1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá dầu tăng, các ngành than, điện, xi măng sụt giảm lợi nhuận

Giá xăng dầu tăng lần thứ 3 liên tiếp trong năm nhưng giá than, điện, xi măng sẽ không tăng theo. Chiều qua (17/8), Bộ Thương mại, Bộ Tài chính đã đưa ra câu trả lời về vấn đề này.

Giá bán lẻ xăng dầu đã chính thức được tăng lên mức kỷ lục từ trước tới nay. Tại cuộc họp công bố quyết định này, liên bộ Thương mại - Tài chính cùng khẳng định: Giá các mặt hàng chủ chốt như than, điện, xi măng sẽ không tăng cho đến hết năm.

Dự báo những tác động

Việc tăng giá xăng dầu lần này đã được “bình thường hóa” bằng những dự báo phổ biến trước đó. Sự chú ý của dư luận không còn tập trung quá nhiều vào nguyên nhân cũng như việc thực hiện giá bán mới. Thay vào đó, những tác động từ giá mới là sự quan tâm hàng đầu của mỗi người dân và mỗi doanh nghiệp.

Vậy tác động đến các ngành công nghiệp chủ chốt như than, điện, xi măng… sẽ như thế nào, đặc biệt khi đây là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành hàng, sản phẩm khác?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, với giá bán xăng dầu mới, chi phí cũng như lợi nhuận của các ngành hàng chủ chốt sẽ có những tác động đáng kể.

Cụ thể: 

Qua 2 lần tăng giá xăng dầu vào tháng 3 và tháng 7 vừa qua, chi phí sản xuất than tăng thêm 169 tỷ đồng, lợi nhuận của ngành than sẽ giảm khoảng 75 tỷ trong những tháng cuối năm.

Với ngành điện, 1ợi nhuận của ngành từ nay đến cuối năm giảm khoảng 136 tỷ đồng.

Với xi măng, 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu trước làm tăng 110 tỷ chi phí. Lần này chi phí có thể tăng thêm 35 tỷ đồng.

Với giá thép, dự báo tác động làm tăng giá khoảng 0,3%. Giá thép dự báo sẽ được giữ ở mức khoảng 8 triệu đồng/tấn. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tá, “đây là mức giá khả thi và chưa thấy dấu hiệu vượt mức giá này”.

Với vận tải ôtô, giá xăng dầu mới có thể đẩy chi phí tăng thêm khoảng 6%; tính cả hai đợt trước ở mức khoảng 10%. Chi phí vận tải đường sắt, qua 2 lần trước tăng thêm 6%, lần này tăng khoảng 2,7%. Vận tải đường sông, qua cả 3 lần, chi phí ước tăng khoảng 8,3%…

Đặc biệt, trong lần tăng giá xăng dầu lần này, chi phí cho đánh bắt xa bờ tăng thêm khoảng 8%. Đây là mức tác động lớn so các ngành chịu ảnh hưởng từ tăng giá bán lẻ xăng dầu. Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ Thủy sản tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành này.

Vì sao không tăng giá than, điện, xi măng?

Trong Công điện khẩn cùng ngày của Bộ Tài chính có khẳng định không tăng giá bán than, điện, xi măng. Các doanh nghiệp thuộc ngành hàng này cần phải tiếp tục áp dụng những biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Lý do là khi giá xăng dầu tăng, ba nhóm hàng này chỉ bị cắt giảm lợi nhuận, không phải bù lỗ. Quan trọng hơn, thông qua than, điện, xi măng để góp phần gián tiếp bình ổn giá các mặt hàng liên quan khác.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là quá trình hội nhập, mở cửa đã gần kề, các doanh nghiệp thuộc ba ngành hàng trên cần có một mức lợi nhuận cao để trang bị cho mình khả năng cạnh tranh lớn hơn. Mức lợi nhuận cao đó rõ ràng đang bị hạn chế vì bị kìm giá bán. Khi hội nhập liệu Nhà nước có còn bảo hộ được những doanh nghiệp này không?

Thứ trưởng Ruệ khẳng định: Ngay cả trong các cuộc đàm phán hội nhập, Việt Nam vẫn có quyền được bảo hộ nhất định đối với một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước và bảo hộ theo một lộ trình cụ thể.

Như vậy, giá than, điện, xi măng sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm. Nhưng, sang năm 2006, giá các mặt hàng này sẽ như thế nào? Hiện vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Theo Trịnh Minh Đức
VnEconomy

Dòng sự kiện: Xăng tăng giá