoặc bệnh có chuyển biến xấu thì sẽ chuyển lên bệnh viện cấp 2, cấp 3 để điều trị.
Hàng ngày các nhân viên y tế phải làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ kín. Mỗi ngày đều phải tổ chức thăm khám các bệnh nhân F0 theo lịch, mỗi ngày ít nhất một lần.
Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư - Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM tới phòng của các F0 để thăm khám theo lịch hàng ngày. Với các ca F0 không có triệu chứng thì sẽ chỉ đo thân nhiệt, kiểm tra triệu chứng. Với các trường hợp có triệu chứng nhẹ thì tùy vào mức độ để có thể phát thuốc điều trị.
"Mỗi ngày mình sẽ làm một ca kéo dài ít nhất 14 tiếng đồng hồ liên tục. Ca chiều nay của mình sẽ bắt đầu từ 14 giờ tới 4 giờ sáng hôm sau. Công việc áp lực và nguy hiểm vì phải tiếp xúc với F0 thường xuyên, số lượng bệnh nhân cũng rất nhiều nên khá căng thẳng", bác sĩ Anh Thư chia sẻ.
"Cách đây 3 ngày thì mình có test Covid-19 sau khi đưa các ca bệnh đi điều trị, tuy nhiên lần đầu âm tính, nhưng tối về thì có triệu chứng sốt, hôm sau xét nghiệm lại thì dương tính, sau đó được bệnh viện đưa về đây cách ly và điều trị luôn. Giờ đồng nghiệp của mình lại trở thành bác sĩ chữa trị cho mình", T.V., một F0 được thăm khám chia sẻ.
Sau khi kết thúc việc thăm khám các bệnh nhân F0, nhân viên y tế bắt buộc phải về khu vực khử khuẩn, sau đó cởi bỏ đồ bảo hộ đúng cách mới được rời khỏi khu vực điều trị của F0.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6, trực tiếp điều phối công việc tại bệnh viện dã chiến hàng ngày. Mỗi ngày, ông trực tiếp trao đổi, thông báo về quá trình điều trị để toàn bộ bệnh nhân nghe qua loa.
"Đã mấy đêm nay tôi không ngủ rồi, số lượng bệnh nhân quá nhiều, lực lượng y tế thì còn thiếu, chưa kể bệnh viện mới đi vào hoạt động nên còn nhiều thứ chưa hoàn thiện. Thời gian tới sẽ còn rất nhiều thứ cần phải làm, và có thể căng thẳng hơn", bác sĩ Phan Minh Hoàng chia sẻ.
Ngoài việc đảm bảo công tác chữa trị các bệnh nhân, mỗi ngày lực lượng ở Bệnh viện dã chiến số 6 phải vận chuyển gần 10.000 suất ăn các ca F0, đảm bảo đủ 3 bữa mỗi ngày. Các suất cơm được một công ty nhận chế biến và cung cấp cho bệnh viện dài hạn.
Hàng ngày, 7h sáng, 11h trưa và 17h tối, gần 100 dân quân tự vệ sẽ phụ trách việc vận chuyển cơm, nước uống lên các phòng từ lầu 3 tới lầu 14 của các block bệnh viện cho hơn 3.400 F0.
Sau khi đưa cơm tới từng phòng, đặt trước cửa và các bệnh nhân tự ra nhận. Các phần ăn cơ bản có cơm, canh, món xào, thịt và trái cây. Ngoài ra, nước uống đóng chai cũng được cung cấp tới các bệnh nhân hàng ngày.
Nhân viên y tế, lực lượng dân quân tự vệ liên tục nhắc nhở các F0 không được tự ý ra khỏi phòng, không tiếp xúc với người ở phòng bên cạnh, giữ khoảng cách khi nhận cơm.
Với hơn 3.400 bệnh nhân F0, lực lượng dân quân tự vệ phải chia ra nhiều nhóm, di chuyển bằng thang máy đi phát. Nhiều người thấm mệt, phải nằm nghỉ sau hơn một giờ đồng hồ liên tục phát cơm đến tất cả các phòng đảm bảo các bệnh nhân được dùng bữa đúng giờ.
Toàn bộ y bác sỹ và lực lượng dân quân hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến bắt buộc phải ăn ngủ tại một block nhà độc lập bên trong bệnh viện và được xét nghiệm Covid-19 định kỳ.
Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 số 6 tại khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) chính thức tiếp nhận F0 từ 18h ngày 11/7 với quy mô 6.000 giường bệnh. Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho hơn 3.400 ca bệnh.
Tính tới hiện tại, khu tái định cư Bình Khánh hiện đã có 5 bệnh viện dã chiến được xây dựng gồm số 3, 5, 6, 7, 8, 9. Dự kiến tổng công suất của 5 bệnh viện là hơn 20.000 giường. Trong đó, bệnh viện số 3 và số 6 đi vào hoạt động.