Gặp cựu binh tham gia cắm cờ trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu ngụy quyền
(Dân trí) - Đã 45 năm trôi qua, thế nhưng giây phút được cùng đồng đội mang lá cờ lên để cắm trên nóc Bộ tổng tham mưu ngụy quyền vẫn còn khắc ghi trong trái tim người cựu binh Trần Đình Ất.
Cựu binh Trần Đình Ất (SN 1950, xã Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), nguyên là Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 148, Sư đoàn 320B. Dù nhận được giấy báo đi học đại học Hải Phòng thế nhưng nghe lời kêu gọi của Tổ quốc, ông đã gác bút lên đường đi chiến đấu. Tháng 2/1968, cựu binh Trần Đình Ất lên đường nhập ngũ.
Ký ức 81 ngày đêm bảo vệ từng tấc đất Thành Cổ
Trò chuyện với chúng tôi, ký ức hào hùng về những trận chiến đấu, những tên đất, những đồng đội “vào sinh ra tử” bỗng ùa về trong người lính Trần Đình Ất.
“Bây giờ, chúng tôi gặp nhau là chỉ có khóc thôi, vui sướng và hạnh phúc lắm. Tôi vẫn nói với vợ con, không biết vì sao bao nhiêu năm đánh nhau như thế, bao nhiêu năm dưới mưa bom, bão đạn, 2 lần bị thương tưởng chết mà bố vẫn không chết được” – người lính Trần Đình Ất cười hào sảng.
Lên đường nhập ngũ, cựu binh Trần Đình Ất được huấn luyện tại huyện Ngọc Lặc 3 tháng, sau đó được đi học. Đến tháng 3/1970, ông được bổ sung vào Trung đoàn 46, Quân khu 3, chiến trường B5 Quảng Trị. Sau đó thì sang Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 148, Sư đoàn 320B giữ chức chính trị viên.
Nhiệm vụ của đơn vị ông là mở đầu cuộc chiến đấu lịch sử trên chiến trường Quảng Trị đánh chiếm Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quất Xá, Cam Lộ, sân bay Ái Tử… Tiếp đó, Đại đội 5 được cấp trên giao chốt giữ ngã 3 Long Hưng – đây là một địa bàn đánh phá ác liệt nhất của thị xã Quảng Trị.
Ông kể, nằm án ngữ trên trục đường số 1, phía Đông Nam, địch tập trung hỏa lực mạnh nhất, lực lượng tinh nhuệ nhất, có xe tăng, xe bọc thép chi viện, liên tục ngày đêm mở các cuộc tấn công đánh chiếm ngã ba Long Hưng. Ta có khẩu hiệu “Còn người còn trận địa, còn tiến công”; “Quyết không có địch bước qua ngã ba Long Hưng”.
Trong 7 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt, gian khổ, đại đội đã đánh gần 100 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 2 đại đội tiểu đoàn dù số 11, lữ đoàn dù số 2, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội, bắn cháy, hỏng 5 xe tăng bọc thép, bảo vệ được địa bàn quan trọng, giữ vững Thành Cổ trong thời điểm lịch sử quan trọng.
Bị thất bại nặng nề, địch ngoan cố, dùng tối đa các loại hỏa lực hiện đại, 2 sư đoàn dù và thủy quân lục chiến ngày đêm điên cuồng đánh phá hòng tái chiếm lại Thành Cổ, tuy nhiên các chiến sĩ của Đại đội 5 vẫn dũng cảm chiến đấu giành thắng lợi ở Tri Bưu, Hành Hoa, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội của địch, tiêu diệt 200 tên, diệt gọn đội xe tăng.
Sau mũi tấn công này, đơn vị ông Ất lại tiếp tục chuyển hướng tấn công và tập kích ở Long Quang, Linh An, đồi cây Ba Chạc thuộc xã Triệu Trạch, Triệu Phong diệt 100 tên, bắn cháy 5 xe tăng, đánh thiệt hại nặng 2 đội thuộc Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 47, Sư đoàn thủy quân lục chiến, đập tan cuộc hành quân Sóng Thần 5 của chúng, giữ vững vùng đất giải phóng.
Trong đợt tấn công, giành giật từng tấc đất ở Thành Cổ, chính trị viên Trần Đình Ất có hai lần bị thương nặng, giấy báo tử cũng đã được gửi về quê.
Ông kể: “Trận đánh vào sân bay Ái Tử, ta hy sinh hơn 20 người, bị thương gần 30 người. Lúc này, người khỏe cõng người bị thương, người chết. Họ kéo tôi đến khe nước thì có lẽ anh em kiệt sức cũng chết, mình bị bỏ nằm lại dưới đó 3 ngày. Bị một mảnh đạn xuyên qua đầu, 2 vết đạn xuyên qua mông và chân trái, máu chảy nhiều lắm. Sau này tỉnh lại mới nghe kể có đoàn bộ đội, thanh niên xung phong, họ đi kiểm tra thấy mình nằm dưới khe nước thì đưa về trạm ở Cam Lộ, được truyền máu, cứu chữa và thoát chết. Lần đó, đơn vị tưởng mình đã hy sinh rồi nên đã gửi giấy báo tử về cho gia đình”.
Cắm cờ lên nóc nhà bộ tổng tham mưu ngụy quyền
Sau một thời gian được trở về hậu phương miền Bắc củng cố, xây dựng lực lượng huấn luyện và nhận nhiệm vụ mới, ngày 2/4/1975 đội hình toàn Trung đoàn nhận lệnh hành quân thần tốc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đến ngày 12/4/1975 đơn vị của ông đã có mặt tại Đồng Xoài- Phước Long, sau đó được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm và cắm cờ lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn - đây là nhiệm vụ cốt lõi và vô cùng quan trọng.
Cựu chiến binh Trần Đình Ất nhớ rất rõ buổi sáng lịch sử, ngày 30/04/1975: Đại đội 5 dẫn đầu dùng hỏa lực hai bên hướng vào mục tiêu đã xác định. Sau đó, vượt qua cổng chính và sân Bộ tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Giữa làn mưa bom bão đạn, với tinh thần thần tốc, táo bạo, chính trị viên Trần Đình Ất và Tổ trưởng Lại Đức Lưu đi hai bên bảo vệ lá cờ, 3 đồng chí còn lại đưa cờ lên vị trí cao nhất trên Bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.
“Bác hạ lệnh cho B40, B41 đi theo phòng khi địch bắn vào tổ cắm cờ tiêu diệt anh em. Lúc đầu hồi hộp nhưng sau rất là sung sức. Lá cờ rộng 3,4m, dài 4,8m, 5 anh em đưa cờ lên lên. Sau đó, 3 đồng chí làm thủ tục cắm cờ, trong đó 2 đồng chí kéo lá cờ, còn 1 đồng chí cầm cán. Cắm xong, cờ bay cao trên nóc Bộ tổng tham mưu, anh em vui sướng quá, không dám tin vào sự thật, cứ thế ôm nhau khóc. Lúc đó là 9h10 phút ngày 30/4/1975” – cựu binh Trần Đình Ất tâm sự.
Sau giải phóng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cựu binh Trần Đình Ất trở về, sống cuộc sống bình dị bên người bạn đời suốt bao năm đằng đẵng chờ đợi.
Gần nửa thế kỷ sống trong hòa bình, người cựu binh ấy đến giờ vẫn luôn đau đáu hướng về những đồng đội - những người đã cùng ông làm nên chiến thắng lịch sử 30/04/1975 - nhưng đã phải nằm lại đâu đó trên chiến trường.
Bình Minh