1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 7.000 con gia súc chết trong đợt “siêu rét”

(Dân trí) - Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến 18h ngày hôm qua (27/1) số gia súc bị chết do đói, rét tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã lên tới 7.134 con, tăng 3.223 con so với lúc 11h cùng ngày.

Cục Chăn nuôi thống kê tại 14 tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang và Nghệ An, tính đến 18h ngày hôm qua (27/1) đã có 7.134 con gia súc bị chết do đói, rét trong trận “siêu rét” này.

 


Số gia súc chết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung trong đợt rét đã lên tới hơn 7.000 con (ảnh: Phạm Ngọc Triển)

Số gia súc chết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung trong đợt rét đã lên tới hơn 7.000 con (ảnh: Phạm Ngọc Triển)

 

Trong đó, Sơn La vẫn là tỉnh dẫn đầu về số gia súc bị chết với 2.756 con, trong đó 1.726 con trâu, bò và 1030 con gia súc khác (dê, ngựa, lợn) xảy ra ở các huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Vân Hồ, Phù Yên.

Tiếp đến là Điện Biên đứng thứ 2 với 641 con gia súc bị chết, trong đó có 581 con trâu, bò và 60 con gia súc khác (dê, ngựa, lợn) xảy ra ở các huyện Tuần giáo,  Mường Chà, TP. Điện Biên.

Tuyên Quang là tỉnh không bị thiệt hại về gia súc trong trận rét vừa qua. Bắc Giang chỉ có 68 con gia súc bị chết do đói, rét.

Sáng nay (28/1), trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, địa phương này vẫn đang thống kê số gia súc bị chết và con số này vẫn chưa dừng lại.

Ông Nghị cho biết: “Chúng tôi đã cử các đoàn đi xuống cơ sở để tiếp tục thống kế, con số này chưa dừng lại. Khi thống kê xong, sẽ căn cứ và qui định của Nhà nước mới có phương án hỗ trợ cho nhân dân”.

Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương cần triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho đàn gia súc do đói, rét. Theo đó, người chăn nuôi cần chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm; dự trữ chất đốt như củi, trấu, mùn cưa để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày giá rét.

Ngoài ra, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tính đến cuối ngày hôm qua (27/1), tổng hợp từ báo cáo thiệt hại của các tỉnh phía Bắc về thiệt hại do rét đậm, rét hại như sau: Nông, lâm nghiệp: 5.971 ha lúa, 81 ha mạ, 4.673 ha rau màu bị thiệt hại, diện tích rừng bị tuyết che phủ là trên 80.000 ha.

 

Em bé người Mông đang tranh thủ rũ tuyết ra khỏi cây hoa phong lan trong trận mưa tuyết vừa qua tại Lào Cai (ảnh: Phạm Ngọc Triển)
Em bé người Mông đang tranh thủ rũ tuyết ra khỏi cây hoa phong lan trong trận mưa tuyết vừa qua tại Lào Cai (ảnh: Phạm Ngọc Triển)

 

Về giao thông: tạiQuốc lộ 4D (tỉnh Lào Cai) từ khu vực Thác Bạc tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ giáp địa phận tỉnh Lai Châu, do mặt đường trơn trượt không đảm bảo an toàn để di chuyển, các lực lượng chức năng tiếp tục hạn chế các xe qua lại nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thường xuyên liên hệ, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh rét, đặc biệt với người và gia súc.

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh bị ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi theo nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; thành lập các đoàn công tác xuống các xã, thôn bản để vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho người và gia súc, đồng thời kiểm tra và thống kê tình hình thiệt hại để có các biện pháp hỗ trợ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các huyện sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ mỗi hộ dân 5kg gạo hoặc 5kg ngô và bạt che phủ, tính đến ngày 27/1 đã phát được 5.080 kg gạo và 26.624m2 bạt che phủ chống rét.

Nguyễn Dương