1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đốc thúc trả nợ lương cho lao động Việt Nam trở về từ Libya

(Dân trí) - Cơ quan chức năng Việt Nam đã gửi công hàm đến Bộ Lao động và An sinh Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Bộ này đôn đốc các nhà thầu nhanh chóng thanh toán cho lao động Việt Nam lao động tại Libya bị nợ lương gần 1 năm nay.

Được biết, cho đến thời điểm này, gần một năm sau khi trở trước thời hạn về từ Libya, nhiều người lao động Việt Nam vẫn bị chủ lao động nước ngoài nợ 1- 2 tháng lương (15- 40 triệu đồng). Khoản nợ này khiến nhiều gia đình người lao động càng thêm khó khăn, do gánh nặng vay ngân hàng chưa thể giải quyết.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam vừa gửi Công hàm đến Bộ Lao động và An sinh Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị Bộ này phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc các nhà thầu nhanh chóng thanh toán cho lao động Việt Nam về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác để tiếp tục bước sang giai đoạn hợp tác mới. Được biết, trước đó số tiền lương còn lại của các lao động Thái Lan cũng đã được một số nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ thanh toán đầy đủ.

Đốc thúc trả nợ lương cho lao động Việt Nam trở về từ Libya - 1

Nhiều người lao động Vệt Nam đã làm việc tại Libya vẫn đang bị chủ lao động nợ lương. (Ảnh minh họa)

“Phía các doanh nghiệp nước bạn cam kết sẽ thanh toán hết số tiền lương còn lại cho lao động Việt Nam trong thời gian sớm nhất từ nguồn trả nợ của Chính phủ Libya và nguồn vốn của các nhà thầu. Theo thông tin của các nhà thầu xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ, có thể khoảng 6 tháng tới, khi việc đàm phán nhận thầu xây dựng tại Libya hoàn tất, các lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sẽ được đưa sang Libya làm việc trở lại. Đây là tin vui cho lao động của ta trong đầu năm mới, bởi thị trường này đòi hỏi trình độ tay nghề phù hợp với lao động Việt nam và có mức lương khá ổn định. Cơ hội việc làm này cũng đáp ứng với nguyện vọng của đa số lao động vừa từ Libya trở về”- ông Quỳnh cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ- TB&XH cho biết thêm, mới đây, đoàn công tác của ngành lao động Việt Nam đã có buổi làm việc với Cơ quan tuyển dụng lao động Thổ Nhĩ Kỳ (cơ quan quản lý việc làm của bạn), các doanh nghiệp và một số nhà thầu đã từng tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc cho các dự án ở Libya để tìm hiểu khả năng đưa lao động Việt Nam sang thực hiện các dự án mà các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đã trúng thầu ở nước thứ ba. Cùng đó, bàn về khả năng đưa lao động Việt Nam quay trở lại Libya làm việc khi tình hình đất nước này trở lại ổn định. Theo đó ngoài lao động nghề xây dựng, lãnh đạo Bộ đã trao đổi với các đối tác về việc tiếp nhận lao động Việt nam sang làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ ở một số ngành nghề khác với các chế độ đãi ngộ theo tiêu chuẩn lao động của châu Âu.

Trước thời điểm xảy ra khủng hoảng chính trị tại Libya, các doanh nghiệp xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động rất mạnh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và có nhu cầu sử dụng số lượng khá lớn lao động nước ngoài. Đã có 6 doanh nghiệp của Việt Nam  hợp tác với 14 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ để đưa lao động sang làm việc tại các công trình mà các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nhận thầu xây dựng ở Libya.

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm