1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vĩnh biệt, một nỗi đau da cam!

18h28 ngày 7/7, chỉ một tuần sau khi kết thúc chuyến đi vận động cho các nạn nhân da cam, cũng như tham dự phiên điều trần tại tòa phúc thẩm ở TP New York (Mỹ), anh Nguyễn Văn Quý đã từ trần tại TP Hải Phòng.

Trước đó, trong suốt chuyến đi ở Mỹ, sức khỏe yếu của anh Quý luôn là một trong những điều trăn trở và lo âu của cả đoàn và những người tổ chức. Lịch trình căng thẳng thường bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến tối muộn ở Mỹ, nhiều hôm phải đi xe cả hơn chục giờ quả là thử thách quá lớn cho sức khỏe đã rất yếu của anh.

 

Do ảnh hưởng của chất độc da cam, anh bị ung thư dạ dày và đã bị di căn lên gan, tụy và phổi. Trước khi đi Mỹ, anh đã qua phẫu thuật cắt bỏ 3/4 dạ dày khiến khả năng ăn uống rất khó khăn. Một ngày thường anh phải ăn 6-7 bữa và mỗi bữa thường chỉ húp được lưng bát cháo nhỏ hoặc một vài thìa cơm. Bản thân anh đã sụt hơn 20kg kể từ khi mắc bệnh và giờ chỉ còn 37kg.

 

Theo lời người nhà anh Quý kể lại, một ngày sau khi từ Mỹ trở về anh vẫn còn mạnh khỏe. Tuy nhiên sau đó anh gầy đi rất nhanh. Thấy cơ thể anh suy nhược trầm trọng, rạng sáng 7/7, gia đình anh Quý đưa anh vào Bệnh viện Việt Tiệp để cấp cứu nhưng đến 18h28 thì anh đã trút hơi thở cuối cùng, để lại hai đứa con tật nguyền cho vợ.

 

Một nỗi đau da cam

 

Ông Trần Xuân Thu, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam VN (VAVA), cho biết hiện VAVA cũng đang làm đề xuất để công nhận liệt sĩ cho những người bị chết vì di chứng chất độc da cam.

 

Riêng trường hợp anh Quý, ông Thu cho biết đã hướng dẫn gia đình và Thành hội y Hải Phòng để làm các thủ tục. VAVA cũng sẽ làm công văn gửi thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng để tạo điều kiện giúp anh Quý.

Ở số 39 phố Cát Cụt, phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố cảng Hải Phòng, không ai là không biết và thương cảm cho gia cảnh của anh Nguyễn Văn Quý. Là lính kỹ thuật đường dây thông tin, trong những năm chiến tranh, anh Quý phục vụ tại các mặt trận ở Kontum, Quảng Nam... Trong những năm kháng chiến, đời sống khó khăn, những người lính như anh ăn tất cả từ sắn, rau dại, các loại cây cỏ, uống nước suối mà không hề hay biết thứ hóa chất quái ác kia có mặt trong các thức ăn nước uống đó.

 

Hòa bình lập lại, anh Quý về nhà lập gia đình. Đứa con đầu lòng mà cả gia tộc anh mong mỏi cuối cùng lại là một bào thai dị dạng. Người vợ đầu sợ hãi và đâm đơn ly dị anh năm 1986. Tới năm 1987, anh lại lập gia đình lần nữa nhưng cay đắng thay, cả hai người con sau của anh đều mang dị tật. Cháu trai đầu giờ đã 20 tuổi nhưng do dị tật cột sống không thể nâng đỡ cơ thể nên không đi lại được mà chỉ có lê, bò hoặc ngồi trên xe lăn. Đến bữa ăn giờ vẫn cần cha xúc cho. Cô con gái 18 tuổi thì bị câm, điếc từ nhỏ. Dù đã lớn nhưng cô bé bị thiểu năng trí tuệ và không thể làm được việc gì. Anh Quý luôn buồn rầu: “Sao nó càng lớn lại càng dại đi...”.

 

Người chiến sĩ trên tuyến đường Hồ Chí Minh năm nào (khu vực Tây Nguyên) chìm vào im lặng khi chúng tôi hỏi thăm chuyện gia đình. Anh xót xa: “Nhiều lúc khó khăn về kinh tế vẫn có thể vượt qua nổi, chứ tinh thần đôi khi nặng nề lắm...”. Là đồng hương, anh thỉnh thoảng vẫn tâm sự với tôi: “Lắm hôm đau quá, anh cứ leo lên gác mà rên chứ không dám ở dưới kêu, sợ vợ buồn...”.

 

Tôi nhớ lời nói của anh trong chuyến đi mà giờ ngẫm lại, chẳng khác nào lời trăng trối: anh mong được công nhận là liệt sĩ để vợ và hai con của anh được hưởng quyền lợi về chính sách vợ con liệt sĩ. Anh đã nói: “Đó là điều duy nhất tôi còn mong muốn, đó là nguyện vọng cuối cùng”.

 

“Chúng tôi rất nhớ”

 

Suốt chuyến đi, cho dù có khi đau đến nỗi phải ngồi xe lăn, nhưng mọi người trong đoàn vẫn luôn thấy tinh thần lạc quan của anh. Mỗi khi rảnh rỗi, trên mỗi chuyến xe mọi người trong đoàn lại được nghe những câu chuyện hài hước, những câu đùa vui của anh. Không ai nghe thấy bất cứ lời phàn nàn đau đớn nào của anh dù rằng căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối chắc chắn không để anh yên trong suốt 20 ngày hành trình trên khắp đất nước Mỹ.

 

Sự ra đi bất ngờ của anh vì vậy gây rất nhiều buồn đau và tiếc thương của những bạn bè quốc tế. Từ New York, David Cline, nguyên chủ tịch Hiệp hội Cựu binh vì hòa bình (VFP), đã khóc nức nở qua điện thoại khi nghe tin anh Quý mất. Trước đó, trong những ngày anh Quý ở New York và Washington DC, David Cline vẫn thường xuyên dìu, giúp đỡ anh Quý đi lại. Mọi người trong đoàn rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh này của những người lính từng đứng ở hai bên chiến tuyến đối lập nhau ngày nào.

 

Tại buổi gặp mặt hôm 16/6 ở trung tâm Martin Luther King tại New York, chính David Cline đã rút tấm huân chương Purple heart (trái tim tím) của Chính phủ Mỹ trao tặng mình để trao tặng lại anh Quý. David Cline sau đó giải thích rằng: “Tôi cảm thấy tình đồng chí với anh Quý, chúng tôi đều là những người lính. Tôi làm điều này để thể hiện sự tôn trọng với anh ấy”. David Cline khi đó còn nói thêm một câu khiến mọi người rất cảm động: “Tôi sẵn sàng cõng anh ấy đi khắp nước Mỹ”...

 

Sara Flounders, giám đốc Trung tâm Hành động quốc tế (IAC), bùi ngùi: “Dù sức khỏe rất yếu, anh Quý đã dùng hết tất cả sinh lực, năng lượng cuối cùng của mình để tới đây tham dự phiên điều trần. Điều đó thật đáng trân trọng”.

 

Từ New York, Merle Ratner (điều phối viên Cuộc vận động vì trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân da cam) đã thức cả đêm để viết lá thư với tiêu đề “Tin rất buồn”: “Rất nhiều người Mỹ vẫn nhớ đến hình ảnh của anh Quý trong suốt chuyến thăm của anh qua các nơi như New York, California, Midland, Chicago và Washington DC. Căn bệnh ung thư của anh Quý đã bước vào giai đoạn di căn khi anh tới Mỹ. Nhưng sự cống hiến, sự anh hùng và khát khao vì công lý của anh bất chấp những nỗi đau của căn bệnh vẫn hằng ngày giày xéo là một điều hết sức cảm động. Tôi rất nhớ anh Quý”.

 

“Cần hành động ngay”

 

* Cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vì công lý sẽ còn kéo dài, nhưng ngay giờ đây hành trình này tiếp tục có những tổn thất. Merle Ratner nói sự ra đi của anh Quý cho thấy chúng ta cần phải nỗ lực hành động hơn nữa để gánh vác khoảng trống mà anh để lại cho cuộc đấu tranh chung vì công lý này... Bà nói sẽ nỗ lực vận động hành lang để có thể có một dự luật được thông qua tại Quốc hội Mỹ về vấn đề này.

 

Susan Hammonds - giám đốc Chương trình hàn gắn hậu quả chiến tranh (WLP) - cũng đồng tình. Bà cho rằng với một vụ kiện có thể kéo dài rất nhiều năm, quan điểm của bà là cần có những biện pháp hỗ trợ nhân đạo ngay từ bây giờ để giúp đỡ các nạn nhân. Hàng trăm ngàn người VN vẫn phải vật lộn hằng ngày để chăm sóc những người thân tàn tật ốm yếu. Chính phủ Mỹ, các quĩ, các nguồn tư nhân cần có các biện pháp nhân đạo ngay lập tức chứ không cần phải chờ đến khi có quyết định của tòa án.

 

* Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệu - trợ lý chính sách của Ban chỉ huy quân sự quận Lê Chân, TP Hải Phòng, là người thường xuyên tiếp xúc thăm hỏi động viên anh Quý - cho biết hiện Ban chỉ huy quân sự quận đang có chính sách hỗ trợ gia đình anh Quý căn nhà tình nghĩa, đã được khởi công vào ngày 2/7, phấn đấu bàn giao công trình trước ngày 27/7.

 

Trước khi rời Mỹ, anh Quý có bày tỏ ý muốn mua xe lăn có động cơ cho con trai tật nguyền ở nhà. Hiện WLP và IAC cùng những người bạn Mỹ như Sara Flounders, Dick Hughes, George Carrano... đang tổ chức quyên góp để biến ý nguyện đó của anh thành hiện thực.

 

Theo Thanh Tuấn

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm