1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

20 ngày kiểm tra thi hành Luật Đất đai:

Nhiều “kỷ lục” được xác lập!

(Dân trí) - Kỷ lục đáng lưu tâm nhất vẫn là những ý kiến, đơn thư khiếu kiện của người dân. Cho đến thời điểm này, 42 tỉnh, thành phố đã được tiến hành kiểm tra và không một nơi nào là không có sai phạm.

Báo cáo nào cũng hay

 

Ở những nơi đoàn kiểm tra đi qua, địa phương nào cũng có bản báo cáo thành tích tốt trong việc triển khai thực hiện Luật Đất đai (LĐĐ). UBND huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) báo cáo: Đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 97%; giải quyết tốt đơn khiếu kiện, 1 năm chỉ có 24 đơn khiếu kiện và đã giải quyết được hầu hết, chỉ còn tồn đọng 3 đơn; người dân bị “giải tỏa trắng” trong các dự án triển khai tại huyện đều đã được tái bố trí hoặc nhận tiền đi thuê nhà… Nhưng chỉ riêng huyện này đã có trên 200 người tìm đến đoàn gửi đơn kiện.

 

Những kỷ lục của các đoàn kiểm tra

 

An Giang: “tồn kho” 40.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Phú Yên: 13.325 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng chưa được giao cho dân.

 

Đồng Nai: 879 đơn khiếu kiện, hồ sơ gửi tới đoàn kiểm tra số 1.

 

Khánh Hòa: Đơn khiếu kiện của dân gửi tới đoàn dày hơn…1m.

 

Bà Rịa-Vũng Tàu: tồn đọng ở tỉnh gần 1.700 đơn khiếu kiện của dân.

 

Nghệ An: Đoàn kiểm tra phải tăng thêm 3 ngày làm việc.

 

Thanh Hóa: 102 cán bộ địa chính cấp xã chưa qua đào tạo.

 

Lạng Sơn: Bộ Trưởng Mai Ái Trực tiếp dân khiếu kiện hơn 5 giờ.

Cũng theo phản ánh của dân, có những dự án triển khai từ năm 2001, đến tháng 4/2005 mới chi trả tiền cho dân đi thuê nhà do bị giải tỏa (?). Còn báo cáo của UBND thành phố Vũng Tàu thì khẳng định, khi triển khai bất cứ dự án nào cũng họp công khai với dân, sau khi áp giá đền bù xong đưa cho dân xem lại; trong giải quyết khiếu nại cán bộ không bao giờ nạt nộ dân… nhưng địa phương này có ngày hơn 500 người dân tìm đoàn đưa đơn kiện.

 

Tại Lạng Sơn, lãnh đạo tỉnh báo cáo sẽ hoàn thành cấp sổ đỏ trong năm 2005. Tỉnh không còn tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không còn cơ quan nhà nước chia chác đất cho cán bộ nhân viên… ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị Bộ TNMT có “bằng khen đột xuất” cho tỉnh về những thành tích trong việc thực hiện LĐĐ. Thực tế có gần 400 người dân Lạng Sơn mang đơn đến đoàn để khiếu nại tố cáo địa phương làm sai luật, gây thiệt hại cho người dân.

 

Nói về những bản báo cáo nêu trên, có vị trưởng đoàn kiểm tra phải lên tiếng: “Địa phương nào cũng báo cáo tốt, tại sao vẫn có dân gặp đoàn để khiếu kiện”. Còn ông Nguyễn Khải, trưởng đoàn kiểm tra số I đưa ra nhận xét: “Nếu địa phương nào cũng không chịu chỉ ra chỗ thiếu sót của mình thì rất khó để đoàn kiểm tra cùng tháo gỡ. Dân còn kiện hoài”.

 

Dân bất bình “bao vây” đoàn kiểm tra

 

Theo lãnh đạo của Bộ TNMT, mục đích của các đoàn kiểm tra là xem xét giúp các địa phương chấn chỉnh việc thi hành LĐĐ. Nhưng đến đâu các đoàn cũng gặp cảnh người dân kỳ vọng giúp giải quyết những điều oan ức về đất đai.

 

Số liệu đơn thư dân khiếu kiện, tố cáo chuyển đến các đòan hiện chưa thống kê được cụ thể, nhưng chắc chắn không nhỏ, bởi những nơi có đoàn đến làm việc, số lượng người kéo đến khiếu kiện rất đông: Quảng Ninh: hơn 200 người, Sóc Trăng 400; Lạng Sơn: gần 400; Long An: 200; Bà Rịa Vũng Tàu: 500…

 

Vấn đề bức xúc của người dân chủ yếu là chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Nổi cộm là việc áp giá bồi thường cho dân không thỏa đáng, không công khai minh bạch quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất; Thu hồi đất dân mất chỗ ở nhưng chính quyền địa phương chưa bố trí tái định cư cho dân, chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân bị thu hồi đất chưa được giải quyết thỏa đáng.

 

Điển hình như dự án tái định cư ở xã Mai Pha (Lạng Sơn) chính quyền thu hồi đất của cả 100 hộ dân để làm khu tái định cư cho các dự án khác, nhưng lại không hề có phương án tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất. Nhiều địa phương mặc dù chưa giải quyết thấu tình đạt lý việc thu hồi đất của dân đã nóng vội sử dụng biện pháp cưỡng chế, đe dọa… để giải tỏa lấy đất, gây bất bình.

 

Nguyễn Hiền