1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng

(Dân trí) - Xe buýt bỏ trạm, taxi từ chối chở khách, xe ôm ép giá, dịch vụ sửa xe chết máy đắt khách, đó là những hình ảnh <i>Dân trí</i> ghi được trong trận mưa “thế kỷ”, kéo dài đã 2 ngày tại Hà Nội. Trường học và công sở hôm nay cũng vắng hoe…

Xe buýt bỏ trạm, xe ôm ép giá…

Con đường Phạm Hùng nếu không có những dòng xe ì à ì ạch nối đuôi nhau thì chẳng ai còn nhận ra đây là đường hay là… sông nữa. Cả một đoạn đường dài ngập sâu trong nước, có đoạn ngập gần 1m. Đoạn đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến nối ra đường Nguyễn Trãi đang tiến hành thi công, nước ngập sâu trong bùn lầy nên hàng loạt chiếc xe chết máy và phải dắt bộ. Thậm chí, những chiếc taxi liều lĩnh phóng qua “bể bơi giữa đường phố” như cách gọi của cánh tài xế, lập tức từ “xe taxi” trở thành “thuyền taxi” nổi lềnh bềnh trên mặt nước rồi chết máy.

Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng - 1

Xe taxi trôi lềnh bềnh trên đường Xuân Thủy-Cầu Giấy

Cũng vì ngấm đòn nên các xe taxi 4 chỗ ngồi đều từ chối chở khách, dù khách sẵn sàng trả giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá thường ngày. Chị Mỹ Dung, đứng đón xe taxi ở đường Phạm Hùng than thở: “Sáng nay có việc đi gấp qua khu vực Ba Đình, mình kêu 3 chiếc taxi rồi mà chẳng có tài xế nào chịu chở. Đúng là nhìn đường biến thành sông đã ngán rồi, huống hồ còn phải vật lộn với tắc đường, nghẽn xe”.

Taxi không chịu chở khách, cánh xe ôm cũng “làm cao” không kém. Chỉ giúp chở chị Dung từ lề đường bên này sang lề đường bên kia của đường Phạm Hùng - đoạn đường sau một đêm mưa bỗng biến thành sông - bác tài đã hét giá 10.000 đồng mà chị Dung cũng phải đi khi tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh. Và từ Phạm Hùng về bến xe buýt trung gian ở Kim Mã-Cầu Giấy, bác tài cũng “xin” của chị Dung 50.000 đồng, mà nếu như ngày thường chỉ cần 10.000 đồng thì một đám xe ôm đã xúm lại.

Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng - 2

Nhiều tuyến đường trở thành “dòng sông lớn” gây ách tắc giao thông

Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều tuyến giao thông ở Hà Nội rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng, thậm chí là đường một chiều như đường Nguyễn Thái Học cũng tắc. Nguyên nhân tắc đường do có những đoạn nước ngập sâu khiến nhiều xe chết máy.

Dịch vụ sửa xe chết máy, thông bugi trở nên đắt khách hơn bao giờ hết. Anh Tuấn, một chủ tiệm sửa xe máy trên đường Nguyễn Thái Học phấn khởi nói: “Nhờ đường ngập mà sáng giờ mình đã bán được hơn 30 chiếc bugi cho khách hàng, xe qua đoạn này đều chết máy, thoáng một cái đã hết hàng sửa cho khách”.

Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng - 3

Xe máy chết máy, xe tải cũng “ngủm” vì đường ngập sâu trong nước

Trên nhiều tuyến đường, Công ty cấp thoát nước thành phố đã cho mở nhiều miệng cống nhằm tăng lưu lượng thoát nước. Tuy nhiên, cách làm này chỉ được xem như “muối bỏ biển”, bởi lượng mưa quá to. “Cứ mưa to là ngập, đường càng hiện đại ngập càng to, không biết bao giờ Hà Nội mới thoát cảnh “lội lụt” trên đường phố thế này”, bác Nguyễn Văn Sỹ, một cán bộ công chức đã về hưu than thở.

Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng - 4

Mở miệng cống thoát nước để cấp cứu nhưng không lại.

Công sở vắng bóng, trường học… vắng teo

Mưa lớn ngập lụt các đường phố cũng chính là nguyên nhân khiến các công sở vắng bóng nhân viên. Anh Hoàng Hà, sếp của một cơ quan nhà nước nói: “Sáng nay mở mail ra mình nhận được một loạt đơn xin nghỉ làm của nhân viên vì đường… ngập. Không cho nghỉ cũng không được, nhưng công việc của cơ quan vì thế mà cũng đình trệ hẳn”.

Chị Mai Hà, làm ở công ty về dược phẩm thì bảo, sáng nay chị dắt xe ra đến ngõ mà nước ngập sâu quá nên lại quay vào nhà, đến khoảng 11h khi mưa đã ngớt chị lại liều phóng xe đến công sở để xử lý công việc. “Hóa ra công ty cũng lác đác có vài người đi làm, còn lại đều xin nghỉ”, chị Hà cho hay.

Chị Lan Anh, ở chung cư CT5, đường Phạm Hùng thì không mỗi mình chị nghỉ làm mà cả 2 đứa con - một đứa học mẫu giáo và một đứa học cấp 2 - cũng nghỉ. “Cô giáo của cháu điện thoại bảo xin nghỉ vì đường ngập không đi được. Mà nếu cô giáo có đến thì cũng chẳng có mấy học sinh đi học đâu”, chị Lan Anh khẳng định.

Các trường học tại Hà Nội hầu như vắng teo học sinh, sinh viên. Sinh viên Nguyễn Thị Hải, Phân viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội nói: “Lớp mình gần 50 người mà giờ có mười mấy người đến lớp, thầy giáo đến lớp cũng trễ hơn nửa tiếng vì tắc đường. Hai tiết cuối thì được nghỉ luôn vì thầy giáo không đến dạy được”.

Điểm đáng chú ý là, học sinh, sinh viên không đến trường được vì nhiều xe buýt bỏ trạm vì đường ngập. Sinh viên Nguyễn Thị Hà, đứng chờ xe buýt trên tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cho biết: “Mình đứng từ 7h sáng mà đến 9h vẫn không một chiếc xe buýt nào đỗ vào đón khách. Xe máy không có, xe taxi thì không dám mơ, xe buýt lại không chở, sáng nay xem như nghỉ học”.

Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng - 5

Xe buýt không ghé trạm khiến học sinh, sinh viên “sống dở, chết dở”

Nhiều sinh viên may mắn hơn khi lên được xe buýt, thì lại phải cuốc bộ một đoạn đường dài. Minh Đức, sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội than thở: “Chưa khi nào thê thảm như hôm nay khi cuốc bộ hơn 1km trong nước để đến lớp. Khổ nhất là mỗi chiếc xe máy, xe ô tô cứ đi ngang qua là té nước như mưa vào người, ướt hết cả áo quần, sách vở”.

Bài và ảnh: Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm