1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chống ngập cho TPHCM: Lo “lửa” lại quên “rơm”

Một lần nữa, quy hoạch thuỷ lợi chống ngập cho thành phố lại được các đại biểu HĐND TPHCM mổ xẻ. Hiện ở thành phố có trên 100 điểm hễ cứ mưa là ngập nhưng quy hoạch lại không đưa ra biện pháp giải quyết.

Hôm qua (24/4), HĐND TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề về đề án chống ngập trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau nhiều năm họp bàn biện pháp chống ngập và thực hiện nhiều dự án quy mô nhưng số điểm ngập ở thành phố vẫn “tăng trưởng”, lên đến 100 điểm (thống kê của sở Giao thông công chính, đầu năm 2007 có 85 điểm ngập). Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đào Xuân Học cho biết, ngập lụt diễn ra cho thành phố mỗi năm làm thiệt hại từ khoảng 1.500 đến 2.000 tỉ đồng.

Chỉ giải quyết ngập do triều, lũ

Thứ trưởng Học cũng nêu lại ba nguyên nhân gây ngập cho thành phố là mưa, lũ và triều cường. Tuy vậy ông lại cho rằng quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng cho khu vực TPHCM không đi sâu vào việc chống ngập do mưa. Lý do, việc này đang được thành phố thực hiện bằng nhiều dự án.

Theo đại biểu Phạm Minh Trí, đây là quy hoạch chống ngập úng nên phải đồng bộ, gắn với các vùng nhưng rất tiếc quy hoạch lại quá chú trọng đến chống ngập do triều, lũ mà… bỏ qua nước mưa. “Không cần mưa lớn, mưa lâu, không cần nói đến thuỷ triều, hễ mưa xuống là ngập. Người dân bình thường, không am hiểu khoa học cũng biết chuyện này. Vậy tại sao không đặt chiến lược chống ngập do mưa và lũ trước sau đó hãy giải quyết căn cơ là chống ngập vì triều?”, ông Trí thắc mắc.

Ông Trịnh Công Vấn, tổng giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng thuỷ lợi II - thành viên nhóm nghiên cứu - giải thích: “Không phải khi thực hiện xong đề án quy hoạch thuỷ lợi này thì thành phố đương nhiên hết ngập bởi việc đó còn phải xem năng lực, hệ thống cống thoát nước của thành phố nữa. Tuy nhiên, hệ thống cống kiểm soát triều mà quy hoạch nêu ra sẽ làm cho mực nước của tuyến thoát nước cấp 1 (các kênh, rạch chính) thấp hơn so với bình thường. Khi đó, dung tích chứa nước của kênh rạch sẽ tăng lên và sẽ không gây ngập”.

Tuy nhiên, các đại biểu vẫn không đồng tình với lý giải trên. Đại biểu Trí tiếp tục lên tiếng: Tác giả nói rõ mưa là nguyên nhân rất quan trọng vậy mà nói thuộc dự án khác, không xét đến. Mà mưa thì không ai cấm được. Tại sao cứ lo nước xa mà không lo “lửa” gần?

Từ 500 đến 700 triệu USD kiểm soát triều

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét: “Theo tôi, hệ thống này không thể vận hành nếu chỉ có mỗi mình TPHCM”. Các đại biểu cũng cho rằng, để quy hoạch thuỷ lợi này thực hiện được thì phải nằm trong tương tác với các quy hoạch khác. Sự băn khoăn trên xuất phát từ câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”: chỉ chuyện phối hợp đào đường giữa các ngành trong thành phố mà đã không giải quyết được trong nhiều năm qua, trong khi dự án này to đùng, sẽ phát sinh nhiều phức tạp.

Thứ trưởng Học cho biết quy hoạch này là một phần, cùng với quy hoạch chống ngập tổng thể đã được thủ tướng phê duyệt từ năm 2001 để giải quyết hai vế của việc chống ngập: vừa giải quyết ngập do mưa vừa chống ngập do lũ, triều. Khi đó, sẽ có một “cỗ máy khổng lồ” như các đại biểu nêu được hình thành, cơ chế vận hành hệ thống cống. Ông cũng nhấn mạnh, nếu được chấp thuận và có kinh phí, có thể trong ba năm sẽ thực hiện xong quy hoạch.

Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND thành phố cho biết, hiện toàn thành phố có 100 điểm ngập, trong đó có 61 điểm khu vực nội thành sẽ được giải quyết vào năm 2011. Nhưng phải thực hiện được quy hoạch thuỷ lợi với kinh phí dự toán từ 500 đến 700 triệu USD, bài toán ngập của thành phố mới được giải quyết căn cơ.

Theo Minh Phong
SGTT