Đi kiện với khuôn ngực ứa máu

“Tôi muốn hiến một phần thân xác của mình cho xã hội sau khi chết đi để những người khác có thể sử dụng. Tiếc rằng giờ đây cơ thể tôi chẳng còn gì nguyên vẹn cả” - lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Hồng, một thành viên trong đoàn nạn nhân chất độc da cam VN, đã khiến những người bạn Mỹ lặng người...

Ngày 18/6, một lần nữa những nạn nhân da cam nhỏ bé người VN ra trước phiên tranh tụng. Họ đối mặt với những quan tòa của đất nước hùng mạnh nhất thế giới, với những ông chủ của các tập đoàn hóa chất giàu nhất thế giới.

 

Hành trình từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sang đến Mỹ là cả một nỗi gian nan và nỗ lực khôn cùng của bà Nguyễn Thị Hồng. Chân bà đỏ tấy, phù nề lên nhiều lần mỗi khi di chuyển. Đi đứng khó khăn, mỗi khi đi xa bà đều cần đến xe lăn cho bớt đau nhức. Người phụ nữ 61 tuổi này đang phải gánh chịu những nỗi đau đớn nhất cả về thể xác và tinh thần do chất độc da cam.

 

Bà Hồng gia nhập Mặt trận giải phóng miền Nam VN năm 1961, thời ác liệt của cuộc chiến tranh. Phục vụ quân y và may vá ở chiến trường miền Đông, bà bị phơi nhiễm lần đầu vào năm 1964 khi bị máy bay Mỹ rải hóa chất trực tiếp vào đầu. Khi đó, bà nhảy xuống suối với hi vọng dòng nước sẽ gột rửa sạch được thứ hóa chất kia. Tuy vậy điều đó thật vô ích.

 

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và bà Hồng tiếp tục dùng thực phẩm, nước uống bị nhiễm độc quanh mình mà không hề hay biết. Thứ chất độc quái ác đã ngấm vào người bà...

 

Bà Hồng lập gia đình năm 1968 và bị sẩy thai trong lần mang thai đầu. Sức khỏe không đảm bảo nữa, bà phải chuyển sang làm kế toán từ năm 1979-1984. Bà sinh được ba người con nhưng người nào cũng bị sinh non, trong đó một người bị bệnh tim bẩm sinh. Cả ba khi sinh ra đều thiếu cân, sức khỏe yếu, nuôi nấng khó khăn và thường xuyên đau ốm.

 

Đến khoảng năm 1984, sức khỏe yếu cộng với bệnh xơ gan nặng khiến bà Hồng buộc phải nghỉ hưu sớm. Sau những lần kiểm tra sức khỏe, người ta phát hiện bà đã bị nhiễm độc dioxin. Năm 1992, chân của bà bắt đầu bị sưng tấy... Giờ thì cơ thể bà phải chống chọi đủ chứng bệnh: tim, cao huyết áp, thiếu máu não, ung thư vú di căn xương, đau dạ dày, xơ gan, sỏi túi mật và bàng quang, giãn tĩnh mạch chi, lở loét chân và tay...

 

Năm năm trước, căn bệnh ung thư vú khiến bà Hồng phải cho cắt bỏ phần ngực trái. Những ngày này, vết thương tiếp tục rỉ máu và gây cho bà rất nhiều đau đớn. Thi thoảng bà lại phải ôm ngực để tránh cho máu tuôn trên đường đi không khỏi làm mọi người trong đoàn xót xa.

 

Vào phút chót của chuyến đi, bà đã định xin rút tên ra khỏi đoàn. Nhờ lời động viên của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, bà quyết tâm đi tiếp. Có lẽ bà hiểu mình giờ là đại diện cho hàng triệu nạn nhân khác cũng đang vật lộn với đau đớn, bệnh tật giống bà.

 

Trọng trách từ cộng đồng khiến bà quyết bước dù từng bước là từng nỗi đau thể xác. Trong một lần nói chuyện với chị Merle Ratner, một trong những người tổ chức cho chuyến đi này, bà Hồng tâm sự: “Tôi rất muốn hiến một phần thân xác của mình cho xã hội sau khi chết đi để những người khác có thể sử dụng. Tiếc rằng điều này chẳng làm nổi vì giờ đây cơ thể tôi chẳng còn gì nguyên vẹn cả”. Merle Ratner lặng đi một lúc rồi chia sẻ: “Không cần làm gì đâu, chị đã là người hùng trong lòng chúng tôi rồi”.

 

Bắt đầu các phiên điều trần

Đến 0h sáng nay 19/6 (giờ VN), phiên điều trần vụ kiện các công ty hóa chất của 16 cựu binh Hoa Kỳ đã diễn ra được hai giờ. Luận điểm của các công ty hóa chất Mỹ là chính phủ không biết về các chất độc da cam, trong khi các cựu binh Hoa Kỳ lại cho rằng chính phủ có biết điều này. Đây cũng là một luận điểm quan trọng mà luật sư bên nguyên của các nạn nhân VN sử dụng tại phiên điều trần vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam VN.

Phiên điều trần vụ kiện của các cựu binh diễn ra dưới sự điều hành của ban hội thẩm gồm ba chánh án. Ban hội thẩm này cũng chính là ban hội thẩm sẽ nghe điều trần của các luật sư trong vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam VN diễn ra lúc 13h ngày 18/6 (sáng sớm 19/6, theo giờ VN).

Thẩm phán Jack Weinstein từng bác bỏ vụ kiện của các cựu binh Mỹ này vào năm 2005 vì cho rằng các công ty hóa chất là nhà thầu của chính phủ nên được hưởng quyền miễn trừ của Chính phủ Mỹ. Phiên điều trần của các cựu binh có tính liên hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng đối với vụ kiện của các nạn nhân VN vì tính chất tương đối giống nhau và cùng kiện một đối tượng. Việc tòa chấp thuận hay bác bỏ đơn kiện của các cựu binh Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định của tòa đối với vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam VN. Vì thế vào sáng 18/6, tất cả luật sư của phía VN và phía các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã cùng đến tòa để dự phiên điều trần đầu này.

 

Theo Thanh Tuấn

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