1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân Hà Nội “lên dây cót” đón trận lũ mới

(Hà Nội) - Trước thông tin Hà Nội lại chuẩn bị mưa to, chiều qua, nhiều người dân đã lập tức lên tinh thần… đón lụt. Rút kinh nghiệm “xương máu” sau cơn lũ vừa qua, việc đầu tiên của người dân là ào ạt mua thực phẩm dự trữ.

Trưa ngày 5/11, vừa biết tin hai ngày tới, Hà Nội lại mưa to cô Hà, nhà ở Mai Động (quận Hoàng Mai) lập tức phóng xe máy ra cửa hàng tạp hoá của người quen tại 48 Trương Định để chở mỳ tôm. Ra đến nơi, nghe chủ quán nói phải vài chục phút xe chở mỳ tôm mới đến vì vừa hết sạch, cô Hà mới biết không chỉ mình chị mới là người lo xa. Thấy cả chục người cũng đang đứng đợi để mua mỳ tôm như mình, cô Hà chép miệng: “Chắc lần này lại lụt lớn nữa đây”.
 
Người dân Hà Nội “lên dây cót” đón trận lũ mới - 1
Xếp hàng chờ mua mỳ tôm trên trường Trương Định.
 
Khi xe hàng đến, cô Hà lấy luôn ba thùng mỳ, cô nói: “Tôi chỉ định ra lấy một thùng mỳ nhưng thấy mọi người mua đông thế này thì vác luôn ba thùng cho yên tâm.

Đợt lụt vừa rồi cả nhà phải nhịn đói hơn hai ngày, đến lúc len ra được khỏi nước để mua đồ ăn thì giá trên trời, nên lần này phải đề phòng trước”.

Đang chất mỳ tôm lên xe máy, anh Thành, nhà ở Lĩnh Nam đứng ngay cạnh đó cũng góp chuyện: “Lần này mưa mà trút xuống thì còn lâu mới rút được. Phải cẩn thận không là chết đói giữa lòng Thủ đô như chơi”.
 
Người dân Hà Nội “lên dây cót” đón trận lũ mới - 2
Chủ quán 48 Trương Định hồ hởi vì mỳ chất bao nhiêu cũng bán hết.
 
Chị chủ quán liên tay chuyển mỳ tôm cho khách. Người nào mà lăn tăn chuyện giá cả, chị nói ngay: “Mua ngay đi không đến mai cũng chẳng có, rồi khi lụt phải bỏ tiền mua cả chục nghìn một gói đấy!”.
 
Chị cho hay: “Mỗi thùng mỳ tôm tôi bán 68.000 đồng, cao hơn trước trận lụt vừa rồi 6.000 đồng nhưng nhiều nơi khác còn bán 70 - 75.000 đồng. Nghe tin mai mốt lại lụt người ta đổ xô đi mua nhiều quá”. Theo lời chị, xe liên tục đổ hàng nhưng vẫn không đủ mỳ tôm để bán. chỉ trong một buổi sáng đến tầm trưa chị đã bán hết vèo trên 500 thùng mỳ.
 
Người dân Hà Nội “lên dây cót” đón trận lũ mới - 3
 
Có lẽ, quá hoảng hốt vì cơn lụt mà đến giờ nước vẫn chưa rút hết, lần này, người dân dọc phố Trương Định “vào cuộc” phòng bị cho trận mưa tới rất sớm. Dọc đường, các hàng tạp hoá, hàng gạo đều đông kín người mua, họ luôn miệng đưa tin cho nhau: “Mua đi, ngày kia mưa lớn tiếp đấy!”.
 
Lật bì gạo 25 kg lên xe, anh Hải, nhà ở ngã ba Đuôi Cá hồ hởi: “Nhà tôi giờ vẫn chưa hết ngập nhưng vợ tôi gọi điện về nói phải đi mua gạo ngay, lại chuẩn bị lụt đợt mới. Nhà chỉ có hai vợ chồng và đứa con, mỗi lần vợ tôi chỉ mua vài cân về ăn, đợt lụt vừa rồi hết sạch gạo, lát nữa còn phải chở vài thùng mỳ tôm chứ nhỡ mất điện, mất nước thì có gạo cũng chết đói, mỳ còn ăn sống được”.
 
Người dân Hà Nội “lên dây cót” đón trận lũ mới - 4
Thùng mỳ tôm to thế này đủ cho cả nhà chống đói.
 
Hầu hết các hàng tạp hoá, hàng gạo ở Hà Nội hôm qua đều tấp nập người mua. Hàng gạo trên đường Nguyễn Ngọc Nại (quận Thanh Xuân) đến tận 7 giờ tối liên tay đóng gạo cho khách hàng mà vẫn không kịp. Người bán gạo dự tính: “Hôm nay đông nhưng chắc chắn ngày mai còn đông hơn vì lúc đó nhiều người mới biết tin lại chuẩn bị mưa tiếp nên sẽ đổ xô đi mua. Mình cũng cố tranh thủ mà bán nếu không mưa xuống, chạy không kịp thì kho gạo này cũng ngập”.
 
Một người phụ nữ mua gạo ở đây ra cho biết: “Gạo tám thơm có giá 15.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường 3.000 đồng nhưng lũ lụt thế này từng đó thì đáng kể gì, còn hơn đến lúc có tiền muốn ăn cũng chẳng ra được khỏi nhà. Ngày mai, tôi còn phải đi mua rau quả, thịt cá dự trữ nữa. Giờ có lụt cả tháng cũng không lo đói nữa nhưng chỉ sợ mất điện, mất nước”.
 
Người dân Hà Nội “lên dây cót” đón trận lũ mới - 5
Đến tận tối, đại lý gạo trên đường Nguyễn Ngọc Nại vẫn nhộn nhịp.

Sau trận mưa kỷ lục vừa rồi, “người dân đã “lên dây cót” trước rồi, mong sao sẽ không phải “há hốc” vì đói giữa Hà Nội, những cảnh dở khóc dở cười cũng bớt đi. Hơn nữa, điều quan trong nhất là sẽ không còn người nào chết vì lụt nữa”, chị Trương Thị Lê, nhà ở Thái Hà bộc bạch. Rồi chị Lê lại cười: “Chỉ mong dự báo sai chứ lụt như vừa rồi có chuẩn bị mấy thì cũng trăm bề khổ”.

Bài và ảnh: Hoài Nam