1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Đại thắng mùa xuân 1975: 45 năm giữ trọn một lời thề

(Dân trí) - 45 năm sau ngày giải phóng đất nước, đối với người dân Tây Nguyên, có những niềm tin, lời hứa vẫn tiếp tục được giữ gìn trân trọng!

Hẹn ước từ trong bom đạn

Trong chiến tranh, mưa bom bão đạn, mất mát và hy sinh, những câu chuyện tình yêu lại càng rực rỡ, thiêng liêng. Hơn 50 năm trước, xã Nam Nung đã chứng kiến những câu chuyện tình yêu trong những giai đoạn đặc biệt ấy.

15 tuổi, bà H’Brông (bon Yok Ju) cùng những cô gái trong bon tham gia vào đội văn nghệ quần chúng, rồi tham gia công tác thanh niên và vận chuyển đạn dược, lương thực.

Đại thắng mùa xuân 1975: 45 năm giữ trọn một lời thề - 1
Bà H'Brông kể về câu chuyện tình yêu của mình và chồng

“Tôi và nhiều cô gái khác trong buôn băng rừng sang Campuchia chở đạn và muối về phục vụ kháng chiến. Năm 1969, 17 tuổi tôi đã một mình vận chuyển 5 quả đạn cối. Phải mất 3 ngày 3 đêm vượt rừng mới sang tới nơi, rồi lại mất chừng ấy thời gian để đưa về đến căn cứ. Trên đường đi tải đạn, tôi gặp ông ấy khi đang bảo vệ “K””, bà H’ Brông hồi tưởng lại.

Cuộc gặp gỡ giữa thiếu nữ M’Nông với người lính K’Ho giữa năm 1969 đã kết duyên hai ông bà. Vì chỉ gặp nhau trên đường công tác, phải đến năm 1971, ông K’Hoàng với bà H’Brông mới nên duyên vợ chồng.

“Thấy bà ấy giã gạo nuôi quân rồi liều mình đi vận chuyển đạn dược nên tôi thích. Hồi đó, bà ấy đẹp gái lắm, bố mẹ bà ấy cũng thích mình. Ông bà già cho cưới nhau vì đều là người của cách mạng. Ngày cưới, cũng chỉ đơn giản với vài ché rượu cần”, ông K’Hoàng hóm hỉnh kể chuyện mình bị “bắt” làm rể người M’Nông.

Sau ngày cưới, mỗi người một việc nên gần 10 năm sau, hai vợ chồng ông K’Hoàng mới về dưới một mái nhà. Ông lão dí dỏm kể, ngày ấy cứ khi nào ông ở Việt Nam thì bà lại bên Campuchia, cả năm mới được gặp nhau vài phút đồng hồ.

“Bà ấy thì tham gia vận tải tại đơn vị hậu cần tỉnh Quảng Đức, còn tôi thì công tác trong Quân đoàn 4, vậy mà hai vợ chồng vẫn chờ nhau gần 10 năm. May mắn tôi còn lành lặn trở về chứ đi thêm một hai năm nữa có lẽ bố mẹ bà ấy cũng bắt chồng khác cho rồi”, ông lão nói vui.

Đại thắng mùa xuân 1975: 45 năm giữ trọn một lời thề - 2

Hai ông bà nên duyên vì cùng chung lý tưởng cách mạng

Sau cuộc chiến, cả hai ông bà trở về địa phương rồi tham gia vào công tác chính quyền. Ông lão K’Hoàng tự hào khoe rằng, dù không phải là người con xã Nam Nung nhưng là cán bộ cách mạng tại chiến trường Quảng Đức, bà con quý trọng lắm.

“Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, bà con các dân tộc nơi đây lại tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Mình và vợ sinh được 7 người con. Việc học hành của chúng khó khăn nhưng may mắn là được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhà nước nên các con được đi học và rèn luyện tại các trường chuyên nghiệp, đứa nào cũng học hành đến nơi cả. Có đứa còn đang đi học đại học”, ông K’Hoàng nói.

Khắc khoải lời thề với đồng đội

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng sự kiện ngày 30/4/1975. Có người may mắn sống sót, nhưng cũng có người mãi mãi nằm xuống, đến nay vẫn chưa trở về.

Đau đáu với lời hứa năm xưa, “người sống đi tìm người chết”, bao năm người cựu chiến binh Tây Nguyên- Lê Trúc Phương (SN 1944, TP. Gia Nghĩa) vẫn không ngại khó khăn, đi tìm đồng đội của mình.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Phương là cán bộ hoạt động trên tuyến Đường hành lang chiến lược Bắc Nam. Khoảng tháng 8/1963, Tây Nguyên thời điểm đó là mùa mưa, nước sông chảy xiết, quân ta phải vượt sông Sêrêpốk để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đơn vị của ông Phương được phân công đón, đưa các đoàn cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, công văn tài liệu.

Đại thắng mùa xuân 1975: 45 năm giữ trọn một lời thề - 3

Người chiến sĩ năm xưa vẫn khắc khoải khi chưa tìm được hài cốt đồng đội mình

Tối ngày 20/8/1963, sau khi đón một đơn vị bộ đội gồm 90 người, ông Phương được cử ở lại chăm sóc một chiến sĩ trong đoàn bị sốt. Đến khuya, đồng chí ấy ho ra máu rồi qua đời và được chôn cất ngay cạnh dòng sông Sêrêpốk.

“Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn thường quay lại vị trí năm xưa, nhưng vì ngày đấy là rừng núi hoang vu, nay đã thay đổi nhiều nên đến bây giờ vẫn chưa tìm được. Đó cũng chính là điều làm tôi day dứt mãi. Gần 60 năm nay, trong trí nhớ của tôi, vẫn in đậm những thông tin về đồng chí ấy”, ông Phương nghẹn ngào nhắc về người chiến sĩ tên Nguyễn Văn An, quê ở miền Nam và năm 1954 tập kết ra Bắc hy sinh trong cuộc kháng chiến.

“Ngày tìm thấy những đồng chí ấy tại Đắk N’Dung, Nam Nung hay Bu Prăng… chúng tôi sung sướng lắm, coi như cũng hoàn thành tâm nguyện trước lúc nằm xuống. Trong cuộc kháng chiến ấy, nhiều đồng chí là bộ đội địa phương hy sinh, tính đến nay vẫn còn khoảng 400 liệt sĩ nữa vẫn chưa được tìm thấy. Tôi còn sức khỏe, còn minh mẫn ngày nào, tôi vẫn sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội của mình”, nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk Nông, Lê Trúc Phương tự nhủ lòng.

Trăn trở với lời thề, lời hứa năm xưa, từ năm 1996 tới nay, nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk Nông Lê Trúc Phương cùng các cơ quan ban ngành địa phương đã tìm kiếm, quy tập được hàng chục hài cốt liệt sĩ, riêng năm 1996-1997, đã có 23 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy.

Dương Phong - Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm