1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần 50 tỷ đồng hỗ trợ lao động Việt Nam từ Libya về nước sớm

(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sắp trình Thủ tướng Chính phủ khoản hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng đối với người lao động ở 62 huyện nghèo từ Libya về nước trước thời hạn. Doanh nghiệp cũng sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần phí môi giới chưa hoàn trả.

Gần 50 tỷ đồng hỗ trợ lao động Việt Nam từ Libya về nước sớm  - 1

Những lao động cuối cùng rời Libya về nước bằng tàu biển. (Ảnh: Cục QLLĐNN)

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, dự kiến phương án hỗ trợ này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ đầu tuần sau. Nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Hơn 3 tháng trước đó, hơn 10.000 lao động Việt Nam đã phải rời Libya về nước trước thời hạn, do cuộc nội chiến xảy ra ở quốc gia này. Từ đó đến nay, người lao động (NLĐ) mới được hưởng một khoản hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu đồng để trở về quê nhà. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN)  thanh lý hợp đồng cho NLĐ, chậm nhất là 2 tuần sau khi lao động cuối cùng về nước. Tuy nhiên, tiến độ thanh lý hợp đồng còn chậm do nhiều nguyên nhân như: phân loại đối tượng lao động và tính toán thời gian làm việc. Ví dụ, theo luật, những lao động đã đi được trên 1 năm,  sẽ được thanh lý hợp đồng theo Luật Lao động. Còn với lao động mới đi, thời gian chưa được 1 năm, DN phải thương lượng với chủ sử dụng lao động Libya về tiền lương, tiền môi giới… Trong khi đó, hiện nay không ít chủ sử dụng lao động  bị lưu lạc do tình hình Libya nhiều bất ổn hoặc đã không còn khả năng chi trả số lương còn lại cho lao động, nên chưa đủ cơ sở để thanh lý hợp đồng.

Về tình hình hiện nay của lực lượng lao động từ Libya về nước, ông Hòa cho biết, ban đầu khá nhiều  DN nội địa đã đăng ký tuyển dụng lực lượng này. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong muốn, nhiều DN đã không tuyển được lao động hay chỉ tuyển được số lượng rất ít. Nguyên nhân do phía NLĐ không chấp nhận mức lương được trả ở nơi làm việc nội địa (khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/ tháng, trong khi làm việc ở ngoài nước họ được trả gấp đôi, thậm chí gấp 3) trong khi NLĐ lại phải đi xa nhà. Do đó nhiều người chấp nhận chờ để tiếp tục đi XKLĐ ở thị trường khác.

Trước nguyện vọng của nhóm đối tượng NLĐ này, Cục đã yêu cầu các DN tiến hành rà soát  ưu tiên, tư vấn giới thiệu những thị trường mới, chi phí hợp lý như Saudi Arabia, Nga…

Cũng theo ông Hòa, hiện Cục đang chú trọng phát triển thị trường Malaysia, khá phù hợp với lượng NLĐ từ Libya, bởi chi phí thấp, yêu cầu về trình độ lao động vừa phải lại có tính chất ổn định, lâu dài với mức lương từ 300 - 600 USD/tháng.

P .Thanh