1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

70 năm ngày thành lập QĐND VN, 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân:

GS.Trần Đại Nghĩa và những cống hiến vô giá cho ngành công nghiệp quốc phòng VN

(Dân trí) - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) là một kỹ sư quân sự, một nhà khoa học lớn, một nhà quản lý khoa học kỹ thuật cấp cao, người có công lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Bác Hồ và Kỹ sư Trần Đại Nghĩa (phải), người được Bác đặt
tên.

Bác Hồ và Kỹ sư Trần Đại Nghĩa (phải), người được Bác đặt tên.

Ông tên thật Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913. Thân sinh của ông là một nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, mất khi ông ở tuổi lên sáu. Thương mẹ và chị ngày đêm tần tảo bữa rau, bữa cháo nuôi mình ăn học, ngay từ nhỏ, cậu bé Phạm Quang Lễ đã quyết chí học chăm, học giỏi.

Năm 1933, ông đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài Việt và Pháp. Năm 1935, ông được học bổng sang Pháp học. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân toán tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris, ông ở lại làm việc tại "Viện nghiên cứu máy bay".

Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng "chế tạo máy bay" và "Viện nghiên cứu vũ khí", sau đó về lại Pháp làm Kỹ sư trưởng ở "Hãng Nghiên cứu chế tạo máy bay Concord".

Năm 1946, Bác Hồ đi Pháp với tư cách là khách mời đặc biệt của Chính phủ Pháp. Phạm Quang Lễ được đến gặp Hồ Chủ tịch. Bác hỏi: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”, Lễ trả lời rất nhanh: “Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất của tôi là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Bác nói tình hình trong nước rất khó khăn và hỏi có chịu khổ nổi không, anh trả lời “Tôi chịu nổi”. Bác lại nói ở bên nhà không có kỹ sư và công nhân vũ khí, máy móc thiếu, liệu có làm được không? Anh đáp “Tôi làm được”.

Bà Nguyễn Thị Khánh, vợ kỹ sư cho biết: "Ông Phạm Quang Lễ đã từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với tiền lương tương đương 22 lạng vàng một tháng lúc ấy để theo Bác Hồ về nước. Trong 11 năm học, làm việc tại Pháp và Đức, ông đã có công sưu tầm trên 30.000 trang sách viết về việc chế tạo các loại vũ khí ông cần nghiên cứu".

Ngày 5/12/1946, Bác đã đặt tên Trần Đại Nghĩa cho ông và trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới. Ông được phân công nghiên cứu chế tạo vũ khí tại chiến khu Việt Bắc.

Giáo sư Hoàng Đình Phu kể lại: Thời gian ấy trong phòng làm việc của ông chứa đầy thuốc nổ đủ loại. Trên mặt bàn làm việc xếp đầy các loại đạn Bazôca đang được ông nghiên cứu.

Cuối tháng 2 năm 1947, cuộc thử nghiệm loại Bazôca thành công, điều kì diệu đã đến với mọi người. Mức xuyên của đạn đạt 75cm trên tường gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn Bazôca do Mỹ chế tạo thời gian Đại chiến thế giới lần II.

Đêm 2/3/1947, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Phan Mỹ giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới "sản xuất cấp tốc đạn Bazôca để cản phá cuộc hành quân của Pháp, có khả năng tiến ra mặt trận Cầu Mới - Hà Đông sáng 3/3. Đề nghị anh Nghĩa cho nhồi gấp đạn Bazôca ngay đêm đó để kịp mang đến cho đồng chí Vương Thừa Vũ trong sáng mai”.

Tất cả anh em trong Cục đều được huy động đến để nhồi thuốc, lắp đạn. Cật lực suốt đêm, đến 3 giờ sáng thì tổ nghiên cứu của Trần Đại Nghĩa cùng anh em trong cơ quan Cục Quân giới nhồi lắp được 5 quả đạn xuyên, kèm 1 quả đạn khói đưa ra mặt trận.

Sáng 3/3/1947, máy bay giặc Pháp yểm trợ cho xe tăng, cơ giới của địch đánh từ Hà Nội ra. Tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 chiếc xe tăng mở đường, bên ta chỉ có đúng 5 viên đạn Bazôca. Viên đầu tiên bắn ra, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy ngùn ngụt, chiếc thứ 2 cũng bị đạn bắn hỏng. Cả đoàn xe địch dừng lại rồi rút chạy. Sự xuất hiện Bazôca đã khiến địch bất ngờ, hoang mang. Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son sáng chói của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Chiến công này góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai.

Sau việc sản xuất đạn Bazôca thành công, Cục Quân giới chuyển lên Việt Bắc và tiếp tục sản xuất hàng loạt đạn này. Vũ khí của ta lúc này rất hiếm, riêng Bazôca là loại vũ khí quí. Bazôca xuất hiện lần đầu tiên trên thể giới vào Thế chiến 2, năm 1943 thì năm 1947, ở Việt Nam đã trở thành vũ khí đáng sợ đối với quân Viễn chinh Pháp. Bộ đội ta, sau khi được trang bị nhiều đạn Bazôca đa có nhiều sáng tạo trong chiến đấu, ngoài việc bắn vào các loại xe tăng, thiết giáp, bộ đội còn sử dụng để bắn lô cốt. Đạn Bazôca có tầm xa tới 600m, phạm vi sát thương tới 50m, đã gây cho địch nhiều tổn thất rhất lớn.

Năm 1948 ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong Tướng đầu tiên của Quân đội, nhận quyết định làm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới.

Tiếp theo Bazôca, ông Trần Đại Nghĩa lại nghiên cứu, sáng chế loại súng không giật SKZ, mạnh hơn Bazôca nhưng nhẹ hơn, đầu đạn lõm 160mm, có thể xuyên thủng các lô cốt bê-tông dày từ 600 đến 1.000mm. Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 là đơn vị đầu tiên được trang bị SKZ trong chiến dịch Lê Hồng Phong I (tháng 2/1950) hủy diệt nhiều lô cốt kiên cố của giặc Pháp.

Sau chiến dịch, anh em Quân báo ta bắt được điện của Sở Chỉ huy Pháp ở Lào Cai gửi về Hà Nội: "Chúng ta đã thất thủ. Điều ấy chứng tỏ đối phương Việt Minh đã có những đơn vị chủ lực hùng hậu khác hẳn trước đây. Đó là một điều đáng lo ngại".

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển ra chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp chiến sĩ hạ gục nhiều đồn bốt địch. Tiếp theo, ông và Cục Quân giới chế tạo thành công ĐKZ rồi Bom bay.

Trong quân đội, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.

Sau khi chuyển khỏi quân đội, ông đã dược cử làm Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khoá II và III.

Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952.

Năm 1956, ông nhận quyết định làm Giám đốc trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa và năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí Bazôca, súng không giật, đại bác không giật, bom bay trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Các công trình nghiên cứu của ông được quốc tế đánh giá cao.

Năm 1966, ông được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương, sinh sống cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đức tính nhân hậu, ông và vợ, con luôn có lòng thương yêu, giúp đỡ bà con, được mọi người quý mến, tôn trọng.

Ông mất vào 16 giờ 20 phút ngày 9 tháng 8 năm 1997, hưởng thọ 84 tuổi.

Tháng 8/2007, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã quyết định đặt tên Trần Đại Nghĩa cho một con đường mới của thủ đô.

Tại Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có con đường mang tên Trần Đại Nghĩa. Ngoài ra tên của ông còn được đặt cho một số trường học trên cả nước, trong đó có trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Trần Đại Nghĩa trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự Vin-hem-Pích tại phường 10, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 10/10/2010, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng cho hạ thuỷ tàu khảo sát đầu tiên của Việt Nam có ký hiệu HSV 6613 mang tên Trần Đại Nghĩa.

Trong cuộc Hội thảo kỷ niệm lần 100 ngày sinh Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Đại tá Nguyễn Bá Quang - Viện Khoa học Lịch sử quân sự Việt Nam - bày tỏ: “Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã đem hết năng lực, phẩm chất của một vị Tướng, một nhà khoa học chân chính cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc. Hình ảnh của ông đã đi vào trong lòng quân dân và đồng nghiệp không chỉ là câu chuyện của một con người đức độ, một vị tướng tài năng mà không ít câu chuyện về ông đã trở thành huyền thoại”.

Đại tá Đỗ Sâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm