1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại diện Uber nói gì về dịch vụ taxi “lạ” tại TPHCM?

(Dân trí) - Đại diện Uber khẳng định, đối tác của Uber là những công ty vận chuyển có đăng ký giấy phép kinh doanh với nhà nước, chính các đơn vị này có tránh nhiệm đóng thuế. Các phương tiện phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mới được kết nối với người tiêu dùng.

Đó là khẳng định của ông Karun Arya – giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Uber - với PV Dân trí.

Ứng dụng phầm mềm Uber trên điện thoại thông minh
Ứng dụng phầm mềm Uber trên điện thoại thông minh


Ông Karun Arya cho biết, Uber ra đời từ năm 2009, hiện có mặt tại 232 thành phố ở 50 quốc gia nhưng mới có mặt ở Việt Nam từ tháng 7/2014.

Tuy mới xuất hiện vài tháng, nhưng dịch vụ taxi “lạ” thông qua phần mềm Uber đã làm “dậy sóng” lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách truyền thống tại TPHCM, khi thị phần của các hãng taxi bị đe dọa nghiêm trọng, người tiêu dùng có khuynh hướng sử dụng dịch vụ mới ngày càng nhiều.

Phía Hiệp hội taxi TP đã có kiến nghị đến các cơ quan chức năng TPHCM và Trung ương đề nghị có giải pháp quản lý. Theo Hiệp hội taxi TP, Uber hoạt động không tuân theo pháp luật Việt Nam, huy động lực lượng xe con không có chức năng vận tải hành khách để đưa đón khách với giá cước rẻ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Uber sẽ thu hút lượng khách ngày càng cao... Đồng nghĩa với việc nồi cơm của hàng vạn tài xế taxi bị đe dọa.

Trong khi đó các cơ quan chức năng TPHCM lại tỏ ra lúng túng trong việc quản lý, điều chỉnh hoạt động của Uber bởi dịch vụ này quá mới mẻ nên cơ quan chức năng “trở tay không kịp”.

 
Mỗi tài xế Uber đều được trang bị điện thoại thông minh phục vụ hành trình
Mỗi tài xế Uber đều được trang bị điện thoại thông minh phục vụ hành trình


Trả lời cho nghi vấn Uber hoạt động mà không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam là trái pháp luật, ông Karun khẳng định, tại Việt Nam, đối tác của Uber là những công ty vận chuyển có đăng ký kinh doanh với nhà nước. Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển của đối tác cũng được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và phải đăng ký bảo hiểm đầy đủ mới được kết nối tới người tiêu dùng.  

Hiện phía Uber không sở hữu hoặc vận hành bất cứ phương tiện chuyên chở hay nhân viên lái xe nào và Uber đã ký hợp đồng với khoảng 200 công ty vận tải tại TPHCM. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể là đơn vị nào thì ông này từ chối trả lời vì liên quan đến bí mật kinh doanh.

Phía Uber hưởng tiền hoa hồng là 20% từ dịch vụ cung ứng kết nối của mình giữa chủ phương tiện và người sử dụng dịch vụ. Các tài xế giữ lại 80% phí thu được.   

Trước nghi vấn cho rằng, Uber khai thác thị trường Việt Nam nhưng không đóng một đồng tiền thuế nào là hành vi trốn thuế, ông Karun cho rằng các doanh nghiệp đối tác sẽ có trách nhiệm đóng thuế. Nếu họ trốn thuế, phía cơ quan nhà nước có thể truy thu, bởi theo hợp đồng phía Uber trả tiền cho đối tác qua tài khoản. Tùy theo hợp đồng ký kết, Uber thanh toán mỗi tháng 1 – 2 lần.

Ông Karun cho biết, Uber đang tích cực làm việc với Chính phủ các nước trên khắp thế giới để xây dựng những quy định dành cho mô hình công nghệ còn khá mới mẻ này.

 
Quốc Anh
Dòng sự kiện: "Taxi" Uber