1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ điều chỉnh giá đất và chính sách đền bù

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực cho biết như vậy trong cuộc trao đổi nhân việc 13 đoàn của Bộ Tài nguyên - Môi trường kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai tại các địa phương.

Sự kiện các đoàn của Bộ TN - MT kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai tại các địa phương đã trở nên nóng đến mức trong phiên họp 32 ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), ủy viên TVQH Lê Quang Bình đề xuất tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 10 tới) Chính phủ nên có báo cáo về vấn đề này.

 

Cán bộ cũng chưa hiểu luật

 

Thưa Bộ trưởng, khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, mọi việc tưởng như sẽ trôi chảy. Thế nhưng thực tế kiểm tra cho thấy, những vấn đề cũ, đã tồn tại từ lâu như đền bù giải tỏa, quy hoạch, cấp giấy chứng nhận... vẫn là những vấn đề thực sự bức xúc. Phải chăng có điều gì đó chưa ổn về mặt chính sách, pháp luật?

 

Đi kiểm tra tại các địa phương, chúng tôi không thấy chính quyền cũng như nhân dân đặt vấn đề về sự không phù hợp của Luật Đất đai. Nhưng họ có đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều tại các văn bản dưới luật.

 

Hầu hết những đề nghị đó đã được Bộ TN - MT và Bộ Tài chính phát hiện và đã trình Chính phủ trong một dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

 

Nếu tới đây Chính phủ ban hành nghị định này thì  về mặt pháp luật về đất đai là tương đối ổn. Ngay như ở TPHCM - địa phương có nhiều vấn đề đa dạng về quản lý và sử dụng đất - cũng đánh giá luật và các văn bản dưới luật là đồng bộ, chi tiết.

 

Vấn đề quan trọng có tính quyết định là tổ chức thi hành luật. Những nổi cộm vừa qua, đặc biệt là những khiếu nại về đất đai qua đợt kiểm tra, hầu hết là những vấn đề cũ, phát sinh từ trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực. Còn từ khi Luật có hiệu lực đến nay những vấn đề phát sinh mới dẫn tới khiếu kiện không nhiều, trừ ở một số ít địa phương.

 

Nhưng thưa ông, ngay như việc cấp sổ đỏ cho dân theo Luật Đất đai mới vẫn chưa được thực hiện đúng. Thậm chí ngay tại thủ đô Hà Nội cũng  có hiện tượng cấp sổ đỏ chưa đúng, rồi “găm” sổ đỏ của dân?

 

Tôi đã nói nhiều lần, tổ chức thi hành luật vẫn là vấn đề “chua cay” nhất. Ngay một lúc nắm chắc Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành là khó nhưng đối với một số vấn đề thiết thực, liên quan nhiều đến lợi ích hợp pháp của người dân thì một số anh em có trách nhiệm lại chưa tìm hiểu pháp luật một cách thấu đáo, làm thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng của dân.

 

Như khi tôi xuống kiểm tra tại thị trấn Xuân Mai (Hà Tây) lãnh đạo thị trấn báo cáo do Xuân Mai chưa có quy hoạch nên chưa cấp sổ đỏ được. Hỏi cán bộ địa chính thị trấn thì cán bộ này cũng nói như vậy và dẫn ra điều luật nói về “phù hợp với quy hoạch” nhưng lại không hiểu đầy đủ về điều luật đó.

 

Tôi hơi bất ngờ vì điều kiện để cấp sổ đỏ đã quy định rõ trong Luật và Nghị định 181, được đề cập trong các đợt tập huấn và được nói nhiều trên báo chí. Hay như Luật Đất đai không có quy định là phải có hộ khẩu mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng vẫn còn những địa phương vấn vương về chỗ này, cứ yêu cầu phải có hộ khẩu mới cấp nên cũng gây khó khăn cho dân.

 

Sẽ điều chỉnh giá đất

 

Ông có nói qua đợt kiểm tra này nếu thấy các quy định của Trung ương có gì chưa chính xác, chưa phù hợp với thực tiễn thì sẽ phải điều chỉnh. Vậy ông có thể cho biết nội dung nào trong hệ thống pháp luật về đất đai sẽ phải điều chỉnh trong thời gian tới?

 

Sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề giá đất và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 197 với các quy định như giá đất đền bù phải sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường; về thực hiện tái định cư tại chỗ, trừ trường hợp đặc biệt; về giải quyết đất làm dịch vụ cho những hộ nông dân không còn hoặc còn ít đất nông nghiệp; về xử lý mối quan hệ hợp lý giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư để khắc phục tình trạng giao đất tái định cư với giá quá chênh lệch so với giá đất thu hồi; về hỗ trợ đời sống cho những người bị thu hồi đất trong diện hộ nghèo.

