1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hãy dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân”

(Dân trí) - “Xây tượng đài hoành tráng không hợp với tấm lòng Bác cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam. Theo tôi điều quan trọng nhất lúc này hãy tập trung xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân”, Giáo sư Mạch Quang Thắng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Trước thông tin tỉnh Sơn La xây dựng tượng đài Bác Hồ hoành tráng ở thành phố Sơn La, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Mạch Quang Thắng, giảng viên Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, số tiền đó nên để xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc miền núi.

Thông tin tỉnh Sơn La lên kế hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ hoành tráng, nhiều người cho rằng, với một tỉnh còn nhiều khó khăn, phương án đó là không hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Khi nhân dân nhiều vùng còn ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thì dựng nhiều tượng hành tráng chẳng để làm gì. Theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần phải tập trung làm đó là xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân. Điều đó phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, cho cả tương lai xa hơn nữa của đất nước và theo đúng phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.

20150805-145000-69ecf
Theo GS Mạnh Quang Thắng tỉnh Sơn La không nên xây dựng tượng đài thật hoành tráng

Được biết, khi Bác chưa về với tổ tiên, nhân dân, lãnh đạo nhiều Bộ ngành, tỉnh thành đã đề nghị và mong muốn Bác cho dựng tượng, vẽ tranh. Nhưng tất cả những đề xuất ấy đều không được Bác Hồ đồng ý?

Bác Hồ không thích người ta dựng tượng, vẽ tranh về mình. Tôi thấy nhiều người gợi ý dựng tượng Bác, ngay cả Bộ Văn hóa, thời điểm đó cũng đề nghị dựng tượng ở nhiều nơi nhưng không được Bác đồng ý. Bác bảo dùng tiền đó mà xây nhà thương, trường học cho nhân dân.

Qua nghiên cứu tôi thấy duy nhất có một lần ở đảo Cô Tô, theo đề nghị, Bác đã đồng ý cho dựng tượng mình ở trên đó. Tôi cũng như nhiều người suy luận rằng, Bác nghĩ đến những vấn đề gắn với chủ quyền đất nước, không cho nước khác lấn đất, lấn biển nên mới cho dựng tượng mình trên đảo Cô Tô.

Bây giờ xây dựng tượng đài nhiều là không đúng ý của Bác Hồ. Hãy để tượng đài Bác sống trong lòng dân, trong trái tim mỗi người Việt Nam, chứ còn chỗ nào cũng xây dựng tượng là không hợp lý. Câu chuyện tượng đài cũng không phù hợp với văn hóa Việt Nam, không phù hợp với ý nguyện, phong cách Hồ Chí Minh.

Cả cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ luôn lo cho dân, cho vận mệnh của đất nước. Đã bao giờ Bác mong muốn nhân dân đáp lại tấm lòng đó của mình bằng việc xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm, quảng trường thật to lớn, hoành tráng không, thưa ông?

Bác Hồ yêu thiên nhiên, cây cảnh. Thiên nhiên thế nào thì Bác sống hòa đồng với nó thế đấy. Các trường hợp đốn cây, chặt cây là Bác ngại lắm, ghét lắm. Nhiều lần Bác nói với ông Hoàng Đạo Thúy và nhiều người khác rằng, Bác thích sống trong khung cảnh bình yên, thư thái. Khi nào nghỉ cụ sẽ lui về câu cá, trồng rau, sớm hôm làm bạn với các cụ già và trẻ chăn trâu.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, số tiền để xây dựng tượng đài được huy động từ ba nguồn khác nhau trong đó có từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Nhiều người cho rằng, số tiền để xây tượng đài lấy ở đâu thì đều là của dân đóng góp?

Ngân sách của Trung ương hay địa phương cũng đều từ tiền thuế do nhân dân đóng góp. Còn xã hội hóa là gì, cũng là nhân dân, doanh nghiệp đóng góp mà thôi. Tôi không quan tâm mỗi nguồn đó đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc xây dựng tượng đài mà tôi thấy đâu đâu cũng xây dựng tượng đài Bác Hồ là không phù hợp. Thông tin Sơn La xây dựng tượng đài Bác Hồ, tôi thấy chưa được ai khen cả.

Nếu tỉnh Sơn La lấy tiền từ ngân sách xây dựng tượng đài Bác Hồ hoành tráng ở thành phố, ông có nghĩ các tỉnh khác sẽ đua theo, dẫn đến phong trào xin chủ trương được xây tượng đài hay không?

Đúng vậy, nhiều tỉnh thành họ sẽ nghĩ nếu Sơn La làm được thì sao họ không được làm vì nhân dân tỉnh nào chẳng kính trọng Bác Hồ. Như vậy họ sẽ đua theo nhau thôi. Không khéo sau này tỉnh nào cũng đề xuất xây tượng đài Bác Hồ hoành tráng thì giải quyết thế nào? Tôi đưa ra ví dụ cụ thể hiện nay đó là phong trào xây quảng trường, trụ sở hành chính thật hoành tráng đang diễn ra ở một số tỉnh hiện nay.

Qua nhiều năm tôi nghiên cứu, Bác Hồ đã trở thành giá trị văn hóa, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng một "kênh" riêng chứ không phải dựng thật nhiều tượng đài mới làm được điều đó.

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La, theo ông số tiền lớn dành để xây dựng tượng đài Bác Hồ nên để làm gì thì phù hợp nhất lúc này?

Nhiều vùng còn nghèo, do vậy tỉnh Sơn La nên dành nguồn lực cho phát triển, ưu tiên đầu tư cho giáo dục, xóa đói giảm nghèo cải thiện đời sống nhân dân. Trong điều kiện khó khăn Sơn La không nên xây dựng tượng đài hoành tráng, vì hiện nay trong hội trường, cơ quan nào chẳng có ảnh, tượng Bác Hồ. Hơn nữa, mỗi trái tim người Việt Nam đều có giá trị văn hóa Hồ Chí Minh rồi.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)