1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Toàn bộ lao động Việt Nam an toàn rời khỏi Libya

(Dân trí) - Toàn bộ 10.334 lao động Việt Nam đã an toàn rời khỏi Libya. Những người còn ở nước thứ 3 đang chờ được hồi hương bằng nhiều phương tiện. Thủ tướng và các Bộ, ngành trong nước lên phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động trở về.

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), đến hôm qua 6/3, toàn bộ 10.334 lao động Việt Nam đã an toàn rời khỏi Libya. Đến 17h cùng ngày, đã có 6.816 lao động về nước. Theo kế hoạch, trong vòng 2-3 ngày tới, toàn bộ số lao động đang ở nước thứ 3 sẽ được đưa về nước bằng đường hàng không. Trong khi đó trên 1.000 lao động nước ta vẫn đang trên đường về nước bằng tàu biển, dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng trong những ngày tới.

Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết, trong ngày 6/3, nhóm 32 người còn lại tại sân bay Tripoli đã lên máy bay về nước. 71 người đang ở tại Đại sứ quán tại Libya cũng được đưa bằng ô tô ra khỏi biên giới Tunisia. Đây là những lao động Việt Nam cuối cùng còn ở trong lãnh thổ Libya và đã được di tản an toàn.

Trước đó, toàn bộ 65 lao động từ Benghazi đi theo hướng Đông về cửa khẩu Salloum (Ai Cập) đã mất hết hộ chiếu. Tuy nhiên, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã bảo lãnh cho họ và làm các thủ tục quá cảnh chờ di chuyển về sân bay quốc tế Cairo. Số lao động này cũng sẽ được Tổ chức Di dân Quốc tế hỗ trợ, trong đó bao gồm cả đồ ăn uống và chi phí về tới Việt Nam.

Toàn bộ lao động Việt Nam an toàn rời khỏi Libya - 1
Gần 7.000 lao động đã về nước an toàn. (Ảnh: Cục QLLĐNN)
 
Hiện tại ở sân bay Zazit và trại tập trung lao động tản cư gần biên giới Tunisia có khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam. Dự kiến, sẽ còn ít nhất 3 chuyến chuyên cơ nữa sang Tunisia đưa lao động về nước.

Cuộc sống của hơn 10.000 lao động trở về đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung giải quyết. Tại buổi làm việc với Thủ tướng, một số tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các lao động trở về từ Libya.

Như Công ty Sona cho biết, đã nhận được đơn đặt hàng của Công ty cổ phần công nghiệp và xây dựng Toàn Phát chuyên về xây dựng thủy điện, tuyển dụng 150 thợ hàn và 150 lao động xây dựng, với mức lương 200-250 USD/người/tháng. Ngoài ra, còn nhiều vị trí kỹ sư trắc địa, chỉ huy trưởng công trình và đội trưởng đội xây dựng với mức lương từ 300-750 USD/người/tháng…

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết, 100% lao động đi làm việc ở Libya là nam giới và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Ngay sau khi đưa được toàn bộ lao động về nước an toàn, Cục sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng cho lao động sau khoảng 2 tuần, theo Luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (đã điều chỉnh). Ngoài chế độ theo Luật, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho lao động một lượng kinh phí tuỳ theo thời gian đã làm việc ở Libya.

Ngoài ra, có tới 90% lao động đi làm việc ở Libya qua các nhà thầu nước ngoài nên Cục sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp đề nghị nhà thầu hỗ trợ thêm cho lao động. Sau đó sẽ ưu tiên cho lao động trên đi làm việc tại các thị trường khác. Hiện nay, ngoài nhận khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/người của Bộ LĐ-TB&XH, người lao động trở về còn nhận thêm sự hỗ trợ của các công ty xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này chỉ mang tính tạm thời.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động, chắc chắn người lao động sẽ được trợ giúp từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và cũng sẽ được ưu tiên hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề trong vòng 12 tháng với lãi suất 0%...

P. Thanh