1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đợi mỳ tôm giữa “Venice của Hà Nội”

(Dân trí) - Nước đen hôi thối, rác rưởi, phân trôi lềnh bềnh, muỗi mòng bay như sáo thổi. Đã 5 ngày, cả ngàn nhân khẩu khu dân cư số 7 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai đã phải “sống trong sợ hãi” bởi thiếu thốn và “bỗng dưng muốn khóc” vì chờ đợi.

“Chúng tôi xin lỗi vì đến muộn”

Lối vào khu dân cư số 7 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai bị phong toả bởi mênh mông là nước. Ở đây, đã nhiều ngày nay hàng trăm hộ dân sống lọt thỏm giữa khu vực ngập nước mênh mông với bao thứ chất thải: phân, rác, nước thải sinh hoạt… quyện lại thành một “xóm nước đen” khổng lồ quây chặt lấy nhà dân, len lỏi vào từng ngóc ngách, đến tận giường ngủ, vào từng bữa cơm thiếu thốn mỗi ngày.

13h ngày 4/11, chúng tôi lên bè xuôi theo dòng nước cao ngang người, len giữa những túi nilon trôi lềnh bềnh, đi vào những ngõ ngách sâu hút tầm mắt của phố Tân Mai. Càng sâu vào phía trong, nước càng dâng cao hơn. Dinh, người thợ xây đã mươi năm sống trên đất Hà Nội vừa đùn đẩy chiếc giường hơi vừa tặc lưỡi: “Vì các chú là nhà báo, đến kêu khổ cho dân nên tôi chỉ lấy 200 nghìn một giờ. Chứ bình thường một cuốc tôi đã lấy 50 nghìn rồi”…
 
Đợi mỳ tôm giữa “Venice của Hà Nội” - 1
Túi nilon quây chặt "xóm nước đen"

Tại căn nhà số 542 E2, anh Bùi Hồng Vinh đang cởi trần, mặc quần đùi ngồi thu lu trên căn gác xép, bên cạnh là lò than đang đỏ lửa - vật sáng duy nhất còn sót lại của căn nhà toen hoẻn 13m2, giữa mênh mông tối một màu nước đen. “Mọi người đi đâu hết rồi anh?”. “Vợ con đi tản cư hết rồi, ngập thế này, sống sao nổi”. “Vậy sao anh còn ở đây? Mấy hôm nay anh ăn gì?”. “Phải có người ở nhà coi nhà, sống qua ngày bằng mỳ gói trợ cấp của hàng xóm thôi. Ngày hai gói nhưng không có rau xanh. Mấy ngày nay tôi không nhận được sự quan tâm hay động viên nào của chính quyền phường nhà báo ạ”.

Một phụ nữ trung niên, hàng xóm của anh Vinh thấy nhóm người với lỉnh kỉnh máy ảnh, chạy vội ra phía ban công gọi mà như khóc: “Nhà báo ơi, sao đến muộn thế, chúng tôi đã kêu cứu 5 ngày nay sao không thấy ai đến cứu. Sống như thế này thì sống sao nổi. Nước bẩn lắm rồi, mọi người đi vệ sinh cứ cho vào túi nilon ném ra đường ngập nước (hèn gì, túi nilon trôi khắp các ngõ ngách khi chúng tôi vào đây - PV)”.
 
Đợi mỳ tôm giữa “Venice của Hà Nội” - 2
Venice Hà Nội là như thế này đây

Những bà con trong khu phố mà chúng tôi bắt gặp trên con đường nước, người tỏ ra mừng rỡ chào hỏi và mong báo chí lên tiếng kêu cứu. Nhưng cũng không ít người xa xả mắng vào mặt vì cái tội “dân kêu cứu mà nước rút “sắp hết” rồi mới chịu mò đến”…

Đến chiều qua, các căn nhà ở đây vẫn bị ngập sâu đến chừng 1,5m. Rác, đủ thứ rác trôi lềnh bềnh trong nhà, mọi đồ đạc đã phải kê lên cao. Cả nghìn người dân sống trong khu vực này muốn đi ra ngoài hoặc di chuyển từ nhà này qua nhà khác chỉ còn mỗi một cách là lội nước hoặc đi bè với giá cắt cổ: 50 nghìn/chuyến/người. Anh Hiếu vừa lụi cụi đẩy chiếc thuyền ghép đưa con đi bệnh viện vừa giơ bàn chân lên cho chúng tôi xem. Các kẽ chân đã tấy mủ lên sưng rộp nhưng hàng ngày, anh vẫn phải lội như thế. Đó là phương cách duy nhất để duy trì sự sống ở nơi đây.

