1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Dân không báo nên tôi không biết em Bình bị hành hạ”

Chiều 8/11, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khu dân cư không báo cáo, do đó, không biết vụ em Bình để chỉ đạo xử lý. Còn Bí thư Nguyễn Thị Huyền Mùi thì luôn miệng tự hào về hệ thống chính trị vững chắc của phường.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính: “Trách nhiệm của tôi là chỉ đạo chưa sát sao”.

 

Khi biết tin, phường đã có cuộc họp nhanh, giao công an và tổ dân phố kiểm tra, xem xét vụ việc. Trách nhiệm của tôi là phụ trách chung toàn phường. Nhân dân không tố giác, cán bộ cơ sở không làm nên phường không biết mà chỉ đạo xử lý. Nếu người dân hoặc cán bộ khu dân cư báo cáo sự việc mà tôi không làm thì tôi sẽ từ chức. Trong sự việc này, trách nhiệm của tôi là chỉ đạo chưa sát sao địa bàn quản lý.

 

Chúng tôi cũng đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân: tổ trưởng dân phố, chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số, công an khu vực... Sau đó, sẽ xem xét hình thức kỷ luật, có thể là khiển trách, cảnh cáo hoặc cho nghỉ việc.

 

Công an phường cho biết, em Bình có được đăng ký tạm trú tạm vắng. Việc bà Bình dũng cảm tố cáo rất đáng trân trọng. Chúng tôi đã báo cáo quận và sắp tới sẽ có khen thưởng để biểu dương.

 

Bà Nguyễn Thị Huyền Mùi, Bí thư Đảng ủy phường Nhân Chính: “Sự việc này xảy ra chúng tôi thật sự tiếc”.

 

Tôi tự hào rằng phường Nhân Chính có hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư rất chặt chẽ. Các bí thư chi bộ ở dưới phải phản ánh tình hình để tập hợp lên văn phòng Đảng ủy, sau đó họp thường vụ ban chấp hành rồi quay trở lại giao ban bí thư để chỉ đạo hàng tháng. Như thế có nghĩa là chúng tôi nắm tình hình rất chắc, dưới phản ánh lên rất chi tiết cụ thể.

 

Tuy nhiên, khi sự việc này xảy ra chúng tôi thật sự tiếc, hằng tháng phường đều họp tất cả các hội đoàn thể từ thanh niên, phụ nữ, chữ thập đỏ, tổ trưởng, tổ phó dân phố... để họ phản ánh. Khi biết sự việc này qua báo đài, chúng tôi đã liên hệ với Bí thư chi bộ để nắm tình hình.

 

Vẫn biết là em Bình ở đó nhưng do gia đình anh Đức Phương đi từ sáng đến tối nên tiếp cận của tổ dân phố cũng chỉ có chừng mực. Qua sự việc này, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm là những hộ gia đình nào dù khó tiếp cận thì cũng phải tìm cách gặp bằng được. Để xảy ra việc này chúng tôi cũng có trách nhiệm. Mặc dù chúng tôi đã thực hiện hết trách nhiệm của mình nhưng việc này không được phát hiện.

 

Bà Vũ Thị Phấn, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Nhân Chính: “Không thể đổ trách nhiệm cho ai”.

 

Ngay trưa nay, chúng tôi đã họp chi hội trưởng phụ nữ để xác định trách nhiệm, kiểm điểm. Không thể đổ trách nhiệm cho ai cả, đây là trách nhiệm của mỗi chúng ta, của các cấp các ngành. Với trách nhiệm Chủ tịch Hội phụ nữ phường, để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tôi thấy rõ ràng mình có trách nhiệm.

 

Ngày 6/11, nghe tin về việc em Bình bị hành hạ dã man, tôi đã gọi điện cho Phó chủ tịch Hội phụ nữ, yêu cầu về cụm Tó, phường Nhân Chính nắm tình hình. Tuy nhiên, gia đình anh Đức Phương sống tách biệt như thế thì chúng tôi cũng không biết. Ngay anh Lý, quận ủy viên quận ủy Hai Bà Trưng nằm sát nhà chủ quán phở cũng không biết gì về sự việc.

 

Trưa nay, chủ tịch phường cũng đã tổ chức cuộc họp kéo dài đến hơn 12h trưa để nói về vấn đề này. Do vậy, chúng tôi cũng không vô cảm như báo chí nói. Tôi thấy, tổ trưởng tổ dân phố số 3, chi hội trưởng chi hội phụ nữ cụm Tó cũng như bản thân tôi chưa làm tròn trách nhiệm.

 

Ông Đặng Đức Chính, tổ trưởng tổ dân phố số 3, cụm Tó, phường Nhân Chính: “Gia đình chủ quán phở sống quá tách biệt”.

 

Ngày 6/11, khi công an đến điều tra tôi mới biết, còn việc cháu Bình bị đánh đập cả tổ không ai biết. Ngay cả hai hàng xóm sát nách nhà anh Đức Phương, một người là công an phường Thượng Đình, người kia làm ở quận ủy Hai Bà Trưng cũng không hề biết.

 

Cách đây 1 năm, tôi có gặp Bình, thấy mặt cháu bị sưng, tôi có hỏi nhưng Bình bảo bị ngã cầu thang nên tôi đinh ninh là vậy. Nếu trực tiếp chứng kiến hoặc biết mà không báo cáo tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ tôi đã làm tròn trách nhiệm của một tổ trưởng tổ dân phố.

 

Gia đình anh Đức chị Phương sống rất tách biệt, không bao giờ họp tổ dân phố, cũng không tham gia một tổ chức đoàn thể nào. Từ khi tôi làm tổ trưởng dân phố đến nay, gia đình này chưa bao giờ nộp thuế đất, tiền an ninh...

 

Cách đây hơn 1 tuần, khi đi điều tra dân số trên địa bàn tổ, tôi không thấy vợ chồng Đức, Phương khai báo về cháu Bình. Do vậy, trong hộ khẩu, nhà này chỉ có 3 người ở tại số nhà 24. Nhiều năm nay cháu Bình không được đăng ký tạm trú tạm vắng.

 

Nguyễn Hữu Thuần, nhà giáo về hưu, tổ trưởng tổ dân phố khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính: “Tôi muốn quy trách nhiệm cho cấp trên”.

 

Đây là sự việc “bất ngờ”, quy trách nhiệm xuống dưới cũng được nhưng giờ tôi muốn quy trách nhiệm cho cấp trên. Nếu nhà nước có lệnh tất cả trẻ em dù là người làm thuê cũng phải được đi học thì tình hình đã khác. Nuôi trẻ con cũng phải cho đi học, tối thiểu là xong tiểu học.

 

Nếu được quan hệ với bạn bè, thày cô, người dân... trẻ sẽ nói thật. Nếu các em đã không biết gì lại còn bị dọa nếu nói sẽ bị đánh thì chắc chắn sẽ sợ không dám nói. Nếu ai đó nói rằng tổ dân phố quan liêu cũng đúng nhưng nếu ở tổ dân phố đó chắc tôi cũng không biết nổi nếu gia đình cứ đóng cửa để đánh.

 

Theo Tiến Dũng - Xuân Tùng

VnExpress