Quảng Nam: Bão lũ làm 47 người chết và mất tích, 8.400 tỷ bị cuốn trôi
(Dân trí) - Tổng thiệt hại của 3 đợt thiên tai do ảnh hưởng của bão số 5, bão số 6, bão số 9 tại Quảng Nam ước tính khoảng hơn 8.400 tỷ đồng; làm 28 người chết, 19 người mất tích và 200 người bị thương.
Sáng 13/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để đánh giá công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Từ giữa tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt thiên tai do ảnh hưởng của bão số 5, bão số 6, bão số 9. Thực hiện công tác ứng phó bão, lụt, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển.
Để giảm lũ cho hạ du đối với các hồ chứa thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các chủ hồ thủy điện vận hành theo quy trình.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã tổ chức theo dõi tình hình thiên tai, chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bảo theo quy định, góp phần giảm lũ, chậm lũ cho vùng hạ du.
Lực lượng chức năng toàn tỉnh cũng đã triển khai 3 đợt sơ tán tập trung hơn 5,5 nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; sơ tán xen ghép hơn 28,4 nghìn hộ dân.
Tuy nhiên, với 3 đợt thiên tai lớn đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh, sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng hơn 8.400 tỷ đồng; làm 28 người chết, 19 người mất tích và 200 người bị thương.
Hiện nay lực lượng chức năng các cấp đang nỗ lực triển khai các phương án về khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí cho các địa phương kịp thời khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của bão, lụt; đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống cho người dân vùng thiên tai...
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tập trung lực lượng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, sớm phục hồi lại hệ thống giao thông.
Trong đó, ngành giao thông tập trung khắc phục cho các tuyến đường quốc lộ; các địa phương chủ động phương tiện, nhân lực “4 tại chỗ” tập trung lực lượng khôi phục các tuyến đường cấp huyện trở xuống để thông tuyến.
Đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn. Khẩn trương có phương án đảm bảo ổn định cho người dân vùng sơ tán; các địa phương chủ động khảo sát các địa điểm để sơ tán người dân; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân vùng cô lập.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngành giáo dục phối hợp với các địa phương có phương án cho việc học trở lại đối với các học sinh vùng thiên tai; sớm khôi phục hệ thống điện, viễn thông; các nhà máy thủy điện phối hợp với lực lượng chức năng để thông tin kịp thời về lưu lượng nước, quy trình vận hành.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBMTTQ Việt Nam tỉnh có phương án sử dụng nguồn tài trợ hợp lý, hiệu quả, minh bạch, rõ ràng, nhanh chóng phân bổ cho bà con, nhất là bà con ở vùng sạt lở, chia cắt...