1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Tối hậu thư 50 ngày của ông Trump với Nga: Bước ngoặt không ít rủi ro

Ngô Hoàng

(Dân trí) - Việc đưa ra tối hậu thư mạnh mẽ không chỉ thể hiện rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã hết kiên nhẫn với Nga, mà còn cho thấy cơ hội sớm chấm dứt cuộc chiến Ukraine vẫn xa vời.

Tối hậu thư 50 ngày của ông Trump với Nga: Bước ngoặt không ít rủi ro - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Nhà Trắng vào ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một tuyên bố gây chấn động khi đưa ra “tối hậu thư 50 ngày” để Nga phải giảm tấn công vào các mục tiêu ở Ukraine và ký thỏa thuận hòa bình với Kiev, nếu không Mỹ sẽ áp thuế quan lên tới 100%.

Động thái trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, sau những tháng đầu nhiệm kỳ thứ 2 với những nỗ lực ngoại giao mang tính bước ngoặt với Nga nhưng chưa mang lại kết quả như mong đợi. Điều này cũng phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của ông Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhận thức rằng việc thúc đẩy hòa bình ở Ukraine sẽ khó khăn hơn dự kiến.

Tuy nhiên, ông Trump cũng đã làm rõ lập trường của mình khi nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kiev “không nên nhắm vào Moscow” và khẳng định sẽ không gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine. Điều này cho thấy Tổng thống Trump đang cố gắng cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine và tránh làm leo thang xung đột đến mức không thể kiểm soát được.

Kế hoạch trừng phạt mới

Tối hậu thư của ông Trump không chỉ đơn thuần là việc áp thuế trực tiếp lên hàng hóa Nga, vốn đã giảm sút rất nhiều kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào  ngày 24/2/2022. Ông Trump cũng cho biết sẽ áp “thuế thứ cấp” rất nghiêm khắc, nhắm tới các đối tác thương mại mua dầu của Nga hòng làm suy yếu khả năng của Moscow trong việc ứng phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Do việc xuất khẩu hàng hóa từ Nga sang Mỹ đã giảm sút rất lớn, mức thuế trực tiếp đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Nga. Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2024, Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hóa từ Nga, chủ yếu là phân bón, sắt thép và uranium.

Tuy nhiên, lời đe dọa áp thuế thứ cấp với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục giao thương với Nga có thể gây tác động mạnh hơn, đặc biệt với ngành năng lượng Nga.

Viện trợ vũ khí cho Ukraine thông qua NATO

Đồng thời với “tối hậu thư”, Tổng thống Trump cũng công bố gói vũ khí mới do Mỹ sản xuất để cung cấp cho Kiev trị giá hàng tỷ USD thông qua các đồng minh NATO ở châu Âu. Các nước này sẽ phải trả tiền mua vũ khí của Mỹ rồi chuyển cho Ukraine.

Ngoài ra, cũng như ông Trump đã tuyên bố, số vũ khí này sẽ chỉ bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot để Ukraine đối phó với các cuộc tấn công của Nga, chứ không bao gồm những loại vũ khí tầm xa có thể tấn công vào sâu lãnh thổ Nga như Kiev mong muốn.

Cụ thể, Mỹ sẽ bán vũ khí cho NATO, các nước này sẽ trả tiền và chuyển chúng cho Ukraine hoặc dùng để thay thế cho các vũ khí đã viện trợ trước đó. Nhà Trắng tính toán rằng cơ chế này cho phép Mỹ duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà không phải trực tiếp chuyển giao, tạo ra một lớp đệm chính trị cho chính quyền Trump.

Phản ứng từ các bên liên quan

Phản ứng từ Nga cho thấy sự cứng rắn khi Moscow từ chối những gì họ coi là áp lực từ bên ngoài. Điều này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov công bố khi nhấn mạnh Moscow sẽ không chấp nhận bị áp đặt.

“Trước hết, chúng tôi nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra yêu sách hay tối hậu thư đối với chúng tôi đều là điều không thể chấp nhận được”, ông Ryabkov tuyên bố.

