Má Tám kể chuyện đêm khóc thương chồng con hy sinh, ngày đi chiến đấu
(Dân trí) - “Chồng và con hy sinh ai mà không khóc, không buồn. Nhưng khóc cũng không làm cho người thân của mình sống lại được, còn quân thù thì vẫn còn đó. Chỉ có cách là phải đứng lên đánh đuổi chúng...”.
Thời kỳ chiến tranh, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) là một trong những địa bàn ác liệt. Toàn huyện có 69 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó Má Tám có chồng và 2 con hy sinh thời kháng chiến chống Mỹ.
Ông Mạch Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, cho biết má Dương Thị Tám (còn gọi thân mật là má Tám, SN 1919, ngụ ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú) là người đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Người dân ở đất Long Hưng rất tự hào về má.
Chúng tôi có lần được về Long Hưng, ghé thăm trò chuyện với má Tám. Nghe nhắc tới chuyện thời kỳ chiến tranh, giọng má sôi nổi hẳn. Má kể: “Hồi đó cực lắm con ơi, toàn sống ngoài rừng không hà. Muỗi mòng, đỉa vắt nhiều vô kể nhưng ai cũng nhiệt tình tham gia chiến đấu với mong muốn quê hương sớm được giải phóng để yên ổn làm ăn sinh sống. Vậy mà cũng phải mấy chục năm mới toại nguyện ước mơ”.
Theo lời kể của má Tám, má và chồng là ông Phạm Văn Minh có 7 người con (5 trai, 2 gái) thì đã có 6 người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, 8 người là đảng viên. Má tham gia hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng nhiều nhất vẫn là thời kỳ chống Mỹ.
Những năm 1959, khi Mỹ - Diệm ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam cùng với nhiều chính sách tàn bạo, má Tám mới bước sang tuổi 40, chồng và 2 con trai lớn đã tham gia cách mạng. Một nách nuôi 4 con nhỏ, má Tám vừa làm tròn trách nhiệm của một người vợ đảm đang, vừa làm tròn trách nhiệm của người mẹ hiền để chồng con yên tâm công tác. Đồng thời, má cũng trực tiếp tham gia hoạt động bằng các việc làm thiết thực như tiếp tế lương thực cho bộ đội, du kích, mua tim (bấc) đèn, dây điện cho du kích đánh mìn, nuôi giấu cán bộ trong nhà,…
Nhiều người dân ở Long Hưng vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện má Tám giấu cán bộ trong nhà ngay trước mắt kẻ thù mà chúng không hề biết. Chuyện rằng, một lần giặc kéo quân đi lùng sục cộng sản, trước nguy cơ bị giặc bắt, một người cán bộ của ta đã chạy thẳng vào nhà má Tám trước khi giặc kéo tới. Trước tình thế đó, má Tám đã nói với đám giặc người đàn ông này là chồng của má nên lũ giặc tưởng thật, bỏ đi. Sau lần đó, má Tám đã nuôi người cán bộ đó trong nhà cho đến khi người này hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó mới rời nhà má về đơn vị.
“Nhà của má ở ngay vị trí giao liên giữa ta và giặc. Vì thế má luôn dò la tin tức lũ giặc để kịp thời báo cho đằng mình để tránh đụng độ với chúng. Bữa nào có giặc đi ruồng, nếu là vào ban ngày thì má lấy vải đỏ phơi trước nhà làm ám hiệu cho cán bộ đằng mình biết, còn vào ban đêm Má lại đốt đèn làm ám hiệu”, má Tám kể lại.
Nhưng rồi, từ năm 1968 đến năm 1971, má Tám đứt từng khúc ruột khi nhận được tin chồng và con hy sinh trên chiến trường. Đầu tiên là con trai Phạm Văn Kiển vào năm 1968, đến nay hài cốt anh vẫn chưa tìm thấy. Cùng năm đó, người con gái Phạm Thị Hường đang công tác trong ngành tuyên huấn bị địch bắt, tuyên 2 năm tù. Sau đó, lại tới lượt má bị kẻ thù bắt vì tham gia hoạt động cho “cộng sản”, bị giam trong các nhà lao của giặc ở Cần Thơ, Sóc Trăng…
Má kể: “Lúc bắt được má, ban đầu chúng dùng chiêu ngon ngọt dụ dỗ má khai ra tổ chức của ta nhưng má không bị mắc bẫy chúng. Ngọt không được, chúng quay sang dùng biện pháp mạnh. Thằng chỉ huy của chúng tức tối chỉ thẳng vào mặt má hỏi bằng giọng xấc xược: “Chồng và con mày ở đâu ? Chỉ huy của mày là ai ? Ai xúi mày đi làm cộng sản?”. Má không khai thì chúng dùng điện chích vào mười đầu ngón tay, đổ nước xà bông (xà phòng) vào miệng, vào họng,.. rồi chúng quay sang đánh đập khiến má ngất đi, tỉnh lại rất nhiều lần. Nhưng tất cả những đòn roi bạo tàn đó không làm má lung lay tinh thần. Cuối cùng, sau nửa năm giam giữ, dùng nhiều chiêu độc vẫn không khuất phục được má nên chúng đành phải thả má về nhà”.
Năm 1971, cùng lúc má Tám nhận được tin chồng là ông Phạm Văn Minh và người con trai Phạm Văn Hùng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương Mỹ Tú. Chồng con hy sinh, má Tám đứt từng khúc ruột. Đêm đêm má lại giấu mọi người ngồi trong bóng tối khóc thầm, thương chồng, nhớ con, nhưng sáng ra lại tiếp tục tham gia công tác như chưa hề có chuyện gì.
Má nói: “Chồng và con hy sinh ai mà không khóc, không buồn. Nhưng khóc cũng không làm cho người thân của mình sống lại được, còn quân thù thì vẫn còn đó. Chỉ có cách là phải đứng lên đánh đuổi chúng để giành độc lập tự do cho đồng bào, cho quê hương. Chỉ có như vậy chồng con mình ở nơi chín suối cũng yên lòng”.
Khi biết chồng và con má hy sinh, lũ giặc đóng ở địa phương luôn tìm cách đánh đập má. Nén nỗi đau riêng, má tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động phục vụ cho cách mạng, cho kháng chiến. Năm 1972, má Tám được kết nạp vào Đảng.
Sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, má Tám vẫn tiếp tục tham gia hoạt động ở Hội phụ nữ xã Long Hưng cho đến lúc nghỉ hưu ở tuổi 70.
Với những đóng góp, hy sinh to lớn cho cách mạng, cho đất nước, má Dương Thị Tám đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương kháng chiến, Huy hiệu 45 tuổi Đảng cùng nhiều huy chương, huy hiệu khác và danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994.
Dịp Tết Nguyên đán 2020, chúng tôi trở vào Mỹ Tú hỏi thăm thì được biết má Tám anh hùng đã mất. Nghe thông tin, tôi cảm thấy bùi ngùi xúc động…
Cao Xuân Lương