1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10-12 năm tù giam

(Dân trí) - Chiều 20/3, HĐXX vụ án chạy quota tại Bộ Thương mại đã tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng của các luật sư. Trước đó trong phần luận tội, VKSND đã đề nghị mức án 10-12 năm tù giam đối với bị cáo Mai Văn Dâu về tội danh nhận hối lộ.

VKSND cũng đề nghị khung hình phạt từ 14-16 năm tù giam đối với bị cáo Lê Văn Thắng về tội nhận hối lộ. Các bị cáo bị truy tố về tội làm môi giới hối lộ bị đề nghị với mức phạt từ 8-12 năm tù giam. Các bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ bị đề nghị khung hình phạt từ 2-8 năm tù.

Mai Thanh Hải bị truy tố về 2 tội chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, bị đề nghị 5-8 năm tù; Trần Văn Sửu nhiều lần cấp visa trái qui định, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ nhưng do khai báo thành khẩn và có nhân thân tốt nên được đề nghị hình phạt từ 2-3 năm cho hưởng án treo. Riêng Võ Thị Thanh Hằng, có hành vi gian dối trong việc sử dụng hoá đơn, nhưng vì đây là hành vi liên quan đến việc vi phạm hành chính, nên VKSND rút quyết định truy tố với bị cáo Võ Thị Thanh Hằng.

Đại diện VKSND đã nhấn mạnh vai trò của các bị cáo Lê Văn Thắng, Mai Văn Dâu trong phần phát biểu quan điểm và công bố luận tội như sau: Trong thời gian đương chức, các bị cáo Mai Văn Dâu, Lê Văn Thắng đã cố tình tạo ra cơ chế xin cho để trục lợi hàng chục ngàn USD của các doanh nghiệp.

Ngoài ra còn dùng các bút phê để chỉ đạo, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế lúc bấy giờ; tạo sự phân biệt đối xử trong cộng đồng các doanh nghiệp, cơ chế xin - cho đã tạo ra những con người như Mai Thanh Hải lợi dụng kẽ hở này để trục lợi 540 triệu đồng của người khác.

Trong phần luận tội, VKSND cho rằng trong quá trình xét xử Lê Văn Thắng thừa nhận, với tư cách đại diện Bộ Thương mại cùng Tổ điều hành liên ngành tiếp nhận hồ sơ xin phân giao hạn ngạch từ các thương nhân thông qua văn thư của Vụ XNK tham mưu đề xuất lãnh đạo liên bộ xét phân giao hạn ngạch hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp.

Từ tháng 6/2003 đến 8/2004 qua giới thiệu của Bùi Thị Huyền Nga, Lê Văn Thắng đã nhận 11 lần tiền tổng cộng 15.000 USD của Trần Thu Lan (Công ty Á Châu) tại nhà riêng và phòng làm việc Bộ Thương  mại. Qua đó, Thắng đã cấp cho Trần Thu Lan tổng số 98.842 tá sản phẩm các loại.

Tuy nhiên, Thắng cho rằng do Trần Thu Lan bỏ vào phong bì trong túi quà sau đó đi ra quá nhanh nên không trả lại được, chứ bị cáo không hứa hẹn gì với Lan. Thế nhưng, qua thẩm vấn tại toà, Lan khai nếu không có phong bì thì không thể có hạn ngạch, có lần khi đưa phong bì xong Lê Văn Thắng nói, “yên tâm, để đó anh lo” rồi sau đó Thắng rất nhiệt tình trong việc xét cấp hạn ngạch cho công ty Á Châu.

Ngoài ra, số tiền 3.000 USD mà Thắng đã nhận của Trần Kim Dung qua việc tiếp nhận hồ sơ và đề xuất lãnh đạo liên bộ xết cấp cho QMI 23.635 tá hạn ngạch các loại, Thắng cho rằng đã trả lại cho Trần Kim Dung.

Tuy nhiên, không có tài liệu nào chứng minh cho lời khai này của bị cáo vì vậy, VKSND kết luận, qua 16 lần Thắng nhận của Trần Thu Lan, Trần Kim Dung với tổng cộng 18.000 USD tương đương 281, 8 triệu đồng là chứng cứ buộc tội Lê Văn Thắng tội nhận hối lộ.

Đối với bị cáo Mai Văn Dâu, quan điểm của VKSND cho rằng, theo qui trình tiếp nhận hồ sơ xin phân giao hạn ngạch của doanh nghiệp gửi Bộ Thương mại, phải gửi qua đường bưu điện đến văn thư Bộ, sau đó chuyển cho văn thư Vụ XNK, lại chuyển cho chuyên viên phụ trách khu vực rồi chuyển cho chuyên viên được phân công tổng hợp cuối cùng chuyển cho chuyên viên phụ trách kiểm tra lại để trình lãnh đạo Tổ điều hành liên bộ ký trình lên lãnh đạo Liên bộ ký duyệt.

Trong thực tế, thông qua các “nhà môi giới”, bị cáo Mai Văn Dâu đã tiếp nhận hồ sơ, bút phê vào các công văn xin hạn ngạch tại nhà riêng rồi giao cho các doanh nghiệp đem đến văn thư Bộ đóng dấu công văn đến rồi nộp trực tiếp hoặc chuyển qua đường công văn.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Mai Văn Dâu khai nhận, với việc làm này bị cáo đã được Nguyễn Cương đưa tiền bồi dưỡng 4 lần tổng cộng 6.000 USD. Tuy nhiên, vào 24/11/2005 cũng như tại phiên toà, bị cáo Mai Văn Dâu thay đổi lời khai cho rằng mình không nhận tiền của Nguyễn Cương.

Tuy nhiên, dựa vào các lời khai của Nguyễn Cương, Lai Wai Hung, Lê Văn Thắng cũng như 7 công văn xin giao hạn ngạch của các doanh nghiệp mà bị cáo Mai Văn Dâu đã có bút phê tại nhà riêng; VKSND kết luận, nếu không vì động cơ tư lợi, không nhận tiền của các doanh nghiệp, bị cáo Mai Văn Dâu sẽ không nhiều lần làm trái với qui trình mà liên bộ đã qui định và buộc tội bị cáo Mai Văn Dâu nhận hối lộ 4 lần với số tiền 6.000 USD.

Trong phần tranh luận của các luật sư, luật sư Đoàn Mỹ Đức bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thắng cho rằng HĐXX cần xem xét lại các yếu tố khách quan liên quan đến vụ án như chính sách do Bộ Thương mại đưa ra đã làm cho các doanh nghiệp khan hiếm hạn ngạch cũng như do yêu cầu khách quan từ phía Hoa Kỳ đã hạn chế hạn ngạch của các doanh nghiệp. Từ đó cho thấy vai trò chức năng chính của bị cáo Lê Văn Thắng phải chịu sự giám sát của lãnh đạo lên bộ.

Luật sư bào chữa cho rằng, việc cấp giao hạn ngạch là do Tổ điều hành chịu trách nhiệm và thống nhất ý kiến thì việc cấp hạn ngạch mới được thông qua. Việc cấp hạn ngạch phải thông qua các cuộc họp thống nhất chứ không có chỉ đạo riêng. Trong khi Lê Văn Thắng chỉ là một thành viên nhỏ, không thể giải quyết mọi việc được. Từ đó, chứng minh bị cáo Lê Văn Thắng không có quyền hạn cũng như ý kiến gì trong qui trình xét cấp.

Liên quan tới việc nhận hối lộ của Lê Văn Thắng, quan điểm của luật sư bào chữa cho rằng người phạm tội phải là người có chức vụ quyền hạn và lợi dụng phải có thoả thuận trước giữa đưa và nhận, nhân chứng vật chứng, địa điểm, thời gian… Trong khi đó, ở đây VKSND buộc tội Thắng nhận hối lộ trong khi đó Trần Thu Lan là người chủ động tự đến thăm nhà, còn hồ sơ thì gởi theo đường công văn đến của Bộ Thương mại. Vì thế, việc hạn ngạch được cấp cho công ty Á Châu do tổ chuyên viên đề xuất, Thắng chỉ là người xem qua và duyệt chứ không dành ưu tiên cho doanh nghiệp nào.

Ngoài ra, qua phân tích, luật sư Đoàn Mỹ Đức đề nghị HĐXX xem xét việc Lê Văn Thắng chỉ nhận 9 lần với 9.000 USD chứ không nhận 11 lần như Thắng khai vì nhầm lẫn.

Về việc VKSND cáo buộc bị cáo Thắng nhận 5 lần số tiền 3.000 USD của Trần Kim Dung để cấp hạn ngạch cho công ty QMI, hiện do Dung đã bỏ trốn nên không thể kết tội bị cáo Thắng trong hành vi này. Trong khi đó, bị cáo Lưu Thị Minh Hiền thừa nhận không biết Lê Văn Thắng là ai mà chỉ biết đưa tiền cho Trần Kim Dung trong các quan hệ kinh tế.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Thắng cũng đề nghị HĐXX chưa xem xét vụ việc đưa và nhận hối lộ liên quan đến Trần Kim Dung, và không tính 3.000 USD vào trong phần luận tội với bị cáo Thắng. Đồng thời đề nghị xem xét mức hình phạt thấp nhất là 7 năm dành cho bị cáo Lê Văn Thắng.

Bào chữa cho bị cáo Mai Văn Dâu, 2 luật sư Phạm Hồng Hải và Phan Trung Hoài cho rằng trong vụ án, các luật sư đã không được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như việc không cho luật sư tiếp cận với bị cáo đã khiến cho bị cáo Mai Văn Dâu đã có những lời khai không đúng với những gì đã xảy ra.

Trong khi đó vào ngày 10/3 do bức bách của bệnh tật quá nặng, đồng thời trước sức ép của cơ quan điều tra nên bị cáo Dâu đã xin khai báo nhận 6.000 USD cho trùng khớp với lời khai của Nguyễn Cương và đề nghị CQĐT xem xét cho bị cáo tại ngoại trị bệnh.

Thế nhưng sau khi đã nhận tội, bị cáo Mai Văn Dâu vẫn không được cho tại ngoại trị bệnh. Vì thế, luật sư bào chữa cho rằng với những lời khai của Mai Văn Dâu thì chưa đủ để chứng minh việc khai báo trên là phạm tội. Luật sư bào chữa yêu cầu HĐXX nêu thêm các chứng lý buộc tội Mai Văn Dâu nhận 6.000 USD.

Bên cạnh đó, luật sư Phan Trung Hoài cũng nêu thêm 6 điểm yêu cầu HĐXX cần xem xét lại tội danh của Mai Văn Dâu. Luật sư cho rằng việc buộc tội Mai Văn Dâu nhận hối lộ trong khi chưa đủ chứng lý luận tội đã đẩy hình ảnh gia đình bị cáo đến hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi các phương tiện truyền thông cho bị cáo Dâu là quan tham.

Nhựt Lê

Dòng sự kiện: Vụ Mai Văn Dâu