Lô cốt trên đường, vô phương dẹp bỏ!
(Dân trí) - Cuối năm 2007, một cán bộ sở giao thông công chính TPHCM thừa nhận: “Năm 2008, tình hình kẹt xe sẽ còn nghiêm trọng hơn do rào đường hàng loạt”. Đến nay, nó đã thành sự thật - một sự thật vô phương sửa đổi!
Muốn hết ngập, phải chịu kẹt
Theo vị cán bộ trên, tình hình kẹt xe năm nay diễn ra nghiêm trọng hơn năm 2007 là do năm 2008 rào đường sẽ tăng cao, mà toàn rào đường trục, đường chính, đường xuyên tâm… Nhưng không rào không được.
Bởi hàng loạt công trình đang phải triển khai thi công. Trong đó hầu hết là các công trình cải tạo hệ thống cống thoát nước, phục vụ đề án chống ngập nội thị. Nếu người dân muốn sống trong TP không ngập nước thì phải chịu khó… kẹt xe.
Ngoài ra, theo bà Phan Hoàng Diệu - Giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dự án rào 29 con đường trong năm 2008), thì: “Không thể không rào hàng loạt. Vì theo yêu cầu của ngân hàng Thế giới, đến giữa năm 2008 chúng tôi phải triển khai thêm 5 gói thầu, nếu không sẽ cắt vốn vay ODA. Vì vậy phải đồng loạt đào trên nhiều tuyến đường”.
Trong một cuộc họp gần đây, ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Phó giám đốc Sở GTCC, chia sẻ: rào đường hàng loạt như những ngày vừa qua là việc chẳng đặng đừng, ngành giao thông công chính buộc phải làm. Và ông kêu gọi người dân hãy thông cảm cho ngành, vì sự phát triển chung của TP mà chịu khó… chịu khổ kẹt xe thêm một thời gian.
Rào đường gây ách tắc giao thông |
Chịu nhưng… chướng
Chủ một tiệm kinh doanh cơm văn phòng ở Gò Vấp than thở: “Khách đặt cơm lúc vừa nghỉ trưa, vậy mà lúc đưa cơm đến nơi thì đã đến giờ làm của họ, đành bỏ”. Thanh niên thì than: “Đi xe 125 phân khối mà chậm còn hơn ông già đang tập đi bộ dưỡng sinh bên hè phố”. Chủ một tiệm cơm trên đường Calmette thì méo mặt: “Đào miết chẳng ai dám vào ăn”. Nhưng mọi người đều chấp nhận đây là việc phải làm.
Điều khiến mọi người khó chịu là các đơn vị thi công rào đường ẩu, hàng rào xập xệ, nguy hiểm, lấn chiếm hết mặt đường, ép người dân chạy lên hè phố, rào mà chẳng chịu làm, để bụi đất tràn ra mặt đường… Điều này tạo cho người dân cảm giác các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình là đúng nhưng xem thường đời sống nhân dân.
Cụ thể, trong đợt kiểm tra tháng 4 vừa qua của Thanh tra Sở GTCC, 3/4 số công trình bị kiểm tra đều dính phải các lỗi như: rào quá phạm vi cho phép từ 16-56m chiều dài, từ 1,4-2,7m chiều rộng, không dọn dẹp vệ sinh công trường để đất cát vương vãi ra đường… mặc cho người dân lưu thông qua khu vực này khó khăn, ách tắc và ô nhiễm.
Đặc biệt, một số điểm rào trên đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Trỗi… thuộc dự án VSMT Nhiêu Lộc - Thị Nghè không thi công nhiều ngày nhưng không hề tháo rào chắn. Lô cốt trước số 261E Nguyễn Văn Trỗi đã ngưng thi công từ tháng 12/2007 nhưng vẫn để hàng rào cho đến nay.
Có lẽ mức phạt 2 triệu đồng/lỗi của Thanh tra Sở quá nhẹ nên chẳng làm các nhà thầu sợ. Do vậy, tình trạng thi công rào đường ẩu, chiếm dụng mặt đường mà không thi công còn xảy ra tràn lan. Đặc biệt là gần chục lô cốt trên đường Trần Hưng Đạo thuộc Dự án VSMT nước TPHCM lâu nay không hề thấy thi công nhưng vẫn rào.
Nhiều lô cốt trên các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Châu Văn Liêm, Lê Hồng Phong… thuộc dự án này dù đều nằm ngay ngã tư giao lộ, nhưng hầu hết chiếm dụng mặt đường quá mức cho phép, thu hẹp diện tích đường dành cho xe lưu thông khiến tình hình giao thông trong khu vực này trong giờ cao điểm vô cùng lộn xộn và ách tắc.
Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp rào mà không thi công, thi công xong chẳng chịu dỡ rào… tạo ra các tệ nạn xã hội, ăn nhậu mất cảnh quan đô thị, nguy hiểm cho trẻ nhỏ, mất trật tự giao thông trên tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh Thị Nghè, báo Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh trong bài sau.
Bài và ảnh: Tùng Nguyên