1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hai bao diêm "đặc biệt" trong túi áo Bác Hồ

(Dân trí) - Bài học trong 2 lần gặp Bác, người lính hải quân Trương Tiến Ba không bao giờ quên. Điều đặc biệt đầu tiên ở Người khiến ông nhớ nhất chính là việc Bác Hồ luôn mang theo hai bao diêm trong túi áo...

Cơ duyên gặp Bác

Hàng chục năm đã trôi qua, thế nhưng trò chuyện với chúng tôi, người lính hải quân Trương Tiến Ba (SN 1933, trú tại phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) vẫn vẹn nguyên cảm xúc về lần đầu được gặp Bác.

Ông kể, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị ông là Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308 được lệnh về tiếp quản thủ đô Hà Nội vào tháng 10/1954.

Hai bao diêm đặc biệt trong túi áo Bác Hồ - 1

Ký ức về những lần gặp Bác Hồ khắc sâu trong trái tim cựu lính hải quân Trương Tiến Ba.

Đến đầu năm 1955, khi Bộ Quốc Phòng thành lập Trường huấn luyện bờ biển (còn gọi Trường huấn luyện Hải quân) ông được cử đi học tại Trung Quốc. Tháng 10/1956, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đưa 4 con tàu tuần tiễu vỏ sắt đầu tiên (gồm 524-526-528-530, có trọng tải 50 tấn) từ Trung Quốc về nước để bảo vệ bờ biển. Sau đó, ông được phân bổ về Đại đội C3 thuộc Trường Huấn luyện Hải quân và chính nơi đây đưa đến cơ duyên được gặp Bác.

Ông Ba bồi hồi nhớ lại “Vào trung tuần tháng 3/1959, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ cấp cao từ Trung ương đi thăm vùng đảo Đông Bắc. Lúc này, Trường huấn luyện hải quân có một phân đội tàu gồm 3 đại đội C1, C2, C3. Bốn con tàu tuần tiễu của đại đội C3 đưa từ Trung Quốc về được nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Lúc ấy tôi là lính chạy máy tàu 524...

Hôm đó là vào khoảng hơn 8h ngày 30/3/1959, khi đang ở dưới hầm tàu thì nghe thấy tiếng đồng đội trên boong reo lên “a, Bác Hồ!”. Tôi vội vàng chạy lên. Trước mắt tôi là một người mặc bộ quần áo bà ba màu nâu gụ, đầu đội mũ tán to, chân đi dép cao su với nụ cười đôn hậu giơ tay vẫy chào. Đã nhìn thấy Bác nhiều lần trên ảnh nhưng đây là lần nhìn thấy Bác Hồ bằng da bằng thịt khiến tôi không diễn tả hết được cảm giác sung sướng lúc đó”.

Hai bao diêm đặc biệt trong túi áo Bác Hồ - 2

Ông Trương Tiến Ba xúc động khi nhắc về câu chuyện được gặp Bác Hồ.

“Chẳng những được gặp Bác, tôi và đồng đội lúc đó còn được tháp tùng Bác đi thăm một số địa điểm bằng tàu. Đến bữa ăn, Bác Hồ được bố trí ăn riêng cùng một số cán bộ cấp cao thế nhưng Bác bảo anh em cùng ngồi ăn chung mâm với Bác. Tôi thấy Bác giản dị và gần gũi vô cùng. Cho đến giờ những giây phút quý giá đó, tôi không bao giờ quên” – ông Ba nhớ lại.

Đến năm 1962, khi Bác Hồ về thăm đơn vị tàu phóng ngư lôi trên đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh), một lần nữa ông Ba lại vinh dự được gặp Người.

“Trước đó một ngày, khi tôi đang là trạm trưởng trạm điện Vạn Hóa nhận được thông báo có cán bộ cấp cao từ Trung ương đến thăm. Bất ngờ, đến sáng sớm ngày 13/11/1962, thủ trưởng đơn vị thông báo lại là “Bác Hồ sẽ về thăm đơn vị chúng ta”. Dù không phải lần đầu, nhưng khi nhận tin ấy, tôi vẫn hồi hộp và sung sướng” – cựu lính hải quân bồi hồi cho biết.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 13/11/1962, máy bay trực thăng từ Hà Nội đáp xuống sân vận động trên đảo Vạn Hoa. Hình ảnh Bác xuất hiện giản dị ấm áp khiến ông xúc động không thốt nên lời.

Bài học từ chiếc đồng hồ và câu chuyện về nguyên tắc

Những bài học trong 2 lần gặp Bác Hồ khiến người lính hải quân Trương Tiến Ba không bao giờ có thể quên được. Điều đặc biệt đầu tiên ở Người khiến ông nhớ nhất chính là việc Bác Hồ luôn mang theo hai bao diêm trong túi áo.

“Bác của chúng ta hay hút thuốc vì thế trong túi áo của Bác lúc nào cũng có sẵn hai bao diêm, một bao có diêm và một bao không. Tôi để ý thấy mỗi lần Bác hút thuốc đều dùng bao diêm không để gạt tàn vào đó rồi cất lại vào túi áo. Hành động đó của Bác dạy anh em chúng tôi phải luôn bảo vệ môi trường” – ông Ba nhớ lại.

Ông kể tiếp: “Trong chuyến đi đảo Đông Bắc 1959, khi tàu 524 chạy được gần 1 giờ đồng hồ, tôi hết ca trực lên boong thấy Bác đang đứng quan sát biển. Lúc ấy Bác muốn hút thuốc lá, Bác hỏi thuyền trưởng rằng trên tàu quy định hút thuốc lá ở chỗ nào? Thuyền trưởng liền lấy gạt tàn thuốc lên đưa cho Bác.

Hai bao diêm đặc biệt trong túi áo Bác Hồ - 3

Những bài học của Bác Hồ đã theo ông Ba suốt cuộc đời, khiến ông luôn phấn đấu trở thành một công dân tốt.

Bác hỏi lại thuyền trưởng một lần nữa, lần này thuyền trưởng mới đáp: Dạ thưa Bác, nơi quy định hút thuốc ở cuối con tàu ạ. Bác nói ngay: Quy định hút ở cuối con tàu, tại sao chú lại mang gạt tàn thuốc lá lên đây? Lúc này thuyền trưởng lúng túng trả lời: Dạ, để Bác sử dụng ạ. Bác liền nói: Điều lệnh của hạm tàu quy định hút thuốc ở cuối con tàu mà các chú để Bác hút ở trên đài chỉ huy thì điều lệnh hạm tàu lại trừ Bác à? Nghe Bác nói xong tất cả mọi người im lặng và Người nhanh chóng bước về cuối con tàu”.

Kết thúc nhiệm vụ, trường huấn luyện Hải quân tặng Bác Hồ bông hoa đá. Bác nói: “Các chú tặng bông hoa đá cho Bác rất đẹp nhưng nó không ăn được. Nếu như các chú biếu Bác quả bí, quả bầu trồng được thì Bác mang về sẽ vui hơn”. Từ đó, nhà trường phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất cũng như công tác chuyên môn.

Đặc biệt trong kỷ niệm lần gặp thứ 2, ông Ba không quên được những lời dặn từ Người. Đó là khoảng 10h trưa ngày 13/11/1962, các đơn vị tập trung trên sân cảng để nghe Bác nói chuyện. Người hỏi thăm sức khỏe, động viên toàn thể các đơn vị, rồi Bác rút từ trong túi áo ra 1 chiếc đồng hồ quả quýt mà người đã dùng lâu năm. Bác giơ chiếc đồng hồ lên và hỏi: Trên mặt đồng hồ có những gì? Lúc ấy mọi người có mặt đồng thanh trả lời: Thưa Bác có các chữ số và kim giờ, kim phút ạ. Thế chữ số chạy hay đứng yên? Dạ đứng yên ạ! Còn các chiếc kim thì sao? Dạ các chiếc kim đồng hồ thì chạy ạ.

Bác nói tiếp: Đúng rồi, thế nếu bây giờ chữ số nói “tôi đứng mãi rồi, tù chân lắm. Bây giờ cho tôi chạy thôi”. Ngược lại chiếc kim lại nói: “Tôi chạy mãi mỏi chân lắm, cho tôi đứng lại nghỉ 1 thời gian thôi”. Nếu cứ như vậy thì chiếc đồng hồ này có dùng được nữa không?. Rồi Bác liên hệ đến: Một con tàu, một đơn vị cũng vậy. Có nhiều ngành nghề khác nhau làm việc trên bờ. Nếu bây giờ ai cũng bảo: Tôi làm trên bờ lâu rồi hoặc tôi làm việc dưới tàu lâu rồi cho tôi đổi công tác thôi. Như vậy đơn vị có ổn định không? Có còn sức mạnh để làm trọn nhiệm vụ không? Vì vậy, các cô chú phải yên tâm công tác, công việc nào cũng quan trọng, làm việc gì mà làm tốt đều đáng khen”.  

Từ chiếc đồng hồ, Bác căn dặn toàn đơn vị phải thực hiện tốt 4 điều: Phải nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu; Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; Phải giữ gìn tàu thuyền, vũ khí chiến đấu; Phải tích cực tham gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Những bài học về nguyên tắc sống được Bác căn dặn đã theo ông Ba suốt cả cuộc đời. Sau này, khi đánh đuổi tàu Ma-đốc trong sự kiện vịnh Bắc bộ do Mỹ dựng lên, ông Trương Tiến Ba chuyển ngành về công tác tại Thanh Hóa vào năm 1968. Đến năm 1986, ông về hưu nhưng vẫn được nhân dân tín nhiệm cử làm nhiều công việc khác nhau tại địa phương.

Bình Minh