Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt ra sao?
(Dân trí) - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự báo sẽ đem lại khối lượng công việc khổng lồ. Đại biểu Quốc hội cho rằng đây là cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn
Về quy mô đầu tư, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tuyến đường này vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Chính phủ đề xuất cơ chế Thủ tướng quyết định danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án được giao, đặt hàng với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ được quyết định các sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án mà trong nước có thể sản xuất được; chủ đầu tư, tổng thầu ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam.
Trao đổi về việc ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam tham gia song đơn vị này chưa có kinh nghiệm triển khai đường sắt tốc độ cao, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) liên hệ với việc nước ta chưa có công nghệ sản xuất ô tô, nhưng lại có một thương hiệu ô tô Việt không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Qua đây, ông Cường cho rằng doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn đầu tư để nhận chuyển giao công nghệ. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ chứ không đơn thuần chỉ bán sản phẩm.
Tiếp đó, một tập đoàn mạnh trong nước sẽ đứng ra đại diện để nhận chuyển giao, đầu tư, sản xuất công nghệ đó.
"Như vậy, chúng ta có được doanh nghiệp trụ cột, làm xương sống cho quá trình phát triển công nghiệp đường sắt và kéo các doanh nghiệp khác tham gia cùng chuỗi", ông Cường cho biết.
Đại biểu lấy ví dụ, trong sản xuất toa xe, một doanh nghiệp sản xuất ghế ngồi cũng có thể tham gia. Việt Nam có đủ các tập đoàn mạnh, đủ tiềm lực. Vì vậy, đại biểu cho rằng, một khi có thị trường, không lý do gì những tập đoàn trong nước không dám đứng ra.
Khơi thông điểm nghẽn liên quan chi phí logistics
Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao khá lớn. Dù vậy, đại biểu cho rằng khả năng thu xếp vốn cũng không phải quá khó khăn nếu nước ta có chiến lược đầu tư và thực sự chủ động.
Theo ông Cường, nhìn vào dư địa nợ công hiện nay, việc huy động vốn không phải dồn vào một lúc, mà trải ra trong suốt quá trình đầu tư. Như vậy, mỗi năm, bội chi ngân sách tăng thêm khoảng 1% cho đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phải tính đến những phương thức thu hút đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; huy động các tập đoàn, nhà đầu tư trong nước tham gia vào quá trình đầu tư để không tạo áp lực về ngân sách.
Cũng trao đổi xung quanh dự án này, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho biết, nhu cầu giao thông trên tuyến đường sắt tốc độ cao là nhu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Đường sắt tốc độ cao mang lại nhiều lợi ích về thời gian vận chuyển, giá cước, đặc biệt khơi thông được hệ thống logistics ở Việt Nam.
Ông Tuấn chỉ rõ thực tế hiện nay hàng hóa Việt Nam bị "nghẽn" bởi chi phí logistics rất cao. Và đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết được vấn đề này.
"Khi tuyến đường sắt đưa vào vận hành sẽ giải tỏa được áp lực cho vận tải hàng không, đường biển... Tôi cùng nhiều đại biểu đồng tình chủ trương của Trung ương, Chính phủ trong việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam", ông Tuấn cho hay.