1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội

(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất về tiến độ bầu cử trong cả nước, tính đến 9 giờ sáng nay, nhiều tổ bầu cử tại các tỉnh thành đã đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bỏ phiếu. Tại Hà Tây, các điểm bầu cử có 112 lão cử tri tuổi từ 90 trở lên, trong đó có 12 cụ trên 100 tuổi đồng loạt đi bầu.

* Liên tục cập nhật…

 

Nơi khai mạc bầu cử sớm nhất là Cà Mau, với 1 tổ đã có cử tri đi bầu từ lúc 5h sáng. Tại một số tổ bầu cử ở Nam Định, Vĩnh Long, Quảng Trị, Hà Tây, Bắc Ninh, Đà Nẵng cử tri đã có mặt từ 5h15.

 

Cũng theo báo cáo nhanh từ các Hội đồng bầu cử, nơi có số cử tri dự khai mạc đông nhất là tổ 10 xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây với 1.180 người tham dự. Đặc biệt tại tỉnh Hà Tây, các điểm bầu cử có 112 lão cử tri từ 90 tuổi trở lên, trong đó có 12 cụ trên 100 tuổi đồng loạt đi bầu.

 

Tính đến 8h30, tỷ lệ cử tri đi bầu tại các địa phương đã đạt khá cao. Trong đó, Đắk Lắk trên 80%, Hà Giang 70%, Thừa Thiên - Huế 77,02%, Quảng Trị 55%, Bình Phước trên 40%, Cà Mau đạt 35%.

 

Tính đến 9 giờ, Lai Châu trở thành địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 90%. Tuy nhiên, một số địa phương tỷ lệ còn thấp như An Giang chỉ có 7,04%, Hà Nội chỉ đạt 28,27%.

 

Về tình hình bầu cử, trong ngày hôm nay tại nhiều địa phương như Lai Châu, Lạng Sơn, Thanh Hóa đã xảy ra mưa rất to khiến công tác bầu cử gặp nhiều trở ngại.

 

Tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và bà Phạm Thị Hồng (99 tuổi) là những cử tri đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình tại đơn vị bầu cử số 1, khu vực số 6 phường Quán Thánh, quận Ba Đình.

 

Tham gia bỏ phiếu tại đơn vị số 1 phường Quán Thánh còn có ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng…

 

Đúng 7h sáng, cuộc bầu cử tại đơn vị số 1 bắt đầu. Sau các thủ tục kiểm tra hòm phiếu, dán niêm phong hòm phiếu, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và bà Phạm Thị Hồng 99 tuổi (cử tri cao tuổi nhất) là hai cử tri đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình, bỏ phiếu lựa chọn 3 trong tổng số 5 ứng cử viên tại đơn vị bầu cử. Cử tri tiếp theo là em Trần Mai Phương - cử tri vừa tổ chức sinh nhất lần thứ 18 của mình vào hôm qua (19/5). 

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 1

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 2

 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng cử tri cao tuổi nhất bỏ những lá phiếu đầu tiên tại đơn vị bầu cử số 1 phường Quán Thánh. (Ảnh: Mạnh Cường).

 

Cử tri 99 tuổi Phạm Thị Hồng là người từng tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (1946) cho biết, bà đã dậy từ rất sớm và 7h kém 20 bà đã có mặt tại điểm bầu cử trên chiếc xe lăn. Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bà Hồng trong trang phục rất diện luôn nở một nụ cười tươi tắn. Bà Hồng cho biết lần tham gia bầu cử này có ấn tượng đặc biệt với bà, bởi cuộc bầu cử được thực hiện trong bối cảnh đất nước đang vươn lên mạnh mẽ. Để thực hiện tốt nhất quyền công dân của mình, từ nhiều ngày trước bà đã hỏi con cháu về những ứng cử viên tại đơn vị bầu cử của mình. Bà Hồng lạc quan: “Tôi hi vọng còn được đi bầu cử Quốc hội một lần nữa”.

 

Cử tri Trần Mai Phương nói với giọng run run: “Vừa bước vào tuổi 18, cầm lá phiếu bầu lựa chọn những người có năng lực vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, em thấy mình đã trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Em hi vọng những người được lựa chọn sẽ là những người biết nói, dám nói để phản ảnh những vấn đề cử tri, trong đó có em đề đạt”.

 

Tại khu vực bỏ phiếu số 2 phường Nguyễn Du, sau khi tổ trưởng tổ bầu cử tuyên bố khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bỏ lá phiếu đầu tiên vào hòm phiếu. Tiếp sau Chủ tịch Quốc hội là hàng trăm cử tri với đầy đủ các thành phần già, trẻ… nô nức thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình để bầu ra những người xứng đáng với nguyện vọng, ý chí của họ.

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 3
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại điểm bầu cử số 2 phường Nguyễn Du. (Ảnh: Trần Đức).

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của một cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước trong thời kỳ hội nhập. Việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, Quốc hội đã xác định công tác bầu cử là nhiệm vụ công tác trọng tâm của toàn đảng, toàn quân, toàn dân năm 2007.

 

Rời khỏi đơn vị bầu cử số 2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng không lên xe ô tô như thường lệ mà rảo bước lên vỉa hè thực hiện cuộc đi bộ quanh hồ Thiền Quang. Gương mặt thanh thản của vị Chủ tịch Quốc hội phần nào diễn đạt được tâm trạng của ông sau khi thực hiện nghĩa vụ của một cử tri.

Cử tri TPHCM lựa chọn nhân tài 

Sáng nay, hơn 4,2 triệu cử tri thành phố đã lần lượt đi đến các điểm bỏ phiếu để lựa chọn những ứng viên tài năng cho tổ quốc. Từ 6 giờ sáng, chị Trần Thị Ngọc, giáo viên trường ngoại ngữ đã đến điểm bỏ phiếu của phường Tân Quy, Q.7 để hoàn thành trách nhiệm công dân của mình.  

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 4
 Cử tri TPHCM tham gia bầu cử. (Ảnh: Nhựt Lê).

Chị Ngọc cho biết, là cử tri, chị đòi hỏi các ứng viên mà mình bầu chọn phải là người có kiến thức sâu rộng, gần gũi với đời sống nhân dân. Theo chị, một chi tiết mà ít ai quan tâm là ứng viên ĐBQH phải là người cao, khoẻ và thông minh. Có như thế mới có đủ sức khoẻ và trí tuệ để lắng nghe ý kiến của dân để kịp thời phản ánh trước Quốc hội. 

Từ 7 giờ sáng, cử tri Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước - đã đến bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 60 thuộc phường 9, Q.3. Tại đây cũng diễn ra cầu truyền hình tường thuật hoạt động bầu cử ĐBQH của cả nước. 

Cùng thời điểm trên, tại khu vực bỏ phiếu số 48 thuộc P.7, Q.3 cũng đã đón nhiều cử tri “đặc biệt” của thành phố như cử tri Lê Thanh Hải - Bí thư Thành uỷ, cử tri Phan Văn Khải - nguyên Thủ tướng Chính phủ, cử tri Trần Quốc Hương… đến bỏ phiếu và tham gia cầu truyền hình trong cả nước.  

Anh Võ Anh Phi - tổ trưởng khu vực bỏ phiếu số 48 cho biết, cử tri khu vực này đi bỏ phiếu từ rất sớm. Hầu hết đều tuân thủ quy trình để lực chọn những ứng viên phù hợp nhất. 

Sáng nay, nhiều công ty xí nghiệp và các đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng đã lần lượt cho nhân viên chia ca để đi bỏ phiếu.

 

Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, hơn 4.000 nhân viên của đơn vị này đang làm việc tại 20 siêu thị Co.opMart trên cả nước sẽ được chia ca để thay phiên nhau đi bầu cử.

Bác Lê Thị Tâm, 74 tuổi - Cán bộ hưu trí - nhà ở tổ 57, đường Trần Quốc Thảo, Q.3, đã rất thận trọng đọc kỹ tiểu sử và chương trình hành động của 5 ứng viên. Theo bác Tâm, quan trọng nhất là ứng viên phải trẻ tuổi, có trình độ, có tâm, có tầm nhìn thì sẽ chọn lựa. 

Bác Tâm nhận xét rằng kỳ bầu cử ĐBQH khoá này có nhiều ứng viên sáng giá, trình độ và tầm quan trọng trong đời sống xã hội đều ngang nhau vì thế rất khó lựa chọn.  

Theo bác Tâm, Việt Nam đang rất cần những người trẻ, giỏi, có tầm nhìn kinh tế để đưa đất nước phát triển hơn nữa. Chính vì thế, theo bác đây có thể là đợt bầu cử quan trọng nhất trong thời kỳ này. 

Khác hẳn với những người lớn tuổi, Lê Thị Hoài Giang thuộc thế hệ 8X đang là sinh viên khoa Nga, trường ĐH KHXH NV TPHCM đã dành 15 phút trước khi quyết định bỏ phiếu để đọc rất kỹ tiểu sử và chương trình hành động của từng ứng viên.  

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 5

Đọc tiểu sử ứng viên trước khi bỏ phiếu. (Ảnh: Nhựt Lê).

Ngoài ra, Giang còn tham khảo thêm ý kiến của những người thân đi cùng về những thông tin xung quanh 5 ứng viên trước khi vào khu vực phòng kín để bỏ phiếu. Giang cho rằng mình phải tìm hiểu kỹ về họ thì mới có thể chọn ra được những người có nhiệt huyết, có tâm và hiểu đời sống của nhân dân. 

Yếu tố quan trọng của các ứng viên để Giang lựa chọn là người có tâm huyết và am hiểu lĩnh vực, nhất là những ứng viên có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng luật pháp. Ngoài ra, Giang quan tâm đến tiếng nói của những ứng viên trẻ tuổi, có tài có sức khoẻ và có lòng nhiệt huyết được thể hiện qua hành động cụ thể… Những ứng viên đó, chắc chắn sẽ được Giang bầu cử. 

Háo hức lần đầu đi bầu cử

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 6

Hơn 2.000 cử tri đi bầu cử tại điểm bỏ phiếu ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Phúc Hưng)

 

Điều đặc biệt gây ấn tượng với chúng tôi là không khí các điểm bỏ phiếu tại các trường đại học. Có lẽ không ở đâu, không khí bầu cử lại trẻ trung và sôi động đến như vậy. 7 giờ 30, khu vực bỏ phiếu số 9 đơn vị bầu cử số 1 tại Ký túc xá Đại học Quốc gia Hà Nội và Đơn vị bầu cử số 1 khu vực bỏ phiếu số 5, trường ĐH Sư phạm, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy ngập trong rừng cờ hoa và những gương mặt rạng ngời.

 

Vũ Quốc Huy, sinh viên K51 trường ĐH Công nghệ cầm trên tay tấm thẻ cử tri giọng xúc động: “Đây là lần đầu tiên em được thực hiện quyền bầu cử, cả phòng em đã giục nhau dậy từ sớm. Vui quá, không khí như ngày hội vậy”.

 

Ông Ngô Văn Minh, tổ trưởng tổ bầu cử số 1, trường ĐH Quốc gia hết đi ra lại đi vào, luôn miệng hướng dẫn sinh viên thực hiện đúng thủ tục. “Điểm bầu cử số 9 của trường ĐH Quốc gia gồm các trường ĐH Công nghệ, ĐH Kinh tế và khoa Luật ĐHQG có 2.130 cử tri. Ngay giờ phút khai mạc, đã có gần 1.000 cử tri đến dự, hầu hết trong số đó là sinh viên. Chỉ sau hơn 10 phút, đã có hơn 20% số cử tri đi bầu”.

 

Theo quan sát của chúng tôi, có khá đông sinh viên do lần đầu tiên cầm tấm thẻ cử tri nên tỏ ra khá lúng túng trong việc bỏ phiếu. Tuy nhiên, khúc mắc của các em nhanh chóng được giải tỏa với sự tận tình của các cán bộ tại tổ bầu cử này.

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 7

Cử tri tại đơn vị số 3, khu vực số 6 phường Cát Linh nô nức đi bầu cử. (Ảnh: Trần Đức).

Hà Tĩnh: Cử tri nghỉ gặt lúa đi bầu cử 

Lúc 6h15, PV Dân trí đã có mặt tại địa điểm bầu cử thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Không khí bầu cử hết sức rộn ràng. Loa phóng thanh của tổ bầu cử được phát đi liên tục. Trên các nẻo đường của thôn xóm được treo đầy cờ đỏ sao vàng. Người dân dậy sớm hơn thường lệ.

Cụ bà Nguyễn Thị Tương - 80 tuổi, hôm nay trông khoẻ khoắn và nhanh nhẹn hơn mọi ngày. Khuôn mặt bà tươi cười, vừa ngắm nghía tấm thẻ cử tri, vừa nói với Dân trí: “Thông thường phải hơn 6h tui mới thức giấc, nhưng bữa ni tui dậy từ lúc 5h. Hôm trước tui cũng đã mua thêm chiếc cờ đỏ, giờ treo trước ngõ đầu nhà. Thật tình, tui chưa bỏ sót bất cứ một cuộc bầu cử mô cả nhưng chưa lần mô tui mong chờ và hồi hộp như lần ni, bởi ở cái tuổi gần tổ tiên rồi biết mô đây lại là lần bầu cử cuối cùng của tui”.

Khi được hỏi cụ mong chờ gì nhất ở lá phiếu của mình, cụ nói, quê tui còn nhiều khó khăn tui mong muốn họ làm hết sức mình để giúp người dân đỡ khổ.

Ông Trần Văn Đức - Bí thư chi bộ thôn - Tổ phó tổ bầu cử của thôn dậy từ lúc 4 giờ sáng, không kịp ăn uống đã vội sơ-vin chỉnh tề để có mặt tại hội trường thôn. Ông Đức gần như khản cổ vì phải thông báo, hướng dẫn cử tri. Ông nói vội: “Thôn chúng tôi có 332 hộ với gần 600 cử tri. Người dân phấn khởi lắm, trước ngày bầu cử đã tự động treo cờ dọc ngõ, cây cối dọc tuyến đường được chặt bỏ thông thoáng. Dù bận thu hoạch lúa nhưng họ đến bầu cử rất đầy đủ. Hiện đã có hơn 500 người đến bầu, chỉ còn khoảng 20 cử tri nữa là điểm bầu cử chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”. 

Chúng tôi cũng đã lướt qua một số địa điểm bầu cử khác tại các phường Đại Nài, Tân Giang, Hà Huy Tập thị xã Hà Tĩnh. Không khí bầu cử diễn ra hết sức nghiêm túc. Anh Trần Thái Văn, một cử tri tại phường Tân Giang cho hay: “Vợ chồng mình buôn bán ở chợ Hà Tĩnh, mọi hôm đã có mặt ở chợ rồi nhưng hôm nay cả hai vợ chồng đóng ki ốt để đi bầu cử”.

Thông tin mới nhất từ UBBC tỉnh Hà Tĩnh, tổng hợp tại 1.554 tổ bầu cử trên toàn tỉnh cho đến lúc 9h20 đã có 51% cử tri tham gia bầu cử. Diễn biến bầu cử rất thuận lợi, không có biến cố xảy ra.

Nghệ An: Nhiều điểm bầu cử đã hoàn thành 100% 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 8

Điểm bầu cử tại ĐH Vinh. (Ảnh: Nguyên Nghĩa).

Nghệ An có hơn 1,8 triệu cử tri đi bầu ở 3.065 điểm bầu cử trên địa bàn 18 huyện, thành thị. Đúng 7 giờ sáng nay, hầu hết các điểm đã khai mạc, nhiều điểm đã tổ chức bỏ phiếu 6h30 phút, cá biệt có điểm bỏ phiếu lúc 6 giờ. 

Có mặt tại Trường Đại học Vinh sáng nay, không khí nhộn nhịp hơn bình thường. Đây là điểm bầu cử số 4, bao gồm dân cư khối 6 và sinh viên của 3 ký túc xá cùng cán bộ, giáo viên đang công tác trên địa bàn khối 6 phường Bến Thủy, TP Vinh. 

Ông Trần Văn Liễu - Tổ trưởng tổ bầu cử số 4 cho biết: Điểm bầu cử này có hơn 1.700 cử tri, trong đó sinh viên trường Đại học Vinh là l.088 và giáo viên là gần 200 cử tri. Đây là một trong những điểm có số cử tri đông nhất trong toàn tỉnh Nghệ An. Đặc biệt đây còn là điểm có đa số số cử tri trẻ.

Bà Cao Thị Hiền - Phó GĐ Sở Nội vụ Nghệ An - Ban giúp việc của UBBC tỉnh này cho biết: “Sau 2 tiếng, trên địa bàn TP Vinh và một số huyện phụ cận đã có nhiều điểm cử tri đi bỏ phiếu hoàn thành 100%. Đây phần lớn là điểm bầu cử của các đơn vị Lực lượng vũ trang. Còn các điểm khác hầu như cử tri đi bầu được trên 50%”.

Được biết, ngày 18/5 có 72 điểm bầu cử sớm ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương, Ngày hôm qua 19/5 có 141 điểm bầu cử sớm ở một số xã của các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… Nhìn chung tất cả các điểm trên số cử tri đi bầu đạt 98%.

Hàng nghìn giáo dân nô nức đi bỏ phiếu

 

Buổi thánh lễ sáng nay ở giáo xứ Xã Đoài (Nghi Lộc - Nghệ An) vẫn được cử hành như  thường lệ. Chỉ khác là trong trang phục chỉnh tề các giáo dân đến sớm để dự buổi thánh lễ. Sau đó, từng đoàn người từ nhà thờ chính toà, từ Đại chủng viện Vinh - Thanh (nơi đây đào tạo giáo dân của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá) đã đến điểm bỏ phiếu ở nhà văn hoá xóm 9, xã Nghi Diên để bầu cử.

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 9
 Các giáo dân ở giáo xứ Xã Đoài đi bầu cử. (Ảnh: Nguyên Nghĩa).

 

Tại tổ bầu cử số 5 có gần 1.000 cử tri trong tổng số hơn 4.500 cử tri của toàn xã Nghi Diên. Phần lớn các cử tri nơi đây đều là giáo dân. Trong đó, linh mục và sinh viên Đại chủng viện gần 300 người, các nữ tu sĩ dòng Mến Thánh Giá gần 200 người. 

 

Tổ bầu cử số 5 có đến hàng chục công dân lần đầu tiên đi bầu cử. Tất cả các em khi được hỏi đều trả lời rằng, có một cảm giác run run. Cử tri trẻ Nguyễn Thị Nguyệt (18 tuổi) tâm sự: “Lần đầu đi bỏ phiếu em thấy run lắm. Bỏ phiếu xong em thấy mình lớn hơn một chút vì được trực tiếp chọn ra những người em thấy có đức, có tài để phục vụ nhân dân”.

 

Linh mục Tổng đại diện Võ Thanh Tâm cho biết: “Cũng là dân Việt Nam, không kể lương giáo ai cũng có tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước. Chúng tôi thấy hạnh phúc và hãnh diện được cầm lá phiếu đi bầu cử, tuyển chọn người đại diện cho mình, đó là quyền lợi, là trách nhiệm, và đó cũng là tự do…”.

 

Linh mục Nguyễn Hồng Pháp, quản hạt Xã Đoài cũng cho hay: “Buổi lễ sáng nay đã diễn ra sớm hơn và kết thúc sớm để mọi người kịp dự khai mạc cuộc bầu cử. Trong buổi lễ chiều qua, tôi cũng đã nhắc nhở bà con không được chậm trễ trong cuộc bầu cử, vì đó là quyền lợi, là trách nhiệm của mỗi người”.

 

Đến đầu giờ chiều nay 20/5, trao đổi với một thành viên trong Ủy ban bầu cử tỉnh Nghệ An thì hầu hết các giáo dân trên địa bàn tỉnh đã đi bỏ phiếu bầu cử an toàn. Nhiều điểm bầu cử đã hoàn thành 100%, bình quân trên toàn tỉnh số cử tri đi bầu hơn 80%.

Quảng Bình: 33 tổ bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 10

Cử tri cụm ĐH Quảng Bình bỏ phiếu vào thùng.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, tỉnh có 497.672 cử tri sẽ đi bầu cử tại 933 khu vực bỏ phiếu. Ngay từ 6-7 giờ sáng, đồng loạt các tổ bầu cử trên toàn Quảng Bình đã được khai mạc. Số lượng cử tri đi bỏ phiếu tại thời điểm gần 10 giờ sáng đã có hơn 55% số lượng cử tri đi bầu, cũng tại thời điểm đó có 33 tổ bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu.

 

Trước đó, vào các ngày 16 và 18/5 được sự cho phép của Hội đồng bầu cử Trung ương, Quảng Bình đã tổ chức bầu cư sớm cho 11 xã đồng bào các dân tộc thiếu số Vân Kiều, Khùa, Mày, Rục, Mã Liềng, A Rem, Ma Coong, Nguồn… sống dọc biên giới Việt - Lào với 73 khu vực bỏ phiếu, 15.045 cử tri đã đi bầu cử sớm đạt tỷ lệ 100%.

Đến 10h sáng, hơn 372 ngàn cử tri của tỉnh đã đi bầu cử, đạt tỷ lệ hơn 77%.

Quảng Trị: Đến 8h45 sáng nay đã có hơn 200 ngàn trên tổng số 370 ngàn cử tri đi bầu cử. Có 4 tổ bầu cư hoàn thành bỏ phiếu là Sư đoàn 377, tổ bầu cử số 1, số 2 xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hoá, đồn Biên phòng Cu Vơ và tổ bầu cử số 4 xã Hướng Linh, huyện đảo Cồn Cỏ hoàn thành bầu cử từ 8h.

Thừa Thiên - Huế: Toàn dân tham gia bầu cử sớm

 

Sáng nay, tất cả 708.591 cử tri Thừa Thiên - Huế đã có mặt đông đủ tại 920 tổ bầu cử thuộc 3 đơn vị bầu cử từ rất sớm, để nghe hướng dần các thủ tục bỏ phiếu, tìm hiểu những ứng cử có năng lưc, trình độ.

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 11

Cử tri Nguyễn Hữu Nồng, 73 tuổi, đang bỏ lá phiếu đầu tiên ở tổ bầu cử số 7, phường An Đông, TP Huế. (Ảnh: Lê Tấn Quỳnh). 

 

Cầm lá phiếu trên tay, bác Trương Hải Diện 70 tuổi, xã Quảng Ngạn (Quảng Điền - Huế), cử tri đã từng tham gia 10 lần bầu cử cho biết: “Tôi thấy bầu cử đợt này rất dân chủ, đổi mới hoàn toàn, “thay da đổi thịt” nhiều. Những ứng cử viên đợt này có trình độ đại học, tiến sĩ nhiều. Do vậy nhân dân rất tin tưởng Quốc hội khóa 12 có những đổi thay đột phá. Đặc biệt, khi được dân bầu, các ứng cử cần quan tâm hơn nữa đến những vùng sâu, vùng xa và những vùng đang khó khăn, để cho cuộc sống ngày càng tốt hơn”.

 

Ngay từ sáng sớm nay, Huế đã rực rỡ trong cờ hoa. 6h, tất cả các tổ bầu cử sẵn sàng khai mạc, đón những lá phiếu đầu tiên được bỏ vào thùng. Chị Nguyễn Thị Hiếu, cử tri phường Trường An, thành phố Huế hồ hởi nói: “Bầu cử lần này rất dân chủ, công khai, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền từ thành thị đến nông thôn. Do vậy người dân dễ nhìn ra những ứng cử chủ chốt có thể gánh vác những công việc mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”. 

Đến trưa nay, đã có 547 ngàn cử tri đi bầu cử, đạt 82%. Huyện Nam Đông có 10/11 xã đã hoàn thành bầu cử, đạt tỷ lệ 99,7%. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7 điểm bầu cử tập trung của lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng hành thành bầu cử. Số sinh viên của 6 trường Đại học tại địa bàn đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ công dân. Một số xã miền núi A Lưới, Nam Đông có mưa nhưng không ảnh hưởng đến việc bầu cử.

Đà Nẵng: Tại phường Thọ Quang, quận Ngũ Hành Sơn, từ sáng sớm đã có đông đảo cử tri đến bầu cử. Trong danh sách ứng cử có ông Phạm Gia Khiêm - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 12

SV trường CĐ Đông Á (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thực hiện quyền công dân. 

Đây là khu vực tập trung người dân làm nghề biển của thành phố Đà Nẵng. Những ngư dân đã trở về đất liền với niềm phấn khởi khi cầm lá phiếu trên tay. Ông Đinh Văn Hưởng - 67 tuổi, ngư dân tại tổ bầu cử số 5 phường Thọ Quang cho biết: “Nhờ có sự tuyên truyền của địa phương và qua sóng radio của thành phố, Đài tiếng nói Việt Nam mà ngư dân chúng tôi đã có sự chuẩn bị kịp thời để đi bầu cử. Ngư dân chúng tôi được phát những tờ rơi về lý lịch, danh sách ứng cử viên được niêm yết tại các tổ bầu cử, để lựa chọn những người có đức, có tài cho đất nước. Bên cạnh đó là trách nhiệm của mỗi người dân trong “ngày hội non sông” cùng cả nước”.

Tại tổ bầu cử độc lập 15 - nhà máy X50 Hải Quân trên địa bàn phường Thọ Quang, các cán bộ, công nhân viên quốc phòng đã tiến hành công tác bầu cử. Thượng tá Lê Văn Lưu, Chính Ủy nhà máy X50 cho biết: “Sáng nay cùng với cả nước, đơn vị chúng tôi đã tiến hành khai mạc lúc 6h30 phút. Công tác tổ chức đảm bảo chu đáo, nhanh gọn, dân chủ, an toàn, chất lượng và đúng luật”.

Quảng Nam: Tại công trình thuỷ điện A Vương, xã MaCoih, huyện Đông Giang có hơn 5.000 công nhân, đến 7h30 đã hoàn thành tham gia bầu cử để tiếp tục thi công trên công trường. Hơn 1.000 cử tri thuỷ điện Sông Tranh II, huyện Bắc Trà My cũng hoàn thành từ 7h sáng để tiếp tục công việc trên công trình.

Đến 9h30, có 75% trên tổng số 925 ngàn cử tri tỉnh Quảng Nam đi bầu. Trong đó, 104 tổ bầu cử có 100% cử tri đi bầu, 4 xã thuộc huyện Duy Xuyên và xã vùng cao Phước Năng, huyện Phước Sơn hoàn thành.

Bình Định: Sáng nay, hầu hết các khu vực bỏ phiếu, các huyện đồng bằng trên 90% cử tri đi bầu, các huyện miền núi đạt trên 85%. Nhiều tổ bầu cử ở thành phố Quy Nhơn đạt tỷ lệ 100%.

Khánh Hoà: Có 3 đơn vị bầu cử với gần 79 vạn cử tri. Ngay từ sáng sớm, cử tri trong tỉnh đã nô nức đi bầu cử. Đến 9 giờ sáng, toàn tỉnh Khánh Hòa có trên 30% cử tri đi bầu cử. Nhiều khu vực bầu cử ở huyện Diên Khánh cử tri đi bầu cử đạt trên 80%; tại 2 huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và TP Nha Trang cử tri đi bầu phiếu đạt 100%.

Theo ghi nhận ban đầu, tình hình bầu cử Quốc hội khóa 12 ở tỉnh Khánh Hòa diễn ra an toàn, dân chủ, đúng pháp luật. Riêng huyện mới Cam Lâm, hôm nay, 69.000 cử tri trong huyện còn tham gia bầu cử bổ sung 20 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2004-2009.

Kon Tum: Giáo dân bầu cử ở nhà Rông

Trước khi tiến hành bỏ phiếu, thay mặt giáo dân làng Plei Rơ Hai 1 (phường Lê Lợi, thị xã Kon Tum), già làng A Cheo và người cao tuổi nhất làng (cụ A Hiu - 92 tuổi) đã lên trước nhà Rông tự tay kiểm tra thùng phiếu, trước sự chứng kiến của toàn thể bà con.

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 13
Già làng A Cheo và cụ A Hiu kiểm tra thùng phiếu.

Già A Hiu nói: “Mình đã vinh dự nhiều lần đi bỏ phiếu, cần phải sáng suốt lựa chọn ra người đại diện nói tiếng nói cho dân làng chứ!”

Còn cử tri A Chon (18 tuổi) lần đầu tiên được đi bầu cử tâm sự: “Em rất hồi hộp vì lần đầu tiên mà. Mấy ngày trước em và các bạn đọc kỹ quá trình bản thân của từng ứng cử viên. Em sẽ bỏ phiếu cho người nào em cảm nhận được sự tin tưởng!”

Theo thứ tự, từng người dân làng Plei Rơ Hai 1 lần lượt lên cầu thang nhà Rông để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trong ánh mắt của mọi người, toát lên niềm vui vì quyền công dân của họ đã được nhà nước bảo vệ, tôn trọng, không phân biệt đạo giáo hay dân tộc.

Đến 9 giờ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN phường Lê Lợi kiêm Bí thư Chi bộ làng Plei Rơ Hai 1 cho chúng tôi biết: Khoảng 70% cử tri đã đi bầu, hy vọng trước 12 giờ tổ bầu cