DNews

Đồng Nai hỗ trợ thế nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành?

Phước Tuần

(Dân trí) - Trước những khó khăn, kiến nghị của người dân, UBND tỉnh Đồng Nai đã có những khắc phục, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn an tâm, ổn định cuộc sống.

Đồng Nai hỗ trợ thế nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành?

Trong năm học mới 2023-2024, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có thêm 1 trường mầm non đưa vào hoạt động, nâng số trường mầm non lên 2 trường, đáp ứng cho hơn 500 trẻ trong độ tuổi. Học sinh tiểu học, THCS dự kiến tháng 10 cũng sẽ về học tập tại ngay khu tái định cư.

Miễn giảm học phí, hỗ trợ chuyển đổi nghề

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết sân bay Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia. Chính vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định, dự án này còn có riêng một đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân trong vùng dự án có đất bị thu hồi.

Được triển khai từ năm 2018, cùng thời điểm thu hồi đất của dự án, nhưng qua hơn 4 năm thực hiện, đề án chuyển đổi nghề dành cho người dân vùng dự án sân bay Long Thành gần như đứng im. Để xây dựng sân bay Long Thành, có hơn 15.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi quá trình thu hồi đất. Trong số này, hơn 9.700 người ở độ tuổi lao động từ 15 đến 60.

Đồng Nai hỗ trợ thế nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành? - 1

Dự kiến cuối năm nay huyện Long Thành đưa vào sử dụng 10 phòng học THCS và 15 phòng học tiểu học giúp con em khu tái định cư không phải học xa (Ảnh: Hải Long).

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, cho biết tính đến nay, đề án chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án sân bay Long Thành chỉ có 121 người dân đăng ký học nghề lái xe (bằng B2). Trong số những người đã đăng ký, không có ai tham gia các khóa học. Các đề án học nghề khác như nấu ăn, đan lát cũng không nhận được đăng ký của người dân.  

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đề án chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án sân bay Long Thành còn gặp khó khăn khi quá trình thực hiện mất rất nhiều thời gian để rà soát các đối tượng thụ hưởng. Bởi cơ quan kiểm toán Nhà nước lưu ý việc thực hiện đề án này không được thực hiện trùng với chính sách hỗ trợ 2 lần trong gói đền bù giá đất cho người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Với nhiều khu công nghiệp huyện Long Thành đang hoạt động, người dân trong độ tuổi lao động có thể dễ dàng tìm được công việc mới tại các nhà máy. Tuy nhiên, với những người dân ngoài độ tuổi lao động, việc tìm kiếm việc làm mới là không đơn giản. Hiện nay hầu hết các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân tái định cư lại không đến được với những người ngoài độ tuổi lao động, những người vốn có ít cơ hội tìm việc làm mới.

Sự "lệch pha" trong chính sách chuyển đổi nghề, cộng với sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai đã dẫn đến tình trạng phần lớn người dân tái định cư vẫn đang phải loay hoay trong tìm việc làm.

"Học phí khóa lái xe 15-18 triệu đồng/người, song đề án quy định chỉ hỗ trợ 3 triệu đồng/người, thủ tục để được nhận hỗ trợ cũng phức tạp nên người dân không mặn mà tham gia", anh Bùi Văn Hòa, một người dân sinh sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho hay.

Đồng Nai hỗ trợ thế nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành? - 2

Ông Võ Văn Phi tại buổi làm việc giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án sân bay Long Thành cuối tháng 8 (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cùng với việc an cư thì đào tạo nghề cũng là nhiệm vụ rất quan trọng để người dân sau khi đã nhường đất triển khai các dự án sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đối với những người dân ngoài độ tuổi lao động, đối tượng ít có cơ hội tìm việc làm mới. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, nắm lại số lượng, đồng thời nghiên cứu các ngành nghề, chính sách phù hợp để tổ chức đào tạo, hỗ trợ người dân.

"Nhu cầu học nghề của người dân là rất lớn, trong đó có những người ngoài độ tuổi lao động. Đất đai tại các khu tái định cư không cho phép sản xuất nông nghiệp như trước đây thì có thể đào tạo cho người dân các ngành nghề thuộc loại hình nông nghiệp đô thị", ông Phi chia sẻ.

Ứng 105 tỷ đồng xây trường học

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành, cho biết theo quy hoạch khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sẽ xây 8 trường học, 2 tiểu học, 4 trường mầm non, 2 trường THCS.

Hiện đã xây xong 2 trường mầm non và bắt đầu đón học sinh vào học từ năm học mới. Dự kiến quý IV/2023, UBND huyện Long Thành sẽ đưa vào sử dụng 15 phòng học của trường tiểu học Suối Trầu với qui mô phục vụ việc dạy và học của 450 học sinh. Trường THCS Suối Trầu cũng sẽ đưa vào sử dụng 10 phòng học, đáp ứng đủ cho 210 học sinh. Bốn trường học còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2024, đảm bảo công tác giảng dạy cho học sinh năm học 2024-2025.

Ông Toàn cũng cho biết về chính sách miễn giảm học phí, UBND huyện Long Thành đã tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định miễn giảm học phí cho học sinh con em các hộ có đất di dời dự án sân bay Long Thành với thời gian được miễn giảm trong 3 năm học, bắt đầu năm học 2023-2024.

Đồng Nai hỗ trợ thế nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành? - 3

Công trình chợ trung tâm khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn dang dở sau khi nguồn vốn hết niên hạn giải ngân (Ảnh: Phước Tuần).

Chia sẻ về thực trạng hạ tầng khu tái định cư chưa hoàn thiện, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết UBND tỉnh giao Ban quản lý dự án hạ tầng tái định cư Đồng Nai làm chủ đầu tư các công trình thiết yếu xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Các công trình trường học, thiết yếu xã hội dừng thi công là do nguồn vốn đối ứng F/S của trung ương đã hết niên hạn giải ngân.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ứng 105 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng các công trình trường học phục vụ nhu cầu học tập của con em trong khu tái định cư. Hai công trình chợ trung tâm và nhà văn hóa sẽ được triển khai khi nguồn vốn từ trung ương được giải ngân. Năm học mới 2023-2024, các trường học xã Bình Sơn vẫn đảm bảo đủ lớp cho học sinh khu tái định cư. Các trường học xã Bình Sơn cách khu tái định cư khoảng 2km. Học sinh khu tái định cư được xe buýt đưa đón đến trường như năm học 2022-2023. 

Về thực trạng khó khăn khu dân cư chưa có điện và nước sạch, ông Tiếp giải thích trước đây dự án sân bay Long Thành có 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn. Do người dân nhường đất muốn được bố trí ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phát sinh thêm gần 2.000 lô phụ.

"Ở khu vực các lô phụ phát sinh, huyện tạm thời bố trí cho người dân vào xây dựng nhà ở trước, nhà nước thi công hạ tầng sau. Hiện có khoảng 100 hộ dân làm nhà tại khu vực chưa nối điện và hệ thống nước sạch. Chúng tôi đã chỉ đạo Điện lực Long Thành kiểm tra lại giá điện và có chính sách hỗ trợ người dân tại khu vực chưa có hạ tầng đầy đủ này", Chủ tịch UBND huyện Long Thành nói.

Còn ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, giải thích thêm vướng mắc lớn nhất của tỉnh Đồng Nai lúc này là thực hiện niên độ của dự án 2017-2021 nên ngân sách vẫn chưa giải ngân được. UBND tỉnh cùng các bộ ngành đã điều chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành cho phù hợp với tình hình thực tế.

Dự kiến hồ sơ F/S sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay để Đồng Nai có cơ sở giải ngân số tiền còn lại. Từ đó Đồng Nai sẽ đẩy nhanh xây dựng các công trình thiết yếu xã hội, hạ tầng khu tái định cư còn thiếu.

Đồng Nai hỗ trợ thế nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành? - 4

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hiện có hơn 1.500 hộ dân đến ở (Ảnh: Hải Long).

Theo ông Phi, tổng nguồn vốn để làm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính trong giai đoạn 2017-2021 gần 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Chính phủ mới giao cho Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng. Từ năm 2019 đến năm 2021, xảy ra đại dịch Covid-19, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ đo đạc, kiểm đếm, bồi thường, kể cả ảnh hưởng đến việc thi công khu hạ tầng tái định cư Lộc An - Bình Sơn cũng như các dự án thành phần khác.

Vì vậy đến hết năm 2021, Đồng Nai mới giải ngân được khoảng 18.000 tỷ trên nguồn vốn được phê duyệt. Đến năm 2022 thì niên độ dự án đã hết, tiền vẫn còn trong kho bạc nhưng theo quy định không thể giải ngân được. Thế nên từ năm 2021 đến nay tỉnh gặp khó khăn trong giải ngân để chi trả đền bù, cũng như xây dựng hạ tầng của các công trình tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm. 

Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040).

Dự kiến giai đoạn 1 sân bay Long Thành khai thác vào quý IV/2026.

Mời độc giả đọc những bài liên quan:

- Trường học còn ngổn ngang, hàng nghìn học sinh khu tái định cư đi học "ké"

- Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành

- Đìu hiu ở các dự án bất động sản đón đầu sân bay Long Thành

- Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa "lạc nghiệp"