Quảng Nam:
Ám ảnh ký ức vừa chạy lũ vừa khóc, nhìn tài sản cả đời bị cuốn phăng
(Dân trí) - Hôm đó trời mưa rất to, có tiếng nổ mạnh như động đất, rồi tiếng la hét hò nhau chạy. Bà Lành hối chồng lao ra khỏi nhà, tất cả tài sản dành dụm mấy chục năm đành bỏ lại. Chồng bà vừa chạy vừa khóc...
Bà Nguyễn Thị Lành năm nay đã 59 tuổi, lên định cư ở Phước Sơn (Quảng Nam) đã hơn 20 năm. Gần 1 tháng nay, hàng ngày bà ra đứng thẫn thờ nhìn đống đất đá, vốn trước đây là ngôi nhà của vợ chồng bà sinh sống mấy chục năm nay ở thôn 3 xã Phước Thành, rồi lặng lẽ thở dài.
Hai vợ chồng bà lên đây buôn bán nhỏ và chăn nuôi heo, gà sống qua ngày. Nhà cách con suối nhỏ chạy qua trung tâm xã vài chục mét. Mấy chục năm nay, con suối này vẫn hiền hòa trải qua nhiều mùa mưa bão, không ngờ năm nay lại khủng khiếp đến vậy.
Bà kể, khoảng hơn 2h chiều ngày 28/10, trời mưa rất to, hai vợ chồng đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng nổ rất mạnh như động đất, tiếp đó là tiếng la hét của những người hàng xóm báo động để bỏ chạy ra khỏi nhà.
Bà hối chồng lao ra khỏi nhà chỉ với bộ đồ trên người, tất cả tài sản dành dụm được mấy chục năm nay đã bỏ lại. Chồng bà vừa chạy vừa khóc nhìn lại ngôi nhà, tài sản, heo, gà... Khi ông bà vừa lao ra khỏi nhà và chạy lên được khu đồi gần đấy, cơn lũ dữ đã cuốn trôi ngôi nhà của bà cùng hàng chục ngôi nhà hàng xóm.
Những người cùng chạy với bà cũng đứng chết trân dưới mưa lớn nhìn tài sản, nhà cửa trôi theo dòng lũ dữ mà không ai làm được gì. Nhiều người dân nói, nhìn dòng lũ cuốn phăng phăng cây cối, nhà cửa đi mà tim đập như trống trận, chân tay bủn rủn, đứng không vững.
“10 ngày sau, bắt đầu từ ngày 28/10, hai vợ chồng tôi không ngủ được vì nỗi ám ảnh của vụ sạt lở, không thể nào chợp mắt được. Cứ hễ nghe tiếng gió hơi mạnh bên ngoài là bật người dậy để chạy. Sống hơn 20 năm ở đây giờ tôi mới chứng kiến cảnh này. Quá khiếp sợ!”, bà Lành kể nhưng trên khuôn mặt vẫn chưa tan đi nỗi sợ hãi chạy lũ.
Tài sản, nhà cửa của hai vợ chồng bà ước tính hơn 500 triệu đồng giờ chỉ còn đống đất đá ngổn ngang. Hàng ngày, bà cùng chồng ra nhìn “hiện trường” mà nuốt không nổi chén cơm. Bà nói, chính bà cũng không hình dung được cơn lũ khủng khiếp này, nó cuốn đi đất cả nhà cửa, tài sản của người dân trên đường nó đi. Để lại là đống đất, đá, bùn, cây rừng…
Bà Nguyễn Thị Lệ năm nay cũng đã 54 tuổi, lên đây tái định cư gần 30 năm, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời bà chứng kiến cảnh tượng hãi hùng như vậy. Nhà bà bên kia con suối cùng nhiều hàng xóm khác cùng bị xóa sổ.
Trưa hôm đó, chính quyền đã vận động người dân phải di dời lên cao để đề phòng mưa bão nhưng không ai ngờ dòng nước hung dữ trong phút chốc đã cuốn phăng hàng chục nhà dân. “May nhờ có chính quyền cương quyết đưa dân đi, nếu không thì nhiều người không những mất nhà, tài sản mà mạng cũng giữ không được”, bà Lệ nói.
Bà Lệ cũng như 15 hộ dân khác ở thôn 3, xã Phước Thành mất nhà cửa, cả tháng nay tá túc ở trạm y tế xã. Giờ bà cũng không biết đi đâu về đâu. Chỗ nhà cũ của bà đã bị trôi hoàn toàn, giờ có tiền không thể làm lại nhà ở chỗ đó vì ai cũng sợ, đi thì đi đâu khi bốn bề là sạt lở, là núi cao?
“Chúng tôi giờ chỉ mong chờ vào chính quyền tạo điều kiện mặt bằng để cho dân dựng lại nhà mới, chứ chỗ cũ thì không ai dám rồi, vì không biết sau này bão lũ thế nào. Bữa giờ chúng tôi cũng được bộ đội, dân quân gùi gạo, mắm muối vào chứ không dân đói chết, vì nhà cửa đã bị cuốn trôi rồi”, bà Lệ nói.
Cũng theo bà Lệ, mùa này là mùa lúa rẫy của bà con dân tộc ở vùng này nhưng đợt mưa lũ vừa qua, hầu hết lúa rẫy, vườn cây của người dân đã bị hư hỏng hoàn toàn, người dân không có thu nhập nào sau đợt mưa bão vừa qua.
Không những người dân mà nhiều cán bộ cũng bị thiệt hại nặng sau cơn lũ dữ. Anh Hồ Văn Long, cán bộ xã Phước Lộc cũng bị lũ dữ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa. Anh Long cho hay, cả đêm 27 và sáng ngày 28/10 trời mưa rất to, anh đi vận động bà con đến ủy ban xã để phòng tránh bão lũ, vợ con anh cũng đã được đưa lên xã để nấu cơm phục vụ bà con.
Trong lúc đó, trời mưa lớn và xuất hiện lũ quét cuốn trôi hoàn toàn nhà anh cùng nhiều nhà hàng xóm. “Nếu mình hôm đó ở nhà, không đi vận động dân tránh bão lũ và vợ không lên ủy ban xã để nấu cơm cho bà con thì cả nhà mình chắc cũng đã bị lũ cuốn đi rồi”, anh Long nói.
Theo báo cáo của xã Phước Lộc, xã có 18 hộ bị trôi nhà hoàn toàn, 22 hộ bị hư hỏng từ 30-70%. Tại xã Phước Thành có 49 nhà bị trôi hoàn toàn, 55 nhà bị hư hỏng từ 30-70%.
Trên tuyến đường ĐH1 từ đường Hồ Chí Minh vào các xã Phước Thành và Phước Lộc, hàng trăm điểm sạt lở khiến con đường bị "xé toạc" nhiều đoạn. Đất đá chất thành đống, nhiều tảng đá nặng hàng chục tấn trôi từ trên núi xuống chắn ngang đường, buộc lực lượng thi công phải mở lối khác để thông tuyến.
Nhiều con suối bên đường hiện giờ là “suối đá, bãi đá”. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Bí thư huyện ủy Phước Sơn, hiện là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - cho biết, rất nhiều con suối trên địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Thành và Phước Kim… giờ đã bị lấp một lớp đá dày 3-4m, hai bên suối là nương lúa của bà con đồng bào nhưng hiện cũng đã bị đá lấp đầy, không còn nhận ra.
Con suối ngay trung tâm xã Phước Thành trước đây cũng là suối nhỏ, nay con suối này cũng là con suối đá với lớp đá dày 3-4m, nhiều tảng đá hàng chục tấn “lăn” xuống chắn ngang. Tuy đường đã thông vào xã Phước Thành nhưng xe ô tô lưu thông còn khó khăn, bùn đất còn ngổn ngang, nước suối còn chảy lên láng trên đường...
Ngày 24/11, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình sạt lở và thăm hỏi, hỗ trợ cho người dân xã Phước Thành, Phước Lộc bị cô lập nhiều ngày qua.
Tại các địa phương này, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam biểu dương tinh thần các lực lượng đã nỗ lực thông tuyến đảm bảo đi lại, cứu hộ cứu nạn và cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con, không để bà con thiếu đói.
Ông Thanh đề nghị chính quyền địa phương động viên, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống. Lương thực, nhu yếu phẩm, vật liệu phải cung cấp cho bà con kịp thời nhất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đói rét, thiếu ăn thời gian tới; nhất là trong những tháng cuối năm âm lịch.
Tại xã Phước Lộc, ông Lê Trí Thanh yêu cầu lực lượng chức năng phải nỗ lực tiếp tục tìm kiếm 4 người mất tích còn lại; khẩn trương khắc phục tuyến đường hoàn chỉnh và sửa chữa nhà cho người dân mất nhà cửa có nơi ở ổn định.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị địa phương tiến hành khảo sát các địa điểm an toàn để nhanh chóng xây dựng khu tái định cư cho bà con, động viên bà con ủng hộ chủ trương di dời đến nơi an toàn.
Dịp này, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam tặng 49 suất quà đến 49 người dân xã Phước Thành và 30 suất quà đến 30 người dân xã Phước Lộc; những hộ dân này bị trôi nhà hoàn toàn trong đợt mưa bão ngày 28/10.
50 suất quà cũng đã được Chủ tịch tỉnh Quảng Nam trao đến thầy cô ở xã Phước Thành và Phước Lộc; và 20 tập thể có thành tích trong công tác khắc phục, cứu hộ, cứu nạn trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn huyện Phước Sơn.