1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con!"

Phượng Vũ

(Dân trí) - Nhìn những bịch phôi nấm nằm la liệt trên nước, chị Vinh chỉ biết dàn dụa nước mắt. Hơn 200 triệu đồng vay để trồng nấm vụ mới phút chốc chỉ còn là đống phế liệu trôi theo dòng nước lũ.

Bỗng dưng thành con nợ

Sau 2 ngày nằm vạ vật, chị Trương Thị Thành Vinh (37 tuổi, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) mới gắng gượng để dọn dẹp nhà trồng nấm của gia đình. Hơn 3 vạn phôi nấm gồm mộc nhĩ và nấm sò bị ngâm trong nước lũ suốt mấy ngày đã trở thành phế thải. Ngoài ra, hơn 1 tạ nấm đang cho thu hoạch  không kịp hái bán giờ chỉ có thể đem đổ đi.

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 1

Hơn 3 vạn phôi nấm đang cho thu hoạch của chị Vinh bị ngâm trong nước lũ

Lũ rút, nhìn toàn bộ cơ ngơi tiêu tán, chị Vinh gần như ngã quỵ. Sau 2 ngày, nhờ có sự giúp sức của các đơn vị tình nguyện, gia đình chị mới dọn dẹp được 3 nhà nấm.

Vừa thu dọn chị Vinh không cầm được nước mắt: “Chồng tôi vay mượn đi xuất khẩu lao động thì lại trúng dịch, không có việc làm. Để có tiền trả lãi, tôi phải nhờ cậy họ hàng mới mượn được gần 200 triệu tái đầu tư vào nhà nấm. Nào ngờ, một trận lũ quét sạch toàn bộ, bao nhiêu công sức, tiền bạc đều trôi theo lũ hết. Giờ biết lấy gì để mà trả lãi và nuôi con đây?”.

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 2

Để đầu tư 3 nhà nấm chị Vinh đã phải vay hơn 200 triệu đồng. Trận lũ khiến gia đình chị mất trắng và lâm vào cảnh nợ nần

Xót của, chị Vinh cố gắng tìm những bịch nấm còn khả năng phục hồi trong đống phế thải nhưng đành thất vọng, các phôi nấm đều nứt bao, úng hết nước. Với gia đình chị Vinh, vụ nấm này đã hoàn toàn trắng tay.

Hơn 3 ngày sau khi cơn lũ lịch sử qua đi, nhưng với bà Lê Thị Tuyết (thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành) ký ức kinh hoàng vẫn còn hằn rõ. Chỉ sau một đêm nước lên, 82 con lợn nái và lợn thịt sắp xuất chuồng trị giá trên 600 triệu đồng của gia đình bà đã bị nước lũ nhấn chìm.

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 3

Bà Lê Thị Tuyết khóc ngất khi thấy chuồng lợn của mình trống trơn sau lũ

Nhìn những chuồng lợn trống trơn, 82 con lợn giờ chỉ còn lại hơn chục con, bà Tuyết buồn rầu: “Cơn lũ này khiến gia đình tôi thiệt hại nặng quá. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gây dựng bao năm giờ mất sạch. Số lợn còn lại phải bán rẻ 1 triệu/con vì lợn ngâm nước lũ không bán cũng chết”.

Hỏi về việc tái đàn, bà Tuyết lắc đầu: “Việc tái đàn thì chưa dám nghĩ tới vì không biết xoay đâu ra vốn để mua giống. Tui còn nợ ngân hàng, rồi nợ đại lý bán thức ăn chăn nuôi tới hơn 700 triệu. Nuôi bầy lợn nái với đàn lợn thịt này, tui tính đem bán bớt trả nợ. Mà giờ chẳng còn con nào nữa, nợ thì vẫn còn một đống”.

Chung cảnh mất vật nuôi với bà Tuyết còn có nhiều gia đình khác. Khi lũ tràn về, hầu hết ở xã Cẩm Thành này, nhà nào cũng phải “hiến” cho lũ, nặng thì trâu bò, nhẹ thì vài con gà, vịt.

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 4

Đàn lợn 82 con chỉ sót lại hơn chục con nhưng không thể cứu sống được

Mấy ngày qua, chị Trần Thị Huế  (thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành) vẫn đang hớt hơ hớt hải đi tìm 3 con bò mất tích của gia đình. Đây cũng là tài sản có giá trị nhất của một gia đình hộ nghèo như chị. Nhưng sau mấy ngày, 3 con bò vẫn chưa được tìm thấy: “Không khéo bò chết theo lũ thật rồi. Bò mà chết thì gia đình tôi cũng chết theo chứ biết nhìn vô mô mà ăn nữa”, chị Huế mếu máo.

Nhọc nhằn gây dựng lại cơ nghiệp, gia đình chị Huế đã vay hơn 30 triệu từ ngân hàng và thế chấp sổ đỏ để nhanh chóng sửa lại chuồng trại và mua bò giống về nuôi tiếp. 

Trận lũ đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Bởi với họ, đàn gia súc, gia cầm là tài sản quý nhất nay đã bị thất thoát phần lớn.

Khó khăn tái sản xuất sau lũ

Cẩm Xuyên và Thạch Hà là 2 huyện bị ngập lụt nặng nhất của Hà Tĩnh trong đợt lũ vừa qua. Theo thống kê, tại Cẩm Xuyên có hơn 11.700 tấn lúa giống, lúa thương phẩm các loại bị ướt, hư hại hoàn toàn; 230 con trâu, hơn 6.900 con lợn và gần 402.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi trong mưa lũ; 52 ha tôm, 375 ha cá các loại bị ngập, cuốn trôi...

Tại huyện Thạch Hà, nước lũ nhấn chìm hơn 4.300 tấn lúa; gần 50 con trâu bò dê, gần 1.300 con lợn, hàng trăm nghìn con gia cầm...

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 5

Gia súc, vật nuôi chết... đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình mất trắng tài sản.

Lũ đã rút nhưng nhiều người dân ở Hà Tĩnh vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả. Nhiều gia đình bỗng dưng rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất do tài sản bị cuốn trôi theo lũ. Việc tái sản xuất, ổn định đời sống cho người dân đang đặt ra nhiều khó khăn cho cả người dân và chính quyền địa phương.

Trận lũ đã khiến hộ ông Trần Xuân Báu (thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà)  bị cuốn trôi mấy 11 con hươu, 500 vịt đẻ, 3 tấn cá trắm...  Theo tính toán, hộ gia đình ông đã mất gần nửa tỷ đồng cho trận lũ này. Điều mà gia đình ông mong muốn nhất hiện nay là được hỗ trợ về lãi suất tiền vốn để có thể khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

Ngồi nhặt từng hạt thóc đã ngấm nước trong vô vọng, anh Phạm Ngọc Lộc (thôn 4, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) không biết sẽ sống ra sao những ngày sắp tới. Cơn bão vừa qua khiến đàn gà nhà anh trôi hết, 60 tạ thóc ngâm trong nước cũng đang lên mầm.

“Hiện tại chúng tôi rất cần vốn, giống cây trồng, vật nuôi để có cái mà làm ăn, sớm khôi phục cuộc sống”, anh Lộc bày tỏ.

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 6

Thóc lúa ngâm trong nước đã lên mầm

Lũ quét sạch rồi, giờ lấy gì trả nợ nuôi con! - 7

Niềm mong mỏi của bà con vùng lũ lúc này là sớm được hỗ trợ chi phí, cây giống, vật nuôi để tái sản xuất trở lại

Trong những ngày qua, những hình ảnh mất mát của người dân Hà Tĩnh trong lũ lụt đã lay động đến đồng bào cả nước. Những chuyến xe cứu trợ đã sát cánh góp phần giúp họ vượt qua cơn đại hồng thủy. Hiện nay, cái đói trước mắt đã tạm qua, giờ là lúc họ lo lắng cho việc ổn định cuộc sống và phương kế sinh nhai lâu dài.

Ông Lê Ngọc Hà, phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho  biết: “Đến cuối ngày 25/10, huyện đã tiếp nhận hỗ trợ của hơn 200 đoàn. Phần đông các đoàn tiếp tế lương thực. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ khắp nơi trên cả nước hướng về miền trung cũng cần tính đến phương án hỗ trợ vật tư phù hợp để người dân ổn định sản xuất sau lũ như con giống, vật nuôi...".