1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mai Thanh Hải là nạn nhân của nạn bằng giả?

(Dân trí) - Sáng nay 21/3, HĐXX vụ án chạy hạn ngạch tại Bộ Thương mại tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Trần Thu Lan, luật sư Trương Thị Hoà (đoàn luật sư TPHCM) nhấn mạnh tới bối cảnh mà Trần Thu Lan phạm tội. Bà Hoà cho rằng, đó là thời mà các doanh nghiệp dệt may phát triển mạnh, đang trong cơn “khát” quota. Quá trình phạm tội của Trần Thu Lan chịu tác động của cơ chế xin - cho hạn ngạch.

Công ty Á Châu thời điểm đó đang trong quá trình đẩy mạnh sản xuất cùng với nhiều hợp đồng mới ký. Bên cạnh đó, sức ép từ việc giải quyết lương cho công nhân, ngân hàng đang đòi nợ… Trần Thu Lan đã tìm cách “kiếm” hạn ngạch để xuất hàng nên đã dẫn tới việc phải “lót tay” quan chức.

Luật sư Trần Văn Tạo khi bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cương cho rằng, ý thức ban đầu của Nguyễn Cương là giúp đỡ cho các doanh nghiệp có được quota, chứ không có ý môi giới hối lộ. Trong lần đầu Nguyễn Cương nhận từ Bùi Văn Tuấn 10.000 USD, luật sư Tạo nhấn mạnh tới lời khai từ phía Bùi Văn Tuấn. Tuấn thừa nhận, đó là số tiền làm quen với ông Cương, chứ không hề có ý định dùng số tiền đó để môi giới trong việc xin quota.

Khi toà đang làm việc, một người đàn ông chừng 70 tuổi, không rõ danh tính (tự xưng là đồng nghiệp và là bạn học của Nguyễn Cương) đã lẻn vào khu vực xét xử nói với vẻ rất bức xúc về những chuyện không hay của bị cáo Nguyễn Cương. Chủ toạ buộc phải ngắt lời luật sư để nhắc nhở và lực lượng an ninh buộc phải can thiệp.

Trong phiên toà này, luật sư Phan Trung Hoài là người “đắt sô” nhất. Luật sư Hoài nhận bào chữa cho 3 bị cáo là Mai Văn Dâu, Mai Thanh Hải và Trịnh Thị Hồng Điệp.

Trong phần bào chữa cho Mai Thanh Hải, luật sư Hoài cho rằng Hải không phạm tội lừa đảo, bởi người bị hại là bà Bùi Thị Mỹ Hà đã đưa tiền cho Đặng Vũ Quang. Và Hải là người nhận làm dịch vụ cho công ty của Quang nên đã cầm 560 triệu đồng của Quang chứ không phải của bà Mỹ Hà.

Luật sư Hoài đề nghị VKSND chuyển tội danh này thành việc Hải vi phạm đạo đức trong các mối quan hệ giao dịch dân sự. Vì hành vi lừa đảo là không có căn cứ vì bà Hà là người bị hại nhưng đã có văn bản xin không đòi lại số tiền đã đưa cho Quang, Hải.

Liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, luật sư Hoài cho rằng Hải không làm giả mà chỉ sử dụng bằng giả đã có sẵn. Tuy nhiên, ông không lý giải được ai là người nộp bằng ĐH Ngoại thương giả vào trong hồ sơ của Hải tại Vụ Tổ chức (Bộ Thương mại), trong khi đó ông khẳng định Hải không phải là người đi mua bằng giả ?!

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp, luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị toà xem xét đến yếu tố “ít học” và là con nuôi của 2 vị lão thành cách mạng tại Cần Thơ để làm yếu tố giảm nhẹ tội cho bị cáo này.

Nhựt Đại

Dòng sự kiện: Vụ Mai Văn Dâu