1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng ngàn lao động trở về từ Libya sau gần một năm:

Lương vẫn ở... Trung Đông

Kể từ chuyến bay đầu tiên đưa LĐ làm việc ở Libya về nước trước thời hạn (cuối tháng 2.2011), đến nay đã gần 1 năm. Ngoài số tiền hỗ trợ từ Nhà nước và tiền thanh lý hợp đồng với Cty XKLĐ đã đưa đi, hàng ngàn LĐ vẫn đang bị chủ nợ lương.

Người ít nhất là 2 tháng lương (tương đương 15 triệu đồng), người nhiều lên đến 40 triệu đồng - mà chưa biết khi nào được nhận lại. Đáng nói là hàng ngàn LĐ trong số này do về nước trước thời hạn nên chưa kịp thu hồi vốn để trả nợ, về nhà công việc lỡ dở nên cuộc sống đang gặp muôn vàn khó khăn.
 
Lương vẫn ở... Trung Đông  - 1
Hàng ngàn lao động Việt Nam trở về từ Libya vẫn chưa nhận được lương cho thời gian làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Giang Huy

Mong thoát nghèo, lại rơi vào… quá nghèo

Trong số những LĐ trở về từ Libya, anh Hoàng Văn Trung ở xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là LĐ có hoàn cảnh khá thương tâm. Xuất cảnh ngày 8.8.2009 qua Cty XKLĐ Hanoi Isalco, anh được bố trí làm việc tại TP.Ben cho Cty Lalitco (ông chủ là người Thổ Nhĩ Kỳ). Anh kể: “Tôi làm việc tại dây chuyền rửa cát đá của công trường, nhưng đến 14.12.2010 không may bị máy xúc xúc phải nên phải cắt bỏ một bên chân (tới sát đùi). Sau khi bị tai nạn, anh em cùng bác sĩ công ty đưa tôi đi bệnh viện.

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, xương chân tôi không nát, nhưng vẫn phải cưa chân. Tâm trạng tôi lúc đó cực kỳ khủng hoảng. Nếu như ở Việt Nam, tôi có thể giữ được chân để làm việc sinh nhai sau này, vậy mà không hiểu sao họ không giữ được chân cho tôi. Họ đã giám định sức khoẻ cho tôi với kết quả mất 60% sức khoẻ và họ sẽ bồi thường tiền bảo hiểm cho tôi khoảng 30 ngàn USD, tương đương với 15 năm lương cơ bản mà chủ sử dụng phải trả. Khi bị tai nạn, tôi mới làm việc được 16 tháng và sau khi về nước (từ 1.2.2011), đến nay ngoài khoản tiền 1 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước tại sân bay và 3 triệu đồng hỗ trợ từ công ty (về khoản này, lúc đầu ông Nguyễn Công Đoan - Giám đốc Hanoi Isalco - nói là được 5 triệu đồng, nhưng nay chỉ đưa có 3 triệu đồng), tôi vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm, lại còn bị chủ nợ thêm 4 tháng tiền lương”.

Anh Trung cho biết thêm: “Lương của tôi là trên 6 triệu đồng/tháng, số tiền chủ nợ tính ra khoảng 24 triệu đồng. Thời gian làm, tôi mới trả đủ nợ chuyến đi, nhưng khi về nước vết thương chưa lành, còn đang rỉ máu và còn phải cắt bỏ tạp chất từ vết thương đùn ra, tôi phải tự bỏ tiền túi ra điều trị tại bệnh viện ở Thái Bình. Công ty XKLĐ đưa tôi đi không hề giúp đỡ tôi. Tôi rất bức xúc và đề nghị công ty giúp đỡ, nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa “công ty sẽ làm hết sức mình để giải quyết bảo hiểm cho tôi”.

Về nhà, tôi phải đi làm chân giả mất 30 triệu đồng, nên vẫn còn nợ lại 30 triệu đồng”. Về các chế độ của mình, anh Trung cho hay, công ty có liên lạc và anh cũng chủ động liên lạc để hỏi thì ông Đoan - Giám đốc công ty - có nói hiện nay bên đó tình hình chưa ổn định nên chưa giải quyết được. Nhìn xuống chân mình, anh thở dài: “Trước khi đi tôi là người làm ra tiền nuôi gia đình, giờ đã không làm ra tiền còn phải nhờ vợ con hầu hạ, chăm sóc và khi trái gió trở trời, tôi lại đau đớn vô cùng. Cả gia đình trông vào tôi, tôi là lao động chính trong nhà, nhưng giờ lại là gánh nặng cho gia đình. Phần đời còn lại của tôi và gia đình tôi trông chờ vào việc được bồi thường. Gia đình tôi rất khó khăn, nhà có 3 sào ruộng, 2 con đang tuổi tới trường. Trước khi đi, gia đình tôi không phải hộ nghèo, nhưng giờ có lẽ rơi vào diện quá nghèo”.

