1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh tra đất đai tại phường Cự Khối - Long Biên - Hà Nội:

Nhiều khiếu kiện về việc sử dụng đất công

(Dân trí) - Chiều 29/8, Đoàn thanh tra đất đai số 2 đã làm việc với UBND phường Cự Khối, quận Long Biên về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn và làm rõ việc thắc mắc của các hộ dân về các khu đất công ích bỏ hoang 5 năm chưa đưa vào sử dụng.

Theo sự lý giải của ông Ngô Mạnh Cường - Chủ tịch UBND phường Cự Khối thì: vấn đề cơ bản của việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn phường là vì phường mới được thành lập từ cuối năm 2003, trước là một xã của huyện Gia Lâm nên hầu hết giấy tờ đất đai cấp cho dân đều chưa đầy đủ và hoàn chỉnh.

 

Hiện tại, trên địa bàn phường mới chỉ có 618/1377 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong thời gian tới, phường Cự Khối sẽ hoàn tất mọi thủ tục và giấy tờ cần thiết để cấp GCNQSDĐ cho 759 hộ còn lại. Trong số 259.257ha đất của toàn phường, chỉ có 5% (tương đương 14,72ha) được sử dụng làm đất công ích. Và đây cũng là một trong những vấn đề xảy ra khiếu kiện, thắc mắc nhiều trong dân những năm qua.

 

Tại phòng tiếp dân, cán bộ thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp rất nhiều đơn thư khiếu kiện của bà con. Điều đặc biệt là có rất nhiều người dân ở các phường lân cận như Long Biên, Thạch Bàn... - những phường không được đoàn thanh tra đến làm việc. Chị Nguyễn Thị Hoa đại diện cho các hộ dân tổ 8 phường Thạch Bàn kiến nghị về việc lãnh đạo phường tiến hành các thủ tục cấp đất chậm, chia đất không công bằng, không công khai trước dân... Chị Hoa đề nghị với thanh tra Bộ làm rõ những sự việc trên.

 

Nhiều khiếu kiện về việc sử dụng đất công - 1

Chủ tịch phường Cự Khối báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đất đai với Đoàn thanh tra.

Chị Nguyễn Thị Liễu, tổ 7, cụm Tư Đình, phường Long Biên thì hết sức bức xúc với những vấn đề của gia đình cũng như của cả khu dân cư nơi đây: “Đất công thì để lấn chiếm bừa bãi. Quan chiếm rồi dân chiếm. Còn đất dân đã sử dụng ổn định vài chục năm nay thì lại quyết định thu giữ làm đất công”.

 

Tuy nhiên, theo ông Ngô Mạnh Cường, sở dĩ việc quản lý đất đai còn nhiều khúc mắc như vậy một phần là do giá đất đai có nhiều biến động vào thời điểm xã chuyển thành phường (từ 2003 đến nay) làm cho tình trạng lấn chiếm đất đai trở nên nóng bỏng. Người dân dùng nhiều cách thức, thậm chí dùng cả điện thoại di động đđiều khiển việc lấn chiếm vào đêm. Điện thoại di động trở thành phương tiện loan báo hữu hiệu khi lực lượng bảo về của phường, xã phát hiện, xuống lập biên bản...

 

Nguyễn Hiền - Phương Thảo