1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Quy hoạch xe buýt tại TPHCM:

“Điểm chết” của mô hình xuyên tâm

(Dân trí) - Tại khu trung tâm giờ cao điểm, nhiều người than phiền xe buýt lớn mà chỉ chở vài khách, gây kẹt xe. Sao không dẹp đi cho rồi? Thực ra, không phải xe buýt hoạt động không hiệu quả, mà do “điểm chết” của mô hình xuyên tâm.

“Điểm chết”

Giờ cao điểm, các tuyến đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8, Đinh Tiên Hoàng… trong khu vực Q1, Q3 hầu như kẹt cứng người đi lại. Trong khi đó, nhiều chuyến xe buýt 50 chỗ dềnh dàng chiếm chỗ trên đường mà chỉ chở lèo tèo vài khách. Nhiều người bất bình: “Sao không dẹp quách cho rộng chỗ?”.

Thực ra, các tuyến này vẫn hoạt động hết sức hiệu quả. Trong giờ cao điểm, mỗi chuyến xe có thể chở số khách cao gấp 4 lần số chỗ ngồi trên xe. Tuy nhiên, số người trên xe không phải lúc nào cũng đông. Mà thường khi chạy qua khu trung tâm thì ít khách, ra đến ngoại thành lại đông. Tại sao vậy?

Bởi hầu hết các tuyến xe buýt hiện nay đều được thiết kế theo mô hình xuyên tâm. Tức là các tuyến đều xuất phát hay có điểm cuối tại trung tâm vận chuyển hành khách công cộng Bến Thành, nằm ngay Q1, trước chợ Bến Thành. Các tuyến còn lại cũng ít nhiều đi qua trung tâm này.

Khi xuất phát thì lượng khách ít, xe chạy hết các tuyến đường chính tại Q1, Q3 thì cũng vừa rước đầy khách, lúc ấy đã ra khỏi khu trung tâm chật chội. Xe xuất phát từ ngoại thành về đến gần trung tâm thì khách cũng xuống lác đác gần hết, khi vào đến khu trung tâm thì chiếc xe rộng thênh thang 50 chỗ lại chỉ lèo tèo vài khách. Nhưng thực ra, ngay giữa tuyến thì khách khó mà có 1 chỗ để đứng.

Từ đó, nảy sinh ra “điểm chết” của mô hình xuyên tâm là: hoạt động không hiệu quả ở khu trung tâm, xe lớn chiếm diện tích đường nhiều mà chở ít khách.

 

“Điểm chết” của mô hình xuyên tâm - 1

Tại nút giao Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai thường xảy ra ùn tắc mỗi khi có nhiều xe buýt đi qua, nó lại là giao điểm của gần chục tuyến xe buýt, nhưng các xe buýt đi qua đây hầu hết chỉ chở vài khách. (Ảnh: Tùng Nguyên)

 

Cần thay đổi ngay

Một cán bộ Sở GTCC cho biết: đây là hệ quả của quá trình phát triển hệ thống xe buýt theo phương thức mở rộng dần. Do ban đầu ít tuyến, để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại và thuận tiện cho người dân, TP tổ chức các tuyến xe buýt dài, đi từ trung tâm TP đến các quận, huyện ngoại thành, hay từ đầu này sang đầu kia của TP, đi qua khu trung tâm. 

Nhưng khi có nhiều tuyến xe buýt, nó lại chồng chéo lên nhau vì để đi qua trung tâm TP thì chỉ có vài tuyến đường chính. Do vậy, có tuyến đường gánh đến 4, 5 tuyến xe buýt nên có khi trên đường chỉ thấy xe buýt, chở ít khách mà vẫn gây kẹt xe.

“Điểm chết” này đã được nhiều nhà khoa học lên tiếng đòi chỉnh sửa. Mô hình tối ưu các TP lớn khác trên thề giới đều dùng là mô hình đồng tâm. Tức là, xe buýt lớn, nhiều chỗ ngồi chỉ xuất phát tại các điểm ven khu trung tâm đến các quận huyện ngoại thành. Các điểm bến này tạo thành vòng tròn xung quanh khu trung tâm. Khu trung tâm sẽ do một hệ thống xe buýt nhỏ đảm trách việc vận chuyển hành khách đến các điểm bến này.

Tuy nhiên, Sở GTCC cho rằng: cần có thời gian thay đổi từ từ. Vì để điều chỉnh hệ thống hiện có phải nghiên cứu điều chỉnh rất nhiều thứ: từ hệ thống xe (hiện hệ thống xe buýt TPHCM chủ yếu là xe 50 chỗ) đến quyền khai thác tuyến của các hợp tác xã, chi phí trợ giá, thói quen đi lại của người dân…

Nhưng hầu hết các chuyên gia giao thông đều cho rằng: trong tình hình kẹt xe diễn biến nghiêm trọng tại khu trung tâm TP hiện nay, cần quyết liệt sửa đổi ngay; Đặc biệt, hiện TP rào hàng loạt đường, thu hẹp diện tích lưu thông, xe buýt lớn càng trở thành chướng ngại dễ gây ùn tắc. Nếu không, “điểm chết” này sẽ tiếp tục làm “chết cứng” khu trung tâm trong giờ cao điểm.

Tùng Nguyên