1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tôn kính Bác Hồ không nhất thiết phải xây tượng đài hoành tráng”

(Dân trí) - “Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân”, ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nói.

Trước thông tin tỉnh Sơn La đưa ra kế hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ với kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng, ngày 5/8, chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Tráng A Pao – nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, nếu làm tượng đài to quá sẽ lãng phí và không hợp với lòng Bác vì đồng bào dân tộc còn rất nghèo khổ.

Ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội. (Ảnh: Lao Động)

Ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội. (Ảnh: Lao Động)

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa cho biết, tỉnh này đã lập và thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố. Theo ông, thể hiện lòng tôn kính Bác có nhất thiết phải xây dựng một tượng đài thật hoành tráng hay không?

Đầu tiên tôi muốn chia sẻ, nếu tính cả Tây Bắc thì Sơn La chưa phải là tỉnh đại diện để nói rằng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Vì còn nhiều tỉnh khắc như Cao Bằng, Điện Biên ở Tây Bắc có những sự kiện gắn liền với Bác với cả lịch sử cách mạng Việt Nam.

Tỉnh Sơn La muốn thể hiện lòng tôn kính Bác là đúng, tuy nhiên đời sống nhân dân hiện nay còn khó khăn, thu nhập của tỉnh cũng không được bao nhiêu mà xây tượng đài hoành tráng quá lại trở thành lãng phí không thiết thực.

chu-tich-tinh-son-la-ly-giai-nguon-tien-xay-dung-tuong-dai-nghin-ty-8d898
Khu phố trung tâm thành phố Sơn La sẽ được di dời để phục vụ cho việc thi công xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề khác (Ảnh Quốc Cường)

Với địa bàn một tỉnh miền núi, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hàng năm vẫn được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Là người từng gắn bó với vấn đề dân tộc, miền núi, ông đánh giá thế nào kế hoạch chi 1.400 tỷ đồng xây dựng tượng đài Bác Hồ của tỉnh Sơn La?

Theo tôi nghĩ không phải cứ xây tượng đài thật lớn là thể hiện lòng tôn kính Bác. Vì nhiều nơi, nhiều vùng Bác Hồ chưa đặt chân đến thế nhưng tại sao nhân dân, đồng bào vẫn luôn nghĩ, nhớ về Bác.

Hiện giờ, thu nhập của dân còn thấp, nhất là dân vùng sâu, vùng xa còn nghèo lắm nên tôi thấy không cần xây tượng đài hoành tráng như vậy. Qua dư luận tôi cũng nhận thấy nhân dân chưa đồng tình ủng hộ kế hoạch của tỉnh Sơn La đâu.

Sinh thời Bác Hồ là người có lối sống giản dị, luôn nghĩ đến cơm no, áo ấm cho nhân dân. Vậy xin ông cho biết, việc xây tượng đài như vậy có hợp với mong muốn của Bác hay không?

Đương nhiên là không hợp lòng Bác. Dân còn nghèo mà mình làm tượng đài hoành tráng quá làm sao thuận lòng Bác được. Số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng, tỉnh Sơn La huy động ở đâu, từ Trung ương, địa phương hay xã hội hóa thì cũng đều là tiền nhân dân đóng góp cả mà thôi.

Theo ông, HĐND tỉnh Sơn La nên quyết số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng vào mục đích gì là phù hợp với lòng dân nhất lúc này?

Theo tôi tỉnh Sơn La nên chi 1.400 tỷ đồng đó vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Hiện giờ, đường sá xuống nhiều thôn, bản còn chưa có, do vậy một phần số tiền đó có thể xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhân dân bớt khổ là tốt nhất.

Khi không xây dựng tượng đài, tỉnh Sơn La nên làm gì để thể hiện lòng tôn kính với Bác Hồ?

Bác Hồ là người được nhân dân mến, tôn kính nhưng không vì thế mà xây tượng đài thật to. Nếu muốn để toàn dân thành kính Bác Hồ thì phải nâng cao nhận thức học tập tấm gương của Bác. Đó là phải biết tiết kiệm để lo cho dân, nâng cao đời sống nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm