Tuyết dần tan, nhiều trâu bò chết gục vì rét
(Dân trí) - Ngày 26/1, mặc dù Sa Pa (Lào Cai) nhiều mây mù, mưa nhỏ, nhiệt độ vẫn ở mức - 2 độ C nhưng tuyết đã bắt đầu tan nhanh. Tuy nhiên, hậu quả của mưa tuyết, băng giá sẽ còn kéo dài.
Đi dọc quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên thị trán du lịch Sa Pa chiều 26/1, PV Dân trí xót xa tận mắt chứng kiến hàng chục điểm bà con người dân tộc Mông, dân tộc Dao bày bán thịt trâu, thịt nghé bị chết rét ở xã Tòng Sành (Bát Xát), xã Trung Chải, Sa Pả (huyện Sa Pa) với giá rẻ như cho.
Bất chấp giá rét như cắt da cắt thịt, bà con nông dân một số xã vùng cao Sa Pa đổ xô xuống vùng thấp của huyện bạn Bát Xát, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) tìm cắt cỏ non vận chuyển ngược dốc dài hàng chục km mang về nhà cho trâu bò ăn trong những ngày giá lạnh.
Tận mắt nhìn cảnh những ông bà già trên dưới 60 tuổi, những em nhỏ hơn chục tuổi cùng gia đình đi bộ hàng chục cây số dong đàn trâu từ vùng cao Sa Pa xuống vùng thấp tránh rét hại, nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Trâu, nghé chết rét được bà con bán vội như cho.
Xót xa nhìn tài sản "trôi" theo mưa tuyết.
Lo cái ăn cho trâu bò trước khi lo cái ăn cho mình.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, đến 9 giờ sáng ngày 26/1, toàn tỉnh Lào Cai thiệt hại 32 tỷ đồng do mưa tuyết, băng giá. Hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền nhân dân phòng chống rét hại, rét đậm, đồng thời triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp cụ thể của UBND tỉnh Lào Cai ban hành trước và sau khi mưa tuyết xảy ra.
Trong khi đó tại Thanh Hóa, theo thống kê, đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn các huyện miền núi như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước và Lang Chánh đã có hàng trăm con trâu, bò, dê và lợn chết do trời rét.
Mưa tuyết xuất hiện trên địa bàn Thanh Hóa gây nhiều thiệt hại nặng nề.
Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch huyện Mường Lát, cho biết; do nhiệt độ trong những ngày qua xuống thấp, nên trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng trâu, bò, dê bị chết rét, số lượng lên tới 36 con.
Tại huyện Quan Hóa, tính đến thời điểm này cũng đã có 17 con trâu, 6 con lợn bị chết vì rét. Huyện Quan Sơn cũng đã có 11 con trâu, bò bị chết rét; huyện Bá Thước, có 29 con trâu, bò tại các xã Văn Nho, Kỳ Tân, Lũng Cao, Điền Hạ, Ái Thượng bị chết vì rét.
Còn tại huyện Lang Chánh, tính đến thời điểm này cũng đã có 12 con trâu, bò bị chết do thời tiết. Tại huyện Thường Xuân, toàn huyện đã có 27 con trâu, bò bị chết do thời tiết giá rét…
Trước tình hình trên, UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ban, ngành có liên quan tăng cường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại, bảo đảm vệ sinh và phòng, chống đói, rét cho trâu, bò; chuẩn bị tốt các phụ phẩm nông nghiệp, tận dụng nguồn rơm, rạ vụ mùa làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò, tăng cường thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi.
Điều kiện chuồng trại của bà con còn nhiều hạn chế.
Ngày 27/1, theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, nhiệt độ ở các huyện miền núi, biên giới như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương vẫn tiếp tục giảm sâu xuống 0 độ C.
Tại khu vực cửa khẩu lối mở thuộc bản Buộc Mú (xã Na Ngoi, kỳ sơn, Nghệ An), tuyết bắt đầu rơi từ sáng 24/1. Tuy nhiên, đến ngày 25 và 26/1, thì vùng đất này mưa lớn, nặng hạt trên diện rộng. Tại địa bàn hầu hết các xã của huyện Kỳ Sơn đều bị ảnh hưởng do mưa lớn kèm theo giá rét nên cuộc sống của bà con đang bị đảo lộn.
Một số cán bộ ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi cho biết, vào thời điểm ban ngày nhiệt giảm xuống -8 độ C và đến đêm khuya có thể giảm sâu hơn. Tình trạng tuyết rơi dày từ 10-30cm chưa bao giờ từng thấy nay xuất hiện ở khu vực này khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng của thời tiết giá rét và băng tuyết nên cuộc sống của người dân ở miền Tây xứ Nghệ bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, nhiều trâu bò, gia súc, gia cầm và hoa màu của người dân ở các huyện miền núi đã bị chết, thiệt hại vì giá rét lên đến hàng trăm con.
Trao đổi với PV, ông Vi Thái Điệp - Chủ tịch UBND xã Quang Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết, mấy ngày qua nhiệt độ trên địa bàn giảm sâu xuống chỉ còn từ 5-8 độ C. Vì quá rét nên trên địa bàn xã đã có 10 con trâu bò bị chết.
Hiện chính quyền xã vẫn đang tiếp tục thống kê số lượng trâu bò, gia súc, gia cầm và hoa màu của người dân bị chết để có phương án tìm cách hỗ trợ giúp người dân qua lúc khó khăn.
Để phòng tránh tình trạng trâu bò, gia súc chết vì rét, người dân đã tìm nhiều cách để phòng tránh rét cho trâu bò như đắp chăn, đốt củi sưởi ấm cho trâu bò.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: “Rét nặng nhất là ở xã Tri Lễ, Tối qua nhiệt độ xuống âm 2 độ C nên có tuyết rơi.
Chúng tôi đã chỉ đạo bà con đưa trâu bò thả rông lùa về nhốt ở chuồng dưới sàn nhà và đốt lửa sưởi ấm. Tất cả mạ gieo trong vụ đông xuân cũng được bà con bọc ni lông”.
Trước tình trạng giá rét, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục như hiện nay, Sở GD - ĐT Nghệ An cũng đã có chỉ đạo cho phòng giáo dục các huyện xem xét tình hình thực tế thời tiết để thông báo cho học sinh nghỉ học, đảm bảo sức khỏe của các học sinh.
Riêng huyện miền núi Kỳ Sơn như xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn do nhiệt độ đã xuống dưới 0 độ C nên toàn bộ các cấp học đã được nghỉ học.
Trong khi đó tại địa bàn các huyện đồng bằng, thời tiết cực đoan, nhưng bà con nông dân cũng phải ra đồng cày cấy và gieo mạ để cho kịp vụ đông xuân.
Một số hình ảnh nông dân xứ Nghệ quay quắt trong giá rét:
Phạm Ngọc Triển - Duy Tuyên - Nguyễn Duy