1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Không để “hòa cả làng” vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cùng nhắc tới vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa như một ví dụ điển hình về việc “đầu độc” môi trường và yêu cầu hướng xem xét để vụ việc không… hòa cả làng.

Ngày 19/9, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ cho thấy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”, như vậy, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án này phải được tiến hành 2 bước: “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” và “đánh giá tác động môi trường”.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn: Vụ chôn thuốc sâu, hậu quả để lại phải có người chịu trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn: "Vụ chôn thuốc sâu, hậu quả để lại phải có người chịu trách nhiệm".

Gạt lo ngại về việc quy định 2 bước lập ĐTM sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, ĐTM sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, cơ quan thẩm tra dự án luật (UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường) nhận định, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập ĐTM thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải điều chỉnh dự án, thậm chí phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy việc quy định 2 bước lập ĐTM đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường phải do Chính phủ quy định là cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, luật này là một trong những cơ chế đảm bảo để con người được sống trong bầu không khí trong lành như Hiến pháp đã ghi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến, rà soát, nghiên cứu và chỉnh lý thật kỹ trước khi trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tồn tại trong bảo vệ môi trường hiện nay liên quan chế độ trách nhiệm. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm.

Người đứng đầu Quốc hội chỉ rõ những vi phạm về quản lý đất đai, tài nguyên, cấp phép sai đằng sau nó là vấn đề môi trường. Quy định đã có nhưng trạm xăng mọc lên chẳng có tiêu chuẩn gì cả. Hay như vụ cháy ở Hải Dương, người ta nói cơ sở đó không có khả năng phòng cháy chữa cháy…

“Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản… dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ xử lý thế nào chưa rõ. Anh cấp phép lung tung để người ta phá hoại môi trường thì trách nhiệm thế nào? Những vi phạm thấy rõ mà anh không chịu giải quyết thì trách nhiệm của anh đến đâu?” - Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Những trường hợp như vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm, nếu chủ đầu tư làm không đúng thì rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, còn không làm, để buông lỏng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
 
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn: Vụ chôn thuốc sâu, hậu quả để lại phải có người chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Cấp phép sai để doanh nghiệp phá hoại môi trường cũng phải chịu trách nhiệm".

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn không biết trong Luật hiện hành, điểm yếu nhất về quản lý nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường nằm ở điểm nào, để từ đó có giải pháp, chế tài phù hợp.

Đề cập một số vụ việc nhà máy gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc và báo chí đang phản ánh, ông Ksor Phước bày tỏ: “Môi trường liên quan không những đời sống hiện tại mà còn cả tương lai thế hệ sau nên người dân quyết tâm ngăn chặn vi phạm. Hãy lấy cuộc sống của dân làm mục tiêu bảo vệ. Luật cần trao cho chính quyền địa phương một quyền giải quyết thế nào khi có những sự việc như trên”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nếu không phát huy nội lực của nhân dân, của hệ thống chính quyền cơ sở thì có xây dựng luật và đầu tư lớn cũng không thể đảm bảo thành công trong bảo vệ môi trường.
 
Chia sẻ bức xúc về việc cơ quan quản lý vẫn thường xuyên “bó tay” trước các hành vi hủy hoại môi trường của doanh nghiệp, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thêm về chính sách bảo vệ môi trường. Ông Hiển dẫn chứng vụ chôn thuốc sâu độc hại ở Thanh Hóa, cần phải xử lý thế nào thì chưa thể hiện rõ, và cần được cụ thể hóa vào luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý hướng quy định gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường với khắc phục hậu quả để các vùng ô nhiễm trở lại bình thường. Ông Sơn đề cập chuyện hàng năm, tại Việt Nam, bom mìn còn sót lại làm chết cả nghìn người hay các loại chất độc tồn dư sau chiến tranh, không chỉ ở Tây Nguyên mà còn ở khu sân bay, ví dụ như ở Đà Nẵng, Tuy Hòa, Bình Định… như những ví dụ điển hình cần can thiệp. Hệ quả của vấn đề là “nhãn tiến” khi thực tế nhiều người vào Tây Nguyên khai khẩn, làm ăn trước đây tiếp xúc với chất độc nên con cái bị nhiễm.

Gần đây nhất, ông Sơn nhắc vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa với câu hỏi “hậu quả để lại ai chịu trách nhiệm”. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Luật cần quy định chứ hòa cả làng thì không được”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm