1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Lãnh đạo Bộ Thương mại bó tay với tiêu cực"

(Dân trí) - Đó là bộc bạch của ông Phan Thế Hào, Vụ trưởng phụ trách khu vực phía Nam (Bộ Thương mại) - người đại diện cho Bộ Thương mại trước HĐXX trong phiên toà xét xử vụ chạy quota chiều qua 16/3.

Theo ông Phan Thế Hào, sau khi biết được năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam quá lớn, Hoa Kỳ đã chủ động áp đặt hạn ngạch dệt may hàng năm, thường năm sau tăng 7 - 8 lần so với năm trước.

Từ đó, Bộ Thương mại căn cứ vào mức thành tích của các doanh nghiệp mà cho vay hạn ngạch. Thường thì ưu tiên cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, các doanh nghiệp vùng sâu vùng xa… với một quy trình hết sức chặt chẽ và khoa học. Và hàng năm, liên bộ Thương mại - Công nghiệp - Kế hoạch Đầu tư đều ra thông tư liên tịch đề nghị các doanh nghiệp gửi hồ sơ theo đúng qui trình của Tổ điều hành liên bộ đề ra.

Trong phiên xét xử chiều qua, đại diện Bộ Thương mại cũng gửi thư kiến nghị của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển gửi TAND tối cao xin giảm án cho Mai Văn Dâu vì đã có nhiều thành tích công hiến cho ngành thương mại trong những năm qua.

Cụ thể, doanh nghiệp gửi hồ sơ bằng đường bưu điện qua văn thư Bộ, rồi chuyển đến văn thư Vụ XNK, sau đó chuyển đến chuyên viên địa bàn nghiên cứu sắp xếp rồi chuyển cho chuyên viên tổng hợp dự kiến số lượng hạn ngạch được cấp rồi trình cho Tổ điều hành để điều chỉnh số lượng phân bổ, sau đó chuyển phòng XNK thông báo lại cho doanh nghiệp qua thư bằng bưu điện.

Ông Hào cho biết, quy trình trên giấy hết sức rõ ràng nhưng khi phân bổ lại hết sức phức tạp do số lượng quota ít mà nhu cầu của doanh nghiệp thì lại rất lớn. Vì thế việc xem xét phân bổ hết sức nhùng nhằng.

Khi chủ tọa hỏi ông Hào: “Có biết tình hình lúc đó doanh nghiệp kêu ca về thái độ vô tổ chức trong việc xem xét phân bổ hạn ngạch từ đó dẫn đến hiện tượng chạy quota?”. Ông Hào cho rằng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã có quyết sách công khai hoá việc phân bổ để không bị rối loạn bằng cách cho chuyển nhượng, vay mượn quota thừa của doanh nghiệp, nhưng cũng từ đây đã nảy sinh ra nhiều tiêu cực mà lãnh đạo Bộ không thể nhận biết được. Ông Hào cho biết trong khi Bộ đang chuẩn bị thành lập đoàn kiểm tra thì xảy ra việc khởi tố vụ án.

Vị hội thẩm nhân dân của phiên toà đã phát bực trước câu trả lời của đại diện Bộ Thương mại về việc cho rằng bút phê của Mai Văn Dâu trên hồ sơ xin hạn ngạch của một số doanh nghiệp “chỉ là địa chỉ chỉ đến”. Vị hội thẩm đã dẫn lại các bút lục của Lê Văn Thắng khai trước CQĐT về các bút phê trên hồ sơ ngầm hiểu đấy là sự chỉ đạo chứ không như ông Hào nói.

“Bộ quản lý thực hiện khâu phân bổ quá lỏng lẻo, ngay cả như bị cáo Phan Nghĩa Hiệp là người ngoài ngành cũng đã ngang nhiên cầm hồ sơ đến xin bút phê của Thứ trưởng để nhận tiền chênh lệch thì đại diện Bộ Thương mại gọi thế nào là một qui trình chặt chẽ” - Vị hội thẩm nhân dân bức xúc.

Tuần sau, HĐXX sẽ tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư.

Nhựt Lê

Dòng sự kiện: Vụ Mai Văn Dâu