Nợ nần chồng chất

Ông Nguyễn Văn Khoa - tổ 7, thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam - là sĩ quan quân đội về hưu. Với mong muốn giúp LĐ địa phương thoát nghèo, ông đã đứng ra đảm bảo với ngân hàng và tìm hiểu, liên hệ với Cty XKLĐ Việt Thắng để đưa LĐ đi làm việc ở Libya. Ông cho biết: “Từ 2009 đến nay, tôi đã tham gia đưa 68 LĐ đi. Trong số những LĐ về nước ở huyện tôi, có 4 LĐ mới đi được 2 tháng, chưa có thu nhập, gia đình rất khó khăn, còn phải nợ ngân hàng 30 triệu đồng”. Cũng theo ông Khoa, ngoài khoản tiền hỗ trợ từ Nhà nước và tiền thanh lý hợp đồng từ công ty, về phía địa phương, Hà Nam chưa hề triển khai chính sách hỗ trợ nào tới LĐ từ Libya trở về.

Hoàng Văn Khoa là một trong số những LĐ đó. Gặp Khoa, dường như nỗi ám ảnh Libya vẫn còn nguyên trên nét mặt. Khoa cho biết: “Em xuất cảnh 25.12.2010, sang Libya làm thợ sắt với mức lương 280USD/tháng. Em mới làm được 2 tháng 20 ngày thì chiến sự nổ ra, chưa nhận được đồng lương nào đã phải về nước. Khi về, em nhận được 8,9 triệu đồng từ khoản thanh lý hợp đồng với công ty và sau đó được Nhà nước hỗ trợ thêm 10 triệu đồng nữa, nhưng đến nay vẫn chưa bằng 1/2 chi phí em đã chi để đi Libya (riêng tiền Khoa nộp cho Cty đã hơn 46 triệu đồng). Em là dân thuyền chài, giờ về nhà có việc gì thì làm, chỉ lo đủ ăn là tốt rồi. Em sợ XKLĐ lắm rồi, lo chưa biết khi nào mới trả được hết nợ. Tết này càng chả dám mơ sắm sửa gì cho vợ con”.

Hoàn cảnh của Nguyễn Văn Lân ở xóm 2, thị trấn Quế, Kim Bảng còn buồn hơn. Lân thở dài: “Cũng vì Libya mà hiện vợ chồng em đang bất hoà, phải ly tán, hiện vợ em đã bế con về ở nhờ bên ngoại”. Lân kể: “Trước khi đi, con em ốm, phải nằm trên Viện Nhi Hà Nội mất 2 tháng; bản thân em cũng ốm, phải vay nợ mất 30 triệu đồng. Sau đó, em lại vay mất hơn 2.000USD để đi làm việc ở Libya nữa. Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới lại chồng lên. Những tưởng đi làm suôn sẻ để kiếm tiền trả nợ, nào ngờ mới sang được 2 tháng, chưa nhận được đồng lương nào đã phải về nước. Mà số tiền trên em chỉ vay được từ ngân hàng một nửa, số còn lại vay lãi cao bên ngoài nên số tiền trả lãi hằng tháng hiện nay lên đến 400 ngàn đồng/tháng. Với hoàn cảnh hiện nay, gia đình em coi như không có tết”.

Cùng chung tâm trạng rối bời vì nợ nần từ Libya, Cao Văn Cộng ở xóm 6, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng tâm sự: “Hiện em còn bị chủ nợ 3,5 tháng lương. Hiện gia đình em khó khăn, đang đi ở nhờ, lại nuôi hai con nhỏ. Em chỉ có nguyện vọng là mong Công ty Việt Thắng đã đưa em đi, sớm làm việc với chủ để lấy lại, trả lại công sức chúng em làm vất vả bên đó, bù đắp một phần khó khăn. Hiện em đang bị bệnh (mới đi mổ thận), lại chưa có việc làm, vợ em là giáo viên hợp đồng, lương tháng có 2 triệu đồng nên cuộc sống rất khó khăn”.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như LĐ khác, Trịnh Đăng Tiến ở xóm 8 Tân Kỳ, Nghệ An đã quyết tâm tìm lối thoát mới cho mình. Tiến cho hay: “Em đi Libya qua Cty XKLĐ Gaet (Bộ Quốc phòng). Sau khi về nước, em còn bị chủ nợ 2 tháng lương (700USD). Em đã nhiều lần gọi điện lên Cty hỏi, Cty hứa là sẽ làm việc với đối tác, nhưng đến nay, sau 10 tháng về nước, em vẫn chưa nhận được tiền. Kinh tế gia đình khó khăn, món nợ vay đi Libya còn đó, nên em quyết định tìm đường đi XKLĐ để sớm có tiền trả nợ. Rất may, tháng 1 này em được xuất cảnh sang tu nghiệp tại Nhật Bản qua Cty Airseco. Hy vọng, em sẽ sớm trả được món nợ Libya”.

LĐ phải chờ đến bao giờ?

Tết Nguyên đán đang cận kề, nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày và những khoản nợ khiến những cuộc sống của những gia đình có LĐ trở về từ Libya càng thêm khốn khó. “Mong muốn của chúng tôi là được công ty XKLĐ quan tâm, bố trí đi tiếp những đơn hàng tốt, thu nhập cao hơn. Các chế độ của anh em còn bị nợ lại, các công ty XKLĐ cũng nên cân nhắc, tuỳ theo điều kiện góp thêm cho anh em lo tết vì anh em chúng tôi đều rất khó khăn, con cái nhỏ, nghề nghiệp công ăn việc làm chưa ổn định” - LĐ Cao Văn Cộng bày tỏ.

Được biết, trong tháng 12.2011, một đoàn công tác gồm một số DN XKLĐ và lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đã sang làm việc với chủ sử dụng LĐ là người Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác đang nợ nhiều lương nhất của LĐVN - về việc trả tiền cho LĐVN. Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng 3 Cty đưa nhiều LĐ sang Libya làm việc nhất như Sona, Việt Thắng và Vinaconex Mec, phía chủ Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ lương của LĐVN số tiền khoảng 2 triệu USD; trong đó riêng Cty Việt Thắng, đối tác này đang nợ lương của gần 900 LĐ với số tiền lên đến hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, đại diện Cty Việt Thắng cho biết: Hiện, phía đối tác vẫn chưa thể thực hiện việc trả lương cho LĐVN, sớm nhất cũng phải sau 8 tháng chính quyền mới ở Libya lên nắm quyền việc này mới có thể thực hiện do tài khoản của họ ở Libya cũng đang bị phong toả. Như vậy, dự kiến phải đến tháng 6.2012, họ mới có thể thanh toán được số nợ lương trên cho LĐVN.

Nhớ lại, tết năm ngoái, hàng ngàn gia đình có người thân đi làm việc ở Libya đã được đón xuân vui vẻ với khoản tiền nhận được từ người thân lao động ở Libya gửi về; còn tết này, hàng ngàn LĐ và gia đình của họ vẫn đang dài cổ mong ngóng, chưa biết lấy đâu ra tiền trả nợ, chứ chưa dám nghĩ đến sắm tết cho vợ con.
 
Bộ LĐTBXH Việt Nam đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp giải quyết. Ngày 9.1, trao đổi với PV Lao Động về tình cảnh hàng ngàn LĐ trở về từ Libya đang bị nợ lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Lê Văn Thanh cho biết: Trong tháng 12, đoàn công tác của Bộ LĐTBXH gồm lãnh đạo bộ và đại diện một số DN XKLĐ đã sang làm việc với Bộ Lao động và An sinh của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ lương của LĐVN làm việc ở Libya. Các nhà thầu cho biết, hiện họ đang bị phía Libya nợ tiền nên chờ đến khi tình hình chính trị ở Libya ổn định trở lại, họ hứa sẽ tìm nguồn và tìm mọi cách trả hết lương đang còn nợ cho LĐVN. Ông Thanh khẳng định, các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ rất có thiện chí giải quyết nợ lương cho LĐVN và cam kết sẽ trả hết số tiền còn nợ LĐVN, tuy nhiên thời điểm như thế nào còn phụ thuộc vào... tình hình chính trị ở Libya. Sau chuyến công tác từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về, Bộ LĐTBXH cũng đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ đôn đốc các nhà thầu sớm trả lương cho LĐVN. Về tình cảnh khốn khó của LĐVN trở về từ Libya, ông Thanh cho biết, cục sẽ chỉ đạo các DN XKLĐ tiếp tục rà soát, xem xét lại - tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể, nếu những LĐ nào thực sự khó khăn sẽ đề nghị Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ kịp thời.

 

Theo Bảo Duy
Lao động online