Người ăn lương “méo mặt” vì xăng tăng giá

Bà Nguyễn Thị Thảo, nhà ở tập thể Thanh Xuân, Hà Nội, đón nhận thông tin xăng dầu tăng giá một cách chán nản. Dù chẳng đi xe máy, chẳng phải mua xăng, nhưng hôm nay đi chợ bà đã thấy "chóng mặt" vì giá thực phẩm đã tăng.

"Loại rẻ nhất như cá nục bình thường chỉ 10.000, cùng lắm chỉ 13.000 đồng/kg, nhưng hôm nay đã lên tới 20.000 đồng. Người bán hàng giải thích với tôi rằng, xăng lên giá làm cho chi phí vận chuyển cá vào thành phố tăng", bà Thảo nói. Bà phản ánh, đi chợ bây giờ mà trong túi chỉ 50.000 đồng là phải đắn đo, cân nhắc lắm vì mỗi tháng có một loạt khoản chi tiêu: tiền ăn cho 2 vợ chồng và 2 con khoảng 1,5 triệu đồng; điện 200.000 đồng; nước sinh hoạt 50.000 đồng; điện thoại 100.000 đồng. Riêng gas thì cứ 3 tháng hai bình giá khoảng 310.000 đồng. Như vậy, chưa kể những khoản phát sinh như ma chay cưới hỏi, mỗi tháng riêng chi phí sinh hoạt ngốn mất của bà 2 triệu đồng.

 

Thế nhưng, tổng thu nhập từ hai vợ chồng bà Thảo thì chỉ 2,2 triệu đồng, trong đó của người chồng về hưu là 800.000 đồng. Còn bà Thảo, với 31 năm trong nghề giáo viên THCS, hưởng mức lương bậc 9/10 (tương đương hệ số lương 3,83), cộng với 35% phụ cấp giảng dạy, mỗi tháng bà lĩnh 1.430.000 đồng. "So với đồng nghiệp, mức lương của tôi thuộc diện cao, song nó chẳng thấm tháp gì so với sự tăng giá của một loạt hàng hoá", bà than phiền.

 

Bà Thảo dù sao cũng may mắn vì 2 đứa con một đã đi làm, một vừa tốt nghiệp đại học, nên không phải tốn tiền học hành. Ông Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng tuyên truyền, Cục phòng chống tệ nạn xã hội, thì đau đầu vì đang nuôi đứa con trai chuẩn bị thi ĐH. "Mỗi tháng tiền học trường công chỉ tốn 30.000 đồng, nhưng 2 cua học thêm, một do nhà trường khuyến khích, một ôn thi ĐH đã tốn 800.000 đồng. Khoản lương hưu của vợ phải bù thêm 100.000 đồng mới đủ", ông Quỳnh tính toán.

 

Trong khi đó, tiền lương sau khi được điều chỉnh hệ số thành 4,19, phụ cấp 0,6%, tiền công đoàn 100.000 đồng, mỗi tháng ông Quỳnh nhận 1,5 triệu đồng. Thu nhập ít, lại phải chèo chống để bù đắp cho tất cả khoản chi phí sinh hoạt, mua sắm vật dụng, hiếu hỉ... luôn là bài toán khó với vợ chồng ông Quỳnh. "Mà những khoản này đâu có đứng yên, chúng cứ liên tục tăng. Đơn cử như trước kia ăn bát phở chỉ 5.000 đồng, nay ít nhất cũng 8.000 đồng. Vì thế cải cách tiền lương chẳng ý nghĩa gì đối với tôi", ông Quỳnh nhận xét.

 

Một chuyên gia của Ban Chính sách kinh tế xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, người cũng tham gia vào đề án cải cách tiền lương, nhận định: xăng tăng giá, giá đầu vào của nền kinh tế tăng cao, cước vận tải tăng, kéo theo chuỗi tăng giá của lương thực, thực phẩm. Qua đợt điều chỉnh lương tối thiểu năm 2003 từ 210.000 lên 290.000 đồng/tháng và năm 2004 điều chỉnh hệ số tiền lương, những người làm công ăn lương (tức trong khu vực hành chính và một phần sự nghiệp) mức lương có tăng, nhưng thu nhập thực tế lại giảm.

 

Bà chuyên gia này tiếp tục lý giải: chỉ số giá tăng cao trong thời gian qua, nhất là năm 2004 (9,5%) và 7 tháng đầu năm 2005 đã tăng 5,6% so với tháng 12/2004 nên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận người ăn lương. Nếu so sánh với thời điểm tháng 1/2003 (ban hành mức lương tối thiểu 290.000 đồng) thì chỉ số giá đến tháng 7/2005 đã là 123,6%. Như vậy việc điều chỉnh thực chất chỉ là bù trượt giá, chưa phải là tăng thu nhập thực tế cho người lao động...

 

Vẫn chuyên gia này phân tích, điều 56, Bộ luật lao động quy định: mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất lao động mở rộng. "Chiểu theo quy định này thì mức lương tối thiểu hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, chưa nói gì đến tích luỹ để tái sản xuất lao động mở rộng. Thực tế, mức lương tối thiểu hiện chỉ chênh so với chuẩn nghèo ở khu vực thành thị là 30.000 đồng", bà nói.

 

Trả lời báo chí trong kỳ họp Quốc hội, ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, từng là Vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công, đưa ra một thông tin đáng mừng là dự kiến năm 2005, 2006 và 2007 đều lần lượt tăng mức lương tối thiểu. Cụ thể, ngày 1/10/2005 có thể điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 300.000 đồng/tháng; năm 2006 là 320.000 đồng/tháng; năm 2007 là 340.000 đồng.

 

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, mức lương tối thiểu này sẽ khó có thể bù đắp việc tăng giá một loạt các mặt hàng thiết yếu hiện nay. Hy vọng nâng cao mức sống cho những người làm công ăn lương, ngày càng trở nên xa vời sau mỗi lần giá tăng. Mà con số những người làm công ăn lương theo ông Đặng Như Lợi là khá lớn với 1.550.000 người. Trong đó khu vực hành chính quản lý nhà nước, đoàn thể, các hội do ngân sách nhà nước chi trả chiếm 300.000 người. Còn lại toàn bộ là từ các đơn vị sự nghiệp: giáo dục 1.000.000; y tế khoảng 200.000.

 

Theo Như Trang
VnExpress

Dòng sự kiện: Xăng tăng giá