Giá đất đền bù giải tỏa sẽ được điều chỉnh
(Dân trí) - Trong buổi tổng kết đợt kiểm tra đất đai tại UBND TP Hà Nội sáng nay, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực cho biết: Bộ sẽ điều chỉnh giá đất và chính sách đền bù đối với các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng cho phù hợp với giá đất của thị trường.
Theo đó, giá đất khi thu hồi và cho thuê sẽ được tính trên mức mà các tỉnh, thành công bố. Điều này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài Chính trình Chính phủ trong đề nghị sửa đổi Nghị định 197.
Thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn để thực hiện thống nhất pháp luật về đất đai, phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh hơn với những nội dung thiết thực và gần gũi hơn pháp luật đất đai. Bộ cũng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đốc thúc các địa phương trong việc khắc phục những sai phạm trong thời gian qua.
Sau 9 ngày tiến hành kiểm tra việc thi hành luật đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội, đoàn kiểm tra đã nhận được hơn 5.000 đơn thư, ý kiến của người dân, trong đó có đến 50 đơn thư khiếu nại của tập thể, có đơn hơn 150 hộ cùng kí tên. Những đơn thư này đều tập trung vào vấn đề giá cả đền bù không hợp lý, quá thấp so với giá thị trường và những gút mắc trong việc tiến hành tái định cư cho dân trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tuy nhiên, theo Sở Tài chính Hà Nội, không thể nâng tất cả giá bồi thường GPMB lên theo giá thị trường hiện nay được. Bởi vì, với một số khu vực dân cư, nếu nhà nước không mở đường thì giá đất rất thấp. Hà Nội chưa bao giờ đền bù được giá đất cho dân theo giá thị trường cả. Trong quá trình thu hồi đất, Hà Nội chủ yếu thu hồi đất nông nghiệp, giá đất đã được tăng lên gấp 10 lần (trước kia là 32 nghìn đồng/m2).
Ông Phùng Văn Nghệ, Trưởng đoàn kiểm tra nhận xét: Trong những năm qua, Hà Nội đã thực hành khá tốt Luật đất đai nhưng vấn đề chính lại là thái độ của chính quyền sở tại đối với dân. Có địa phương, lãnh đạo đến đọc quyết định GPMB lúc 8 giờ tối nhưng 6 giờ sáng đã thấy đưa lực lượng đến cưỡng chế. Hoặc như phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức bốc thăm nhà tái định cư cho dân lại cử công an đứng canh và chỉ cho 10 người vào một lúc... Chính những điều này khiến dân rất bức xúc và đơn kiện ngày một dày thêm.
Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng đã chỉ ra những yếu kém của TP Hà Nội trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong vòng 10 năm chỉ được 58%; thực hiện việc thu hồi đất vi phạm còn thấp, 2 năm chỉ được 5ha. Trong khi đó, tình hình đất sử dụng không hiệu quả, trái mục đích trên địa bàn thành phố còn nhiều.
Theo Bộ trưởng, TP có 3 vấn đề cần phải xử lý, xem xét là: Hiểu sai pháp luật về đất đai; Cách làm việc, cách thi hành luật đất đai; Chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư đất đai của các cấp có liên quan và thái độ đối với nhân dân. Bộ trưởng còn nhấn mạnh thêm: “Tôi không nói riêng Hà Nội, mà cả nước phải chấn chỉnh lại. Thực tế, chúng ta muốn được việc cho mình nhưng ít lo nghĩ đến quyền lợi người dân. Lo tăng trưởng, đầu tư là đúng nhưng cũng phải lo đến các vấn đề xã hội có thể nảy sinh”.
Tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ trưởng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn cho biết: “Chúng tôi luôn cầu thị và sẵn sàng sửa chữa khuyết điểm. Tuy nhiên, không hề dễ khi giải quyết vấn đề này, chỉ tính riêng giá đất, Hà Nội đã có tới 600 mức giá khác nhau, một biểu giá lại phục vụ nhiều mục đích GPMB, thực hiện nghĩa vụ tài chính...”
Vào tuần tới, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ có đánh giá tổng hợp lại tình hình thực hiện pháp luật đất đai trên cả nước để trình lên Chính phủ và có những hướng tháo gỡ vướng mắc phù hợp.
Nguyễn Hiền