1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bàn về năm Văn minh đô thị tại TPHCM:

Nan giải hàng rong, quán cóc

(Dân trí) - Nói đến hàng rong, quán cóc là nói đến mối xung đột giữa lợi ích của hàng vạn dân nghèo và vẻ đẹp đô thị: dẹp thì khổ dân, không dẹp thì xấu phố. Thế nên hàng rong, quán cóc vẫn là chuyện “đau đầu” của bất cứ đô thị nào, kể cả TPHCM.

Tâm sự hàng rong, quán cóc…

 

Chúng tôi vẫn thường gọi quán cà phê cóc trước cổng trường ĐH KHXH&NV TPHCM là cà phê Má, bởi bọn sinh viên vẫn thường thân mật gọi bà chủ là má. Để nuôi đứa con ăn học tại TPHCM, vợ chồng má phải vào TP cùng con. 

 

Quần quật cả ngày má kiếm được chừng 50-70 ngàn đồng, tằn tiện cũng đủ lo chi phí học hành cho con, 3 miệng ăn ở TP và thuốc men cho căn bệnh thấp khớp hành hạ má hằng ngày.

 

Quán cà phê Má không hề có bàn ghế, khách ngồi trên những miếng xốp bọc bên ngoài bằng túi nylon. Hàng của má chỉ là một cái rổ đựng vài chai nước ngọt, vài cái ly và bình cà phê pha sẵn. Ai uống thì cầm tay, ngồi bệt ra đất mà uống. Khi nào bán hết, má lại vào “kho” lấy thêm vài chai nước.

 

Má không dám bày hàng nhiều vì sợ khi trật tự đô thị đến, má chạy hàng không kịp. Quán thế này, má chỉ việc ôm mỗi cái rổ, đám khách sinh viên mỗi đứa cầm một ly và một miếng xốp tản đi các nơi. Trật tự đi lại tụ về… 

 

Ai cũng biết là trái luật, nhưng ai cũng làm. Má làm vì miếng cơm, bọn sinh viên làm vì thương má…

 

Nỗi lòng của con đường…

 

Di dọc các con đường Phan Huy Ích, Trường Sa, Hoàng Sa… vào mỗi chiều tối, chúng ta dễ dàng chứng kiến cảnh khách bình dân tụm năm, tụm ba chật kín bên những bàn nhậu kê lộ thiên trên lề đường. Cảnh mồi nướng bốc khói nghi ngút, khách chén chú chén anh, nôn mửa, chửi thề, đánh lộn… xảy ra hàng ngày. 

 

Vỉa hè thì chẳng còn tí lối cho người đi bộ, tiệc tàn thì rác rến vất vưởng đầy đường, lâu lâu lại có bóng chàng lưu linh lửng thửng đến bên góc tường, quay lưng ra đường… Trên đường Trường Sa, Hoàng Sa thì có cái lợi là các “chàng tửu quỷ” lại ra bờ kênh Thị Nghè mà “vãi” ra mặt kênh…

 

Rồi ùn tắc giao thông, rồi tai nạn, tệ nạn xã hội… cũng thường xuyên xảy ra trên những con đường bị lấn chiếm này.

 

Giải pháp nào?

 

Cố nhà văn Nguyễn Khải từng cảm khái: “Không đòn gánh trên vai buôn đầu chợ bán cuối chợ thì họ làm gì, chả lẽ ngồi nhà; ngồi nhà lấy gì mà ăn, lấy gì mà tiêu?”.

 

Còn nhà văn đường phố Võ Phi Hùng thì mâu thuẫn: “Trật tự dẹp hàng rong là phải, hàng rong chật vật để mưu sinh cũng không sai. Trật tự có nhiệm vụ phải giữ gìn trật tự, nhưng nỗi đau vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau”.

 

Nỗi đau ấy là nỗi đau của những người bán hàng rong bị trật tự dẹp mất gánh cơm hàng ngày, nỗi đau ấy là nỗi đau của trật tự viên phải giữ gìn kỷ cương phép nước mà đụng đến miếng cơm của những người đồng cảnh.

 

Mâu thuẫn này làm sao giải quyết, để đô thị càng văn minh mà dân nghèo vẫn sống được?

 

Hà Nội đang có ý dẹp hàng rong và dư luận rất ít ý kiến đồng tình. TPHCM trong năm Văn minh đô thị vẫn chưa có ý kiến nào đụng đến hàng rong, quán cóc.

 

Tuy nhiên, chính thái độ cho thì không mà dẹp cũng chưa hẳn ấy lại tạo nên những góc tối, những tiêu cực. Vì miếng cơm manh áo, người dân nghèo đành phải chấp nhận “đi đêm”; trong khi cán bộ không phải ai cũng vô tư, trong sáng… 

 

Đã có ý kiến đề xuất quy hoạch chỗ kinh doanh ổn định cho dân nghèo mưu sinh. Nhưng lại có quan điểm phản hồi: Hàng rong ngồi một chỗ sao gọi là hàng rong? Hơn nữa, đã lập thành khu ắt phải có thuế, dân nghèo có kham nổi?...

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm