1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Kỳ lạ chuyện GPMB trên đường Nguyễn Trãi

(Dân trí) - Suốt mấy ngày nay, BQL dự án Thăng Long - Bộ GTVT cử người xuống đo đạc, chuẩn bị cho việc GPMB tại khu vực ngõ 443 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho dự án đường vành đai III, nhưng vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân...

Trì hoãn xác định tim đường, đẩy nhanh đo đạc!

 

Đường vành đai III Hà Nội đoạn Mai Dịch - Pháp Vân đi qua địa bàn quận Thanh Xuân với nút giao thông quan trọng giao với quốc lộ 6 (Hà Đông - Ngã Tư Sở). Theo quyết định 597/QĐ-TTg ngày 16/5/2001 phê duyệt dự án này, mặt cắt ngang giai đoạn 1 của tuyến đường có quy mô như sau: Đoạn 1, nút Mai Dịch - Linh Đàm sẽ GPMB và xây dựng đường đô thị sát với chỉ giới đường đỏ rộng 68 m; xây dựng về 2 bên tim đường quy hoạch.

 

Như vậy, việc cắm mốc tim đường và xác định mốc giới GPMB là điểm mấu chốt để xác định diện thu hồi đất. Nhưng, theo phản ánh của người dân, dự án xây dựng đoạn đường qua quận Thanh Xuân này vẫn chưa được xác định tim đường, cắm mốc giới, trong khi các đơn vị chức năng lại liên tiếp đốc thúc, “ép” người dân khu vực ngõ 443 (thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Nam) đo đạc, kê khai đất và tài sản vì thuộc diện thu hồi GPMB.

 

Năm lần bảy lượt họp bàn, người dân có ý kiến thắc mắc, có cả ông Hoàng Nam Sơn (Phó Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch Hội đồng GPMB quận) tham gia. Những người lãnh đạo cũng đã lặp đi lặp lại lời hứa với dân về việc tiến hành cắm mốc giới nhưng mặt khác vẫn thúc phường bắt dân đo đạc, kê khai.

 

Vừa qua, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam cũng đã giao cho BQL dự án Thăng Long từ 11 - 21/8 phải cắm được tim đường và mốc giới GPMB, nhưng việc cắm mốc vẫn “án binh bất động” và việc đo đạc, kê khai vẫn được thúc đẩy.

 

BQL “lấp liếm”, cho rằng mấy cọc mốc giao đất tạm thời do Sở Địa chính - Nhà đất trôn bên lề phải con ngõ chính là mốc giới GPMB nhưng người dân không đồng tình với thông báo trên. Ông Phan Cần Thứ, một người dân thuộc ngõ 443 phân tích: Theo quyết định 592 của Bộ GTVT, cung cách xác định mốc giới GPMB phải căn cứ vào tim đường. Cọc đổ bằng bê tông, chôn nổi 50cm, trên sơn đỏ, dưới trắng, có ghi hẳn mấy chữ GPMB chứ không giống mốc sứ trắng giao đất tạm thời nằm trên mặt đất của Sở Địa chính - Nhà đất.

 

“Vậy mà chính quyền phường vẫn ký duyệt mốc sứ trắng ấy và cho vẽ chỉ giới đường đỏ dọc hè đường bên phải. Người ta rất giỏi khi định được cả mốc giới GPMB, chỉ giới đường đỏ và diện quy hoạch giải toả trong khi chưa hề xác định tim đường” - ông Thứ gay gắt.

 

Chính vì kiểu làm ăn lấp liếm như vậy mà lần nào đơn vị tiến hành đo đạc, kê khai xuống đến nơi cũng vấp phải sự phản ứng của người dân ngõ 443. Dân không chấp nhận kê khai, chưng khẩu hiệu yêu cầu đòi xác định tim đường, mốc giới theo đúng luật.

 

Những tờ trình “trên bảo dưới không nghe”?

 

Liên quan đến vấn đề đền bù, hỗ trợ GPMB, ông Nhâm Gia Niễm - Bí thư chi bộ cụm dân cư số 1 Thanh Xuân Nam, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 - bày ra một loạt văn bản quy định của cả TƯ tới chính quyền thành phố.

 

Theo quyết định 26 (ngày 18/2/2005) của UBND TP Hà Nội, nghị định 197/NĐ - CP của Chính phủ quy định diện đất được đền bù: đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp trước ngày 15/10/1993, không phải đất lấn chiếm trái phép, đất quy hoạch.

 

Thành phố cũng đã có quyết định 7110 ngày 26/10/2004 phê duyệt về giá đất đền bù giải phóng mặt bằng cho đường Nguyễn Trãi và ngõ 443. Theo đó, những thổ đất từ đầu ngõ tới số nhà 74, 75 được định giá 12,5 triệu đồng/m2; những thổ trong ngõ rộng 3,5 m trở lên là 10,8 triệu đồng/m2; các vị trí còn lại giá 7,7 triệu đồng/m2.

 

Quy định rõ ràng như thế, nhưng thực tế, khi các đơn vị chức năng “áp” giá cho ngõ 443 thì lại không căn cứ vào đó. Ba tờ trình: số 132 (ngày 11/5/2006, được thành phố phê duyệt 4 ngày sau đó), số 232 (ngày 20/7/2006, được thành phố phê duyệt 1 ngày sau đó), số 264 (ngày 14/8/2006, được thành phố phê duyệt 1 ngày sau đó) đã đề xuất việc xét nguồn gốc đất khu vực ngõ 443 trước thời điểm ngày 15/10/1993.

 

Theo đó, người ta “tham mưu” cho thành phố là đất ở khu vực này là do chuyển từ kiốt bán hàng thành đất ở (những hộ mặt đường) và do san lấp ao hồ làm đất ở. Từ đó, người ta đề ra phương án hỗ trợ GPMB rất thiệt thòi cho dân: Với đất chuyển từ kiốt thành đất ở: bồi thường 50% với 60 m2 đầu, 20% với 60 m2 tiếp theo, phần còn lại bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Với đất xác định là do san lấp ao hồ: bồi thường 30% tính cho diện tích nhà ở, phần còn lại cũng theo giá đất nông nghiệp.

 

Sang đến tháng 9 năm nay, UBND quận Thanh Xuân tiếp tục có công văn 699 (ngày 8/9/2006) xác định nguồn gốc đất ở đây là đất nông nghiệp, nằm trong lưu không mở đường. Công văn dẫn bằng chứng đất khu vực này nằm trong lưu không mở đường là theo quyết định 100/TTg từ ngày 24/4/1981, do cụ Tố Hữu là Phó thủ tướng khi đó phê chuẩn đồ án thiết kế mặt bằng quy hoạch xây dựng và cải tạo Thủ đô đến năm 2000 do Liên Xô giúp đỡ.

 

Cư dân ngõ 443 thắc mắc, hỏi nhau, gọi là đất lưu không mở đường nhưng có đường đâu mà có đất lưu không, đây chỉ là đoạn ngõ của đường Nguyễn Trãi. Người dân càng không hiểu, tại sao việc đền bù không căn cứ vào các văn bản rất đầy đủ của TƯ, thành phố quy định mà lại dựa vào 1 đồ án từ năm… 1981.

 

Ông Niệm lắc đầu: “Đặt ra vấn đề xét nguồn gốc đất trước 15/10/1993 là hết sức vô lý, không có văn bản nào quy định”. Ông cũng cho rằng, công tác GPMB ở đây hết sức trái khoáy. Có những tờ trình ở trên là văn bản cấp dưới, trái với văn bản cấp trên mà vẫn được dùng để áp cho dân.

 

Nếu cứ tính theo hướng này thì loại nhà ở ngõ nhỏ hơn 3,5 m với mức hỗ trợ 20% thì mỗi m2 chỉ có giá 1.540.000 đồng. Còn những vị trí ở ngõ rộng từ 3,5 m trở lên cũng chỉ được hơn 2,5 triệu đồng/m2 chút xíu. Trong khi đó, giá mỗi m2 nhà tái định cư trên tầng 12 cũng có giá hơn 3,2 triệu đồng. Theo ông Niệm, sẽ có tới khoảng 50% số hộ dân ngõ 443 này sau khi bị giải toả không có đủ tiền đổi ngang sang một căn hộ tái định cư để ở vì căn hộ nhỏ nhất (53 m2) cũng có giá khoảng 180 triệu đồng.

 

Người dân ngõ 443 chỉ ra cả tá ví dụ những hộ có khả năng “đứng đường” sau khi giải toả. Như hộ ông Lê Thắng, tính ra chỉ được hỗ trợ 71 triệu đồng cho căn nhà 2,5 tầng thì bù đâu cho đủ khoản 180 triệu đồng mua nhà tái định cư? Nhà bà Nguyễn Thị Tuyên chỉ được khoảng 50 - 60 triệu đồng tiền đền bù, với đồng lương hưu của 2 ông bà già không con cái thì việc mua nhà tái định cư là không thể.

Phương Thảo - Cấn Cường