 

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về giá đất nông nghiệp để phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Chính phủ để ban hành chính sách phù hợp hơn.

 

Quy định về giá đất bồi thường đã được thể hiện hết sức cụ thể trong nghị định hiện hành, vậy việc sửa đổi như ông nói Bộ TN-MT vừa trình Chính phủ sẽ theo hướng nào?

 

Là khi bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định và công bố mà không phù hợp với giá đất trên thị trường thì UBND tỉnh phải quyết định lại cho phù hợp.

 

Ví dụ, giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố đầu năm là 50.000 đồng/ m2, nhưng đến thời điểm thu hồi, giá mà người dân chuyển nhượng với nhau là 70.000 đồng/ m2 thì phải điều chỉnh lên để không gây thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi.

 

Như vậy, chính quyền các địa phương sẽ phải hết sức uyển chuyển trong việc ban hành và điều chỉnh giá đất?

 

Phải là như vậy. Theo Điều 56 của Luật Đất đai, việc định giá đất phải theo nguyên tắc sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Giá cả trên thị trường thì thường thay đổi nên linh hoạt là điều hiển nhiên.

 

Có một thời kỳ dài chúng ta định giá đất rất chủ quan, thậm chí tùy tiện. Giá đất thị trường một đường thì lại định giá một nẻo và thường rất thấp so với thực tế.

 

Điều đó, không những không đồng bộ với chủ trương chuyển hẳn nền kinh tế sang cơ chế thị trường mà còn gây thất thu cho ngân sách Nhà nước khi giao đất, cho thuê đất, gây khiếu kiện khi thu hồi đất.

 

Đây cũng là sơ hở lớn trong chính sách, pháp luật về đất đai, dẫn tới một bộ phận giàu lên nhanh chóng nhờ vào quyền “ban phát” đất đai hoặc được “chiếu cố” trong việc giao đất, cho thuê đất. 

 

Thường xuyên kiểm tra, thanh tra

 

Thưa ông, còn về phía các địa phương, các ông thấy có vấn đề  cần phải chấn chỉnh qua đợt kiểm tra này?

 

Cái cần chấn chỉnh là yêu cầu các địa phương phải thường xuyên kiểm tra việc thi hành chính sách, pháp luật về đất đai. Nếu vừa qua làm tốt việc này, tỉnh thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của huyện, huyện thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của xã thì đã không xảy ra những chuyện kiểu như cơ quan nhà nước cứ giữ sổ đỏ của dân mà không chịu giao cho dân theo đúng quy định của pháp luật. Xem ra chúng ta vẫn rất coi nhẹ công việc kiểm tra, thanh tra.

 

Thưa ông, khi kết thúc đợt kiểm tra này các ông sẽ có biện pháp gì để đốc thúc các địa phương giải quyết các khúc mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai để giải quyết ổn thỏa các vướng mắc cho người dân?

 

Kiểm tra là để đánh giá xem việc thi hành chính sách, pháp luật  đang diễn ra như thế nào, việc gì làm tốt thì phát huy, việc gì chưa tốt hoặc sai trái thì uốn nắn.

 

Qua kiểm tra lần này chúng tôi thấy có những việc các địa phương đã cố gắng và đạt được kết quả khá tốt nhưng nhiều việc thực hiện chưa đến nơi đến chốn, đáng chú ý là tình trạng vi phạm pháp luật dẫn tới khiếu nại, tố cáo. Bộ TN - MT sẽ tổng hợp, phân tích kết quả kiểm tra để đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể.

 

Trong thẩm quyền của mình, Bộ sẽ có hướng dẫn để thực hiện thống nhất pháp luật về đất đai, phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh hơn với những nội dung thiết thực hơn về pháp luật đất đai, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các tỉnh, thành phố trong việc khắc phục những sai phạm đã phát hiện qua đợt kiểm tra, đặc biệt đối với những nơi có các vấn đề nổi cộm.

 

Trong tháng 9 này, Bộ TN - MT sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả của đợt kiểm tra. Một vấn đề bức xúc, dai dẳng, luôn chiếm đến 60 -70% tổng số đơn thư khiếu kiện thì cần phải có một liều thuốc mạnh để giải quyết.

 

Liều thuốc đó là gì? Chắc không phải là ra nghị quyết nữa mà là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách pháp luật về đất đai tại các địa phương.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Hữu Khôi

Tiền phong