Kinh hoàng!

Chuyện đi chợ ở khu phố này cũng “độc đáo” không đâu có. Hàng ngày luôn có một người đội mũ đi vào từng ngõ gọi tơi tới: “Rau muống 20 nghìn một mớ, thịt gà 150 nghìn đồng/cân. Ai mua thì ra lấy nhanh không hết!”.

Ông Đỗ Huy Vũ, chi hội phó chi hội người cao tuổi tổ 35 vừa nhác thấy chúng tôi đã xắn quần lội ra tận nơi chúng tôi hạ thuyền, chỉ vào ngõ phía trong: nhà trong này có cụ Lê Thị Kim Tính vừa mất. Cụ ốm, nhà cụ chỉ có 1 tầng nên con cháu phải kê giường lên cho cụ nằm. Đêm hôm trước, cụ cựa mình thế nào giường lại bị lật, cụ ngã xuống nước, sau đó thì mất. Con cháu phải cho lên cáng, khiêng tay đưa lên nhà tang lễ quàn lạnh”.
 
“Thuyền” chúng tôi bơi được vài mét, ông Vũ từ phía sau gọi lên như cầu cứu: “Tôi thấy người ở tổ nói người dân ở ngoài đã được cứu trợ mì tôm nhưng đến giờ khu chúng tôi ở vẫn không có lấy một gói. Các anh kêu cho chúng tôi được nhờ”.
 
Đợi mỳ tôm giữa “Venice của Hà Nội” - 3
Lối dẫn vào khu dân cư số 8
 
Theo chỉ dẫn của bà con trong khu phố, chúng tôi tìm đến hộ gia đình cụ Trần Long và cụ Lê Quang ở khu B11, cụm 8, Tân Mai. Đây là hai hộ gia đình chính sách, căn nhà đại gia đình các cụ đang sống là nhà tình nghĩa. Hai căn nhà lọt thỏm giữa dòng nước đen đặc, chiếc xe máy DreamII chỏng chơ bên ngoài đã lên gỉ.
 
Bà Trần Thị Xuyến, người nhà cụ Quang đứng trên mái nhà nói vọng xuống: “Ông cụ tôi đã 84 tuổi, thương binh ¾, được tặng nhà tình nghĩa từ năm 1997 ốm nằm nhà đã nhiều ngày nay, mọi thứ lương thực thực phẩm đều phải trông chờ vào hàng xóm. Sống thế này thì khổ quá”.
 
Ông Kiên, người “lính” của cụ Quang trước kia hàng ngày vẫn mang đồ ăn, rau sang cho thủ trưởng cũ nói giọng buồn buồn: “nhà tôi ở Thịnh Liệt, ngập thì có ngập nhưng ngập đến mức này thì khổ quá”.
 
Đợi mỳ tôm giữa “Venice của Hà Nội” - 4
Chiếc DreamII dựng phía trước nhà cụ Lê Quang

Con đường trở ra vẫn là một cảnh tượng đìu hiu như con đường hoang. Nước mênh mông, càng về chiều càng bốc lên một thứ mùi khủng khiếp. Chúng tôi vừa đi vừa trả lời những câu hỏi được “ném” ra từ hai bên đường: nước bao giờ rút hết, bao giờ chúng tôi được trợ cấp mỳ tôm?... Tối qua, 4/11, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên lạc bằng điện thoại với ông Nguyễn Thế Toàn - chủ tịch UBND phường Tân Mai nhưng máy đều báo không thể liên lạc.

Bài và ảnh: Phúc Hưng