1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên

(Dân trí) - Cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có những đóng góp không nhỏ làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Những đóng góp ấy cũng làm dày thêm “sử thi giữ đất, giữ nước” của buôn làng.

Giải phóng Đức Lập (Đắk Nông, ngày 9/3/1975) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk, ngày 10/3/1975) đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo thời cơ để đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi.

Có được thành công, một phần là nhờ sự đoàn kết, đóng góp của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Đã có hàng ngàn người con của núi rừng ngã xuống hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình để làm nên chiến thắng vẻ vang này.

Cả buôn làng kháng chiến

Những ngày cuối tháng 4, căn cứ địa cách mạng Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) rực rỡ với hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng nằm dọc hai bên đường. Trong ký ức của những thế hệ cha anh đi trước, cán bộ lão thành cách mạng, cảm xúc về những ngày này vẫn hừng hực.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên - 1

Già làng Y Xuyên kể về những năm tháng người dân Nam Nung nuôi giấu cán bộ

Già làng Y Xuyên (bon Ja Ráh) cùng vợ và ba người con sống dưới mái nhà gỗ truyền thống của người đồng bào M’Nông. Giữa căn nhà nhỏ, người lính năm xưa trang trọng treo hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Xuyên kể, năm 1959, Đoàn công tác B90 (Bộ Quốc Phòng) tới Nam Nung, dựa vào bon Ja Ráh để làm bàn đạp phát triển, mở rộng cơ sở và soi đường vào Nam, tìm bắt liên lạc với các bộ phận mở đường của Đông Nam bộ từ chiến khu Đ ra. Cách mạng chọn bon Ja Jáh, bà con trong bon vui sướng lắm nên đồng lòng ủng hộ.

“Bà con trong bon căm thù chúng nó (địch) lắm vì chúng phá hoại bon làng, thanh niên phải bỏ nhà vào rừng trốn để khỏi bị bắt đi quân dịch. Cán bộ cách mạng đến, ai cũng vui sướng, phấn khởi. Ban ngày thì đi làm nương làm rẫy, ban đêm thì giã gạo để nuôi cán bộ. Ai có gì thì cho cái ấy, bà con âm thầm giúp sức, ai cũng một lòng theo cách mạng”, già làng Y Xuyên kể lại.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên - 2

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi có một phần đóng góp của người dân Tây Nguyên (ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)

Sau này Nam Nung trở thành căn cứ cách mạng, nhiều thanh niên xung phong đi bộ đội để trực tiếp ra trận. Có người sống trở về, có người hy sinh nhưng ai cũng tự hào vì đã góp công cho chiến thắng.

“Trong cuộc kháng chiến ấy, xã mình có gần 40 nam nữ thanh niên hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”, ông Y Xuyên trầm giọng nói về những mất mát hy sinh và cho biết, năm 1994, xã ông vinh dự đón nhận danh hiệu Xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đến năm 2019, Nam Nung trở thành xã An toàn khu của tỉnh Đắk Nông.

Giống như xã Nam Nung anh hùng, Buôn Ea M’Đroh (xã Ea M’Đroh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) mỗi tháng 4 lịch sử về, những ký ức hào hùng lại sống lại một cách trọn vẹn trong lòng những thế hệ nơi đây.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên - 3

Tượng đài "Đoàn kết chiến thắng" tại căn cứ Nam Nung thể hiện sự đoàn kết của quân và dân địa phương

Ngồi trong căn nhà sàn đơn sơ, bà H’Răng (SN 1937) kể rằng, những năm 60 của thế kỷ trước, buôn Ea M’Đroh từng là “điểm nóng” vì nuôi giấu cán bộ cách mạng. Vì có niềm tin với chiến sĩ, với cách mạng nên nhiều gia đình đồng bào Ê Đê ở đây sẵn sàng nuôi giấu cán bộ trong nhà.

“Có lần địch vào buôn khám nhà, dân phải cho cán bộ trốn trên gác bếp, ở dưới đốt lửa lớn để đánh lạc hướng. Khi khói lan ra, chiến sĩ phía trên chịu nóng, khó thở nhưng vẫn quyết nằm im vì chỉ cần chúng thấy sẽ giết ngay”, bà H’Răng bồi bồi nhớ lại.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên - 4
Trong kháng chiến chống Mỹ, gần 40 người con của Nam Nung đã hy sinh

Trước tinh thần ủng hộ cách mạng của đồng bào Buôn Ea M’Đroh, cuối năm 1961, địch phá và đốt cháy hết buôn làng để cắt đứt liên lạc giữa người dân và bộ đội nên buôn Ea M’Đroh còn được gọi là buôn Cháy. “Nhìn cả thôn buôn rừng rực chìm trong biển lửa, người dân càng quyết tâm, sắc son một lòng theo cách mạng dù gian khổ”, bà H’Răng run run xúc động khi nhắc lại kỷ niệm xưa.

Trưởng buôn Ea Mroh - Y Rang Niê Kđăm cũng tự hào rằng dù phải bỏ buôn làng vào rừng, thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng bà con vẫn kiên cường, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và hết lòng bảo vệ cán bộ cách mạng.

Ký ức không thể nào quên

Những ngày “nằm gai nếm mật”, sống chung với vắt rừng, sốt rét và cả những lần “chết hụt” là kỷ niệm không thể nào quên đối với những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính những lần cận kề cái chết đã tôi luyện bản lĩnh cho họ để làm nên một chiến thắng vẻ vang, oai hùng.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên - 5

Những vết thương trên người bà H'Răng như một minh chứng về tấm lòng của bà với cách mạnh

Ôn lại những kỷ niệm gian khó trong cuộc chiến, bà H’Răng giơ 2 cánh tay bị cháy xém, những vết thương loang lổ như một minh chứng về tấm lòng của bà với cách mạng.

Bà lão 83 tuổi kể rằng, trong một lần đang địu con nấu cơm cho cán bộ chiến sĩ, bất ngờ quân địch phát hiện đã dội bom xuống gần vị trí bà đang đứng khiến đất cát vùi lấp cả 2 mẹ con.

Lúc đó bà H’Răng ôm chặt đứa con vào lòng, cơ thể vô cùng đau đớn. Cả 2 mẹ con may mắn sống sót song suốt 3 tháng liền máu từ mũi miệng của bà cứ đôi lúc lại trào ra...

Cách mạng là chia ly, mất mát, nhưng đối với ông K’Dung (SN 1956, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mang lại cho ông nhiều hơn cả. Mỗi lần nhắc về cuộc chiến ấy, ông K’Dung bồi hồi, xúc động khi chính mình và đồng đội đã góp công tiêu diệt kẻ thù của cả bon làng.

Ngày ấy, sau khi quân ta chiếm được Đức Lập, từ ngày 10/3/1975, địch rút quân về Gia Nghĩa để chạy qua Lâm Đồng. Nắm bắt được tình hình, Đại đội của ông K’Dung phục kích, tấn công địch trên đường chúng rút chạy.

“Trong đám tàn quân có K’Par, một trung úy người Mạ. Trước đây, K'Par nhiều lần chỉ huy quân đội tấn công, sát hại chính đồng bào mình. Tiêu diệt được K’Par, ai cũng vui mừng, nhất là người đồng bào Mạ chúng tôi”, ông Dung kể lại.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn của đồng bào Tây Nguyên - 6
Đồng bào Tây Nguyên vui mừng sau khi được giải phóng (ảnh TTXVN)

Sau ngày giải phóng Gia Nghĩa, từng dòng người từ khắp nơi trở về nhà. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng reo hò… khiến ai ai cũng sung sướng. Riêng ông K’Dung thì đặc biệt hơn, ông được gặp lại hai người anh trai của mình, nhưng ở hai vị thế khác nhau. “Tôi là quân giải phóng, còn hai người đó là quân của chế độ cũ”.

Có thể nói, giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên đã tạo thời cơ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến giai đoạn quyết định. Một phần của sự thành công ấy là nhờ những người như bà H’Răng, ông K’Dung, Y Xuyên… và hàng ngàn người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên.

Nhớ về những cảm xúc giải phòng được Buôn Ma Thuột, ông Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài) - Nguyên Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột xúc động kể rằng: “Sau khi giải phóng được Buôn Ma Thuột, toàn quân và dân nhảy mừng sung sướng, cờ chiến thắng tung bay khắp nơi. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng in đậm vào tâm trí của nhân dân Tây Nguyên!”.

Thúy Diễm- Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm