1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

Cửu vạn “kiếm bộn” sau lũ

(Dân trí) - Mưa tạnh, lũ qua, dân cửu vạn lại tấp nập tại các “chợ người” Hà Nội. Nhu cầu dọn dẹp nhà cửa tăng bất thường khiến việc làm ăn của những người ngoại tỉnh này có vẻ “khấm khá” hơn.

Sau mưa lũ sẽ nhiều việc, nhiều tiền

Tại đường Láng, những người lao động ngoại tỉnh làm nghề cửu vạn ngồi túm tụm bàn tán và chờ đợi. Trên khuôn mặt hốc hác, đen sạm vì mưa nắng, ánh mắt họ không quên đưa đi đưa lại xem có ai hướng về phía mình không…

Bất chợt, một người đàn ông đi chiếc xe SH dừng lại. Cả đám người đứng dậy và đổ dồn về quây quanh chiếc xe và ông chủ. Dù người đàn ông đã xua xua tay nói chỉ cần 2 người để thông 10m cống thoát nước bị tắc nhưng họ vẫn xúm quanh để nài nỉ. Cuối cùng, vẫn chỉ có 2 người được trèo lên chiếc xe của “nhà giàu”.

Anh Thịnh (quê ở Hà Nam) than vãn: “Mấy hôm mưa lũ chẳng có việc gì làm. Mấy ngày nay trời đã tạnh ráo nhưng vẫn “ế” quá. Việc có vẻ nhiều lên đôi phần thì người làm tăng lên 4 lần nên cả tuần tôi mới kiếm được trăm nghìn. Hi vọng mấy hôm tới trời càng hửng nắng thì việc càng nhiều".

Cửu vạn “kiếm bộn” sau lũ  - 1
Cửu vạn "ế" việc.

Sau những ngày mưa lũ, rất nhiều cống thoát nước, nhà vệ sinh của các gia đình, các khu vực bị ngập, tắc giờ bốc mùi cần được "thông" và dọn dẹp sạch sẽ… Những công việc nặng nhọc này thường được thuê người lao động ngoại tỉnh làm.

Không có một “hệ số”, cũng không có cái giá chung nào để tính công lao động cho dân cửu vạn. Cả người thuê và người làm đều căn cứ vào công việc và thời gian để tính tiền, có thể là 30, 40, 50.000 đồng/công (30 phút) nhưng cũng có khi là cả trăm bạc.

“Chúng tôi là dân lao động tự do, ai thuê việc gì thì làm việc đó chứ không có chuyện kén chọn. Thông thường việc nặng nhọc là từ 60.000 - 80.000 đồng/công và tùy vào mức độ, cũng có khi gặp người "rộng rãi" họ còn thưởng cho tròn trăm, phấn khởi lắm!

Cửu vạn mà, việc gì chúng tôi chả làm được, chỉ sợ không có người thuê thôi. Dạo này vừa xong mưa lũ nên chủ yếu người ta thuê thông cống, vét bùn, dọn vệ sinh… Tuy vất vả nhưng tiền công cũng kha khá!” - anh Lập (quê ở Thái Bình) tâm sự.

Xe ôm cũng xưng danh… cửu vạn!

Ngã ba Trung tâm triển lãm Giảng Võ, ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành - Láng Hạ… có rất nhiều xe ôm đứng đón khách. Chúng tôi dừng hỏi “vu vơ” chuyện thuê người làm thì lập tức 5 - 6 người chạy xe ôm xô ra, họ tranh nhau giới thiệu mình là cửu vạn đích thực.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin, họ lại nháo nhào giải thích, giới thiệu về bản thân và khả năng làm việc. Như sợ chúng tôi đi mất, họ vội vã dắt xe xuống đường và trèo lên xe ngồi trễm trệ chờ chúng tôi gật đầu.

Ngự trên chiếc xe mang biển số 33, anh Lộc (quê Hà Tây cũ) hớn hở: “Bọn tôi không phải là xe ôm, là cửu vạn mà, đích thực là cửu vạn đấy. Thông cống hay dọn vệ sinh? Cần mấy người? Cứ yên tâm đi, chúng tôi làm nhanh, gọn gàng và sạch sẽ lắm”.

Xưa nay, người ta đến “chợ người” chỉ để thuê cửu vạn làm những công việc chân tay nặng nhọc chứ không phải để thuê xe ôm. Cửu vạn kiêm cả chạy xe ôm - sự “biến tấu” này khi mới nghe tưởng là chuyện đùa, nhưng đó lại là sự thật.

Đời cửu vạn trăm ngả, trăm nỗi lo! Trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó, họ không chỉ sẵn sàng làm bất cứ công việc được người ta thuê mà dân cửu vạn còn xoay đủ nghề thứ để kiếm sống.

Cửu vạn “kiếm bộn” sau lũ  - 2
Cửu vạn kiêm cả chạy xe ôm.

Anh Định (quê ở Hưng Yên) giới thiệu: “Những khi không có việc, không có người thuê bốc vác thì mình chạy xe ôm. Tuy bốc vác, thông cống vất vả nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn, có những khi chỉ mất tiếng đồng hồ là đã được đút túi cả trăm nghìn, còn chạy xe ôm thì sạch sẽ nhưng trừ tiền xăng đi chỉ còn được chục bạc”.

“Chợ người” Giảng Võ nghe “tiếng” đã lâu. Ở đó tập trung rất đông người lao động ngoại tỉnh, người quang xảo, kẻ xẻng cuốc luôn thường trực trên tay chờ việc cùng với những chiếc xe đạp tồng tộc trong tư thế sẵn sàng xuất hành.

Không chỉ đàn ông, ở Hà Nội cũng nhiều phụ nữ làm cửu vạn. Trông dáng vẻ thì kém sức hơn nhưng dù là việc nặng hay việc nhẹ, chỉ cần có người thuê là họ lao đi làm, họ không chịu thua kém, thậm chí còn "tranh" việc với cánh đàn ông.

Được cái sau mấy ngày mưa lũ nhiều người thuê dọn vệ sinh, thực tình công việc này có vẻ hợp với phụ nữ hơn nên các “bà” cửu vạn cứ luôn chân, luôn tay, có người còn kiếm được mấy trăm nghìn một ngày nên rất phấn khởi và ham việc.

“Ở quê cũng ngập lụt, hoa màu đều mất trắng, con cái thì bám lưng bố mẹ để xin tiền đóng học… lấy đâu ra tiền bây giờ? Thôi thì 2 vợ chồng ra Hà Nội cố mà kiếm, ai mướn việc gì cũng làm chứ không thì chết đói mất” - chị Liên (quê ở Vĩnh Phúc) bộc bạch!

Gió mùa đông Bắc lại về, người Hà Nội hào hoa, thanh lịch đang đón cái lạnh đầu mùa bằng sự thích thú! Nhưng giữa chốn thành thị này, dân cửu vạn vẫn ngày đêm chờ đợi được người ta thuê mướn, họ lại đau đáu nỗi lo “kiếm cơm” trong những ngày đông rét mướt!

Châu Như Quỳnh