1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không có chuyện đê Đan Phượng bị vỡ!

(Dân trí) - Trước tin đồn đê Đan Phượng bị vỡ, GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, Trần Xuân Việt cho biết: “Tôi và chủ tịch Nguyễn Thế Thảo vừa ở đó về và xin khẳng định: Không có chuyện đê Đan Phượng bị vỡ. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đê vẫn có phần diễn biến phức tạp”.

Ông Việt cho biết, tại huyện Đan Phượng đã xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng bờ hữu sông Hồng khu vực kè Liên Trì, xã Liên Trung đoạn từ K46+500 đến K47+980 sạt sâu thêm so với trước ngày 29/10 là 4,0m và kéo dài 40m. UBND xã Liên Trung đã ngăn cấm người qua lại, theo dõi thường xuyên diễn biến sạt lở, Sở NN&PTNT đã tiến hành khảo sát để triển khai xử lý ngay sau khi nước rút.

Tại huyện Từ Liêm: Ngày 1/11 phát hiện sự cố sụt đỉnh kè Thụy Phương tại K54 +150 - K54+170 đê hữu Hồng. Ban chỉ huy PCLB huyện và Hạt quản lý đê số 1 đã cho cắm biển và lập phương án xử lý. Tường bao quanh trạm bơm Hòe Thịnh bị đổ 20cm.

Huyện Đông Anh: Ngày 2/11 phát hiện sự cố lún sụt đỉnh và mái thượng lưu đê hữu Cà Lồ tại K7+800, kích thước dài 35m, sâu 35cm. Đến 18h cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB huyện và Hạt quản lý đê số 4 đã cho xử lý xong.

Quận Long Biên: Ngày 31/10 phát hiện sự cố sụt đỉnh và mái kè Gia Thượng tại 3 vị trí với kích thước dài 30m, rộng 8,0m, sâu 2,5m. Đêm 1/11, sạt lở bờ sông tại tổ 34, 35, 36 thôn Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy chiều dài sạt lở khoảng 170m, trong đó khu vực sạt lở nguy hiểm là 120m có độ chênh cao so với mực nước sông Đuống (+6.40m). Khu vực sạt lở đã ảnh hưởng đến 30 hộ dân, trong đó có 5 hộ dân có nhà đặc biệt nguy hiểm đã phải di dời ngay, 25 hộ dân có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, đã chỉ đạo phương án sơ tán theo mức độ nguy hiểm.

Trên tuyến đê tả và hữu sông Đáy có 9 điểm bị sạt lở. Bờ tả sông Mỹ Hà tràn dài 200m, sâu 0,3m, hiện địa phương đã xử lý chống tràn bằng bao tải đất. Tuyến đê tả Bùi, tả Tích có một số sụt sạt. Đê hữu Bùi đã tràn hầu hết tuyến theo phương án thiết kế.

Tuyến đê sông Nhuệ và Duy Tiên có tổng cộng 6000m đê bị tràn và một số vị trí bị sụt sạt (Châu Can, Bạch Hạ, Đại Xuyên... ) các địa phương đã và đang tập trung xử lý có kết quả bước đầu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn, lượng mưa tính đến 10h ngày 3/11 phổ biến từ 400mm đến 650 mm. Một số điểm lượng mưa rất lớn như Thanh Oai 965,8mm, Hà Đông 817,2mm, Chương Mỹ 713,0mm, Sơn Tây 703,3mm, Trâu Quỳ 965,5 mm, nội thành 545,1mm. Đây là trận mưa lớn nhất sau 35 năm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũ và sau 48 năm trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ.

Đến thời điểm này, mực nước trên các sông đã xuống nhưng vẫn còn nguy hiểm: Sông Tích là 8,28m; sông Bùi là 7,39m; sông Nhuệ tại Đồng Quan là 4,74m (tất cả đều trên mức báo động III) và sông Đáy là 6,3m (dưới mức báo động I là 0,5m).

Phúc Hưng