Hãng tin Reuters ngày 15/7 dẫn 3 nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin vẫn kiên quyết tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine cho đến khi phương Tây đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của Nga. Một nguồn tin khác cho hay ông Putin coi mục tiêu chiến lược của Moscow quan trọng hơn mọi thiệt hại kinh tế do phương Tây gây ra và không bị ảnh hưởng bởi lời đe dọa của Mỹ về việc áp thuế với Trung Quốc hay Ấn Độ vì mua dầu từ Nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev gọi những lời cảnh báo của Tổng thống Trump là "tối hậu thư cường điệu hóa" để thu hút sự chú ý. Ông Medvedev thậm chí còn châm biếm: “Ông Trump đã đưa ra tối hậu thư mang tính diễn kịch cho Điện Kremlin. Châu Âu đã thất vọng còn Nga không quan tâm”.

Đối với Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Trump và cảm ơn người đồng cấp Mỹ “vì sự sẵn sàng ủng hộ Ukraine và tiếp tục làm việc cùng nhau để ngăn chặn việc giết chóc và thiết lập một nền hòa bình lâu dài và công bằng”.

Tuy nhiên, bà Solomiia Bobrovska, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong Quốc hội Ukraine, cho rằng bà lo lắng lực lượng Nga có thể gia tăng các hành động giao tranh trong 50 ngày tới. Những phản ứng trên cho thấy Ukraine có sự chia rẽ trong cách tiếp cận vấn đề này.

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn dè dặt khi tỏ thái độ về tuyên bố của Tổng thống Trump. Bà Kaja Kallas, Cao ủy về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU cho rằng 50 ngày để sắp xếp một thỏa thuận hòa bình là quá dài.

“Theo tôi, 50 ngày là một khoảng thời gian rất dài khi chúng ta chứng kiến nhiều người vô tội mất mạng, mà điều đó lại xảy ra hàng ngày”, quan chức EU nêu rõ.

Trong khi đó, Paris tuyên bố sẽ không tham gia vào sáng kiến cung cấp vũ khí cho Ukraine như ông Trump đã nêu, còn Berlin bác bỏ thông tin cho rằng một lượng tên lửa Patriot đã được chuyển từ Đức sang cho Ukraine.

Tối hậu thư được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng tin rằng Ukraine khó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga hiện nay. Điều này vô tình tạo thêm áp lực lên chính quyền Trump 2.0, buộc Mỹ phải tìm ra cách tiếp cận mới để đạt được giải pháp kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, từ đó khiến ông Trump ngày càng trở nên sốt ruột với Nga.

Ông Trump cũng từng dự kiến sẽ thúc đẩy thỏa thuận kiểu “đổi đất lấy hòa bình”. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ đóng băng xung đột thay vì giải quyết tận gốc vấn đề, từ đó đặt ra câu hỏi về tính bền vững của bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được thông qua áp lực.

Các nhà phân tích cũng đánh giá rằng tuyên bố của Tổng thống Trump là một thất bại lớn trong tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine và có thể sẽ đóng băng việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tuyên bố của Tổng thống Trump đánh dấu một bước chuyển sang chiến lược “ngoại giao cưỡng ép”, một phương pháp mạnh mẽ nhất trong 3 chiến lược được nhà nghiên cứu Alexander George nhận định. Các chuyên gia cho rằng điều kiện xung quanh cuộc chiến Ukraine chưa thuận lợi để kết thúc thông qua ngoại giao cưỡng ép.

Thách thức và rủi ro với các bên

Việc ông Trump thiếu cam kết với NATO, như ông đã thể hiện trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, sẽ là thách thức đối với liên minh quân sự này. Cơ chế buộc NATO mua vũ khí Mỹ để chuyển cho Ukraine như ông Trump đề xuất có thể tạo ra căng thẳng mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng khi Tổng thống Trump áp đặt thuế quan rộng rãi đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Trong bối cảnh này, việc áp thuế thêm đối với Nga và các đối tác của Nga có thể làm gia tăng căng thẳng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy quá trình giảm phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch quốc tế.

Một trong những rủi ro lớn nhất mà ông Trump đang phải đối mặt là khoảng cách giữa những lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử và thực tế phức tạp của cuộc xung đột Ukraine. Trong suốt chiến dịch, ông Trump đã khẳng định có thể chấm dứt cuộc chiến trong 24 giờ. Tuy nhiên, sau gần 6 tháng nỗ lực chưa đem lại kiết quả mong muốn và việc đưa ra thời hạn 50 ngày cho thấy Tổng thống Trump đã nhận ra rằng vấn đề phức tạp hơn nhiều so với những gì ông từng tuyên bố.

Nếu Nga từ chối “tối hậu thư 50 ngày”, ông Trump sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử khi lãnh đạo Nga tự tin rằng quân đội và nền kinh tế Nga có thể chịu được sức ép bổ sung của phương Tây, bao gồm cả các lệnh trừng phạt và thuế quan, thậm chí còn sẵn sàng mở rộng lãnh thổ mà Nga kiểm soát khi các lực lượng Nga tiếp tục tiến công. Việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ có thể dẫn đến leo thang căng thẳng, trong khi việc không trừng phạt lại làm suy yếu uy tín cá nhân của ông.

Triển vọng diễn biến tình hình

Mặc dù khó có khả năng “chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine” trong vòng 24 giờ như ông Trump từng nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, nhưng việc nhà lãnh đạo Mỹ đã có 6 cuộc điện thoại dài với ông Putin và có những thay đổi chưa từng có trong cách tiếp cận với phía Nga đã đem lại những hy vọng nhất định.

Tuy nhiên, việc đưa ra tối hậu thư mạnh mẽ như vậy không chỉ thể hiện ông Trump dường như đã hết kiên nhẫn với ông Putin mà còn cho thấy cơ hội sớm chấm dứt cuộc chiến này còn rất xa vời.

Thực tế Nga đang nắm thế chủ động trên chiến trường và nước này hiện sản xuất vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, với tốc độ vượt cả NATO. Theo dữ liệu từ DeepState, một dự án tình báo nguồn mở, Nga hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine và đã kiểm soát thêm khoảng 1.415km2 trong 3 tháng qua. Hai nguồn tin cho biết Nga đang nắm thế chủ động trên chiến trường và nền kinh tế nước này hiện sản xuất vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, với tốc độ vượt NATO.

Tối hậu thư 50 ngày của ông Trump đối với Nga đại diện cho một bước đi táo bạo nhưng cũng đầy rủi ro trong nỗ lực giải quyết một trong những xung đột phức tạp nhất của thế kỷ 21. Mặc dù thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết tranh cử về việc chấm dứt cuộc chiến Ukraine, động thái này cũng mở ra nhiều câu hỏi về khả năng thực thi và hậu quả tiềm tàng.

Thành công của chiến lược này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ phản ứng của Nga và Ukraine, cho đến khả năng của Tổng thống Trump trong việc duy trì sự đoàn kết với các đồng minh châu Âu.

Hơn nữa, nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ là một biến số quan trọng trong việc định hình lại trật tự thế giới năm 2025. Nhiệm kỳ thứ hai này được dự báo sẽ có nhiều khác biệt so với khi ông lần đầu bước vào Nhà Trắng vào năm 2017, với những tác động sâu rộng không chỉ đến quan hệ quốc tế và nền kinh tế toàn cầu mà còn đến cả cấu trúc của trật tự thế giới trong thập niên tới.

Trong 50 ngày tới, thế giới sẽ chứng kiến liệu phương pháp “ngoại giao thương vụ” đặc trưng của Tổng thống Trump, có thể mang lại đột phá trong một xung đột mà nhiều người cho rằng đã đi vào bế tắc. Kết quả của “tối hậu thư” này có thể không chỉ quyết định tương lai của Ukraine, mà còn có thể định hình lại cách thức mà các trung tâm quyền lực lớn tương tác với nhau trong những thập niên tới.

Dù kết quả cuối cùng ra sao, tối hậu thư 50 ngày đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump 2.0, từ những lời hứa hẹn ban đầu về hòa bình nhanh chóng sang một cách tiếp cận thực tế hơn nhưng cũng đầy thách thức hơn đối với một trong những cuộc khủng hoảng phức tạp nhất của thời đại.