1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyến đi cuối cùng

Nỗi khắc khoải về <a href="http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2007/7/186779.vip">sự ra đi của anh Quý</a> ở Hải Phòng còn chưa nguôi ngoai, lại có thêm một nạn nhân chất độc da cam trút hơi thở cuối cùng. Chị Nguyễn Thị Hồng, thành viên nữ duy nhất trong 4 người vừa dự phiên tranh tụng tại tòa phúc thẩm Mỹ đã mất tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, lúc 10h45 sáng qua 20/7.

Mới chỉ một tuần trước, giọng chị vẫn còn ấm áp khi gọi tôi để hỏi chuyện anh Quý vừa mất. Kể từ sau chuyến đi Mỹ về, tôi và chị vẫn chưa có dịp gặp nhau. Khi còn ở Mỹ, chị vẫn hay nửa đùa nửa thật rằng: “Chị đã cắt lá lách, dạ dày rồi. Đợt tới về còn gì cắt được là chị sẽ cắt nốt cho nhẹ gánh. Nhẹ gánh rồi chị sẽ tiếp tục chiến đấu đòi công lý”.

 

Đi kiện với khuôn ngực ứa máu!

 

Năm 1961, khi mới 14 tuổi, chị đã gia nhập Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam giữa thời điểm ác liệt của cuộc chiến. Một cuộc phục kích đầu những năm 1970 đã lấy mất một bên cánh tay của chị, nhưng những đau đớn thể xác đó có lẽ không sánh nổi với nỗi đau do chất độc da cam, “sát thủ thầm lặng” gây ra cho chị suốt nhiều năm trời sau cuộc chiến. Lập gia đình năm 1968 nhưng chị bị sẩy thai ngay trong lần mang thai đầu. Ba người con sau này của chị ai cũng bị sinh non, trong đó một người bị bệnh tim bẩm sinh.

 

Cả ba khi sinh ra đều thiếu cân, sức khỏe yếu, nuôi nấng khó khăn và thường xuyên đau ốm. Đến năm 1984, sức khỏe yếu cộng với bệnh xơ gan nặng khiến chị phải nghỉ hưu sớm. Năm 1992, chân của chị bắt đầu bị sưng tấy... Giờ thì cơ thể chị phải chống chọi đủ chứng bệnh: tim, cao huyết áp, thiếu máu não, ung thư vú di căn xương, đau dạ dày, xơ gan, sỏi túi mật và bàng quang, giãn tĩnh mạch chi, lở loét chân và tay... Chị đã bị nhiễm độc dioxin.

 

Trong những ngày ở Mỹ, vết mổ phẫu thuật căn bệnh ung thư ở ngực của chị liên tục chảy máu khiến chị phải dùng bông băng để băng bó vết thương, cầm máu hằng ngày. Mọi người trong đoàn vẫn nhớ cảnh chị Hồng dáo dác đi tìm nơi mua bông gạc khi đoàn vừa đến New York vì máu ở ngực chị chảy ra nhiều quá.  Đau đớn là vậy nhưng chị vẫn luôn im lặng chịu đựng mà không phàn nàn điều gì. Có những bữa ăn với chị chỉ cần nắm gạo lức, nước sôi và chút ruốc là được rồi.

 

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chị cũng thể hiện sự lạc quan nhưng luôn mạnh mẽ rất riêng. Lần được gặp hai hạ nghị sĩ Mỹ ở quốc hội, câu chuyện của chị đã khiến các hạ nghị sĩ rất xúc động. Khi ra, chị đùa: “Chị thấy thương các ông nghị sĩ nên thôi, chứ chị nói vài câu nữa là lấy hết nước mắt của các ông rồi”. Với phong thái kiệm lời nhưng rất thuyết phục, những câu chuyện của chị luôn khiến rất nhiều khán giả xúc động.

 

“Chúng tôi sốc và giận dữ”

 

Trong lá thư đầy đau khổ viết từ New York, bà Merle Ratner thuộc Tổ chức Cuộc vận động vì trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân da cam (VAORRC) - người ở cùng phòng và giúp đỡ chị trong suốt thời gian ở Mỹ, hồi tưởng về “quyết tâm và nghị lực phi thường của chị Hồng dù phải chịu vô vàn đau đớn”.

 

Bà kể trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, “chị Hồng vẫn thể hiện sự thương cảm sẻ chia với những người Mỹ còn đấu tranh vì đói nghèo và bất công. Khi chúng tôi gặp những người vô gia cư, thất nghiệp trên đường phố ở New York, chị hỏi rằng làm sao mà ở đất nước giàu nhất thế giới này vẫn có những người vô gia cư như vậy và làm sao để có thể giúp được họ”. Merle Ratner kể nhớ mãi điều chị Hồng từng nói: “Tôi muốn cống hiến phần xác thịt của mình cho những người bệnh khác nhưng giờ thân thể tôi chẳng còn gì lành lặn cả”. Merle Ratner khi đó đã rất xúc động.

 

Từ nước Anh, Len Adis cho biết “rất sốc và giận dữ khi đọc tin người phụ nữ dũng cảm Nguyễn Thị Hồng đã mất.” Ông giải thích: “Tôi sốc vì cái chết của người phụ nữ đã chịu nỗi đau ghê gớm của chất độc da cam và tức giận bởi lại có thêm một nạn nhân chất độc da cam bị công lý chối từ do sự chối bỏ của Chính phủ Mỹ và các công ty đứng đầu bởi Monsanto, Dow Chemical khi họ không chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ gây ra cho những người VN này”. Ông nói: “Giờ đây khi chị đã yên nghỉ, chúng ta cần tiếp tục cuộc chiến mà chị đã chiến đấu bấy lâu nay - cuộc chiến vì công lý cho các nạn nhân da cam”.

 

Chuyến đi đòi công lý vừa qua đã trở thành chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của chị Hồng, anh Quý. Với những vết thương đau xé, nặng thêm theo từng bước chân, chúng tôi ý thức được cuộc hành trình nghiệt ngã ấy đã hút mất sức lực cuối cùng của những ngọn đèn leo lét. Chị Hồng, anh Quý đã hi sinh lần nữa - cho cuộc chiến đòi công lý của hàng triệu nạn nhân da cam.

 

Vĩnh biệt chị Hồng!

 

Lễ tang diễn ra tại văn phòng khu phố 6, phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Chị không có nhà riêng để đặt quan tài. Nhà chị đã bán từ khi đồng lương còm cõi của hai vợ chồng không đủ chữa chạy cho đủ loại bệnh: lá lách, gan, tụy đeo đẵng chị suốt hơn 20 năm. Nhiều năm nay, hai vợ chồng và cô con gái bị bệnh tim cứ dắt díu nhau thuê hết nhà trọ này đến nhà trọ khác. Căn nhà nhỏ ở đường Hưng Đạo Vương, phường Thanh Bình, TP Biên Hòa được thuê với giá 1 triệu đồng/tháng nhiều khi hai vợ chồng cũng không đủ tiền trả.

 

Vuốt mắt, đeo kính cho vợ lần cuối trước khi tẩn liệm, anh Đỗ Minh Trí bần thần nhớ: “Trước khi bà quyết định đi Mỹ tham gia vụ kiện, gia đình không cho đi vì sợ bà bỏ xác ở xứ người. Nhưng bà cương quyết: Đâu phải chỉ đấu tranh cho bản thân mình. Đâu phải chỉ đấu tranh cho đứa con gái của mình đang bệnh tật. Việt Nam còn hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam. Hãy cho tôi đi!”. Khi ấy, căn bệnh ung thư vú của chị đã di căn vào phổi, xương. Người phụ nữ ấy phải ngồi trên xe lăn. Vết mổ trên ngực cứ rỉ máu suốt. Nhiều đêm ngủ, máu ra ướt cả chăn gối.

 

Thế nhưng, vết thương ngoài cơ thể ấy không đau bằng nỗi đau của con người chứng kiến hàng triệu nỗi đau của đồng bào còn dai dẳng sau chiến tranh. Chị quyết lên đường! Ngày chuẩn bị đi, chị được đưa đến Bệnh viện Đồng Nai truyền máu. Ra đến Hà Nội, chị phải truyền máu lần nữa. Sang nước bạn, lại truyền máu...

 

Đỗ Thị Hồng Nhung, con chị, còn nhớ: “Từ Mỹ về, món quà quí giá nhất của mẹ là những hình ảnh, bài báo thông tin về vụ kiện và một túi bông gòn của một bác sĩ tặng để mẹ cầm máu. Mẹ vui lắm, kể rằng được rất nhiều người ủng hộ và còn được tham gia hội nghị chống chiến tranh với sự tham dự của đại biểu nhiều nước”.

 

Những ngày sau đó, sức chị xuống rất nhanh. Người luôn bị sốt 40-41 độ, không ăn uống nổi. Sau đợt xạ trị chị nằm mê mệt 3-4 ngày mới tỉnh. Tuy vậy, chồng chị nhớ tuần trước, chị gọi điện thoại cho mấy chú ở Hội Nạn nhân chất độc da cam. Chị nói với các chú: “Tháng mười một con sẽ đi tiếp tục. Con phải đòi công lý tới cùng!”. Thế nhưng, đó là một trong những cuộc điện thoại cuối cùng. Sáng qua, chị bị sốt mê man, sau đó tràn dịch màng phổi và người phụ nữ ấy đã không còn sức để đi trọn khao khát cháy bỏng của cuộc đời mình.

 

Theo Thanh Tuấn - Yến Trinh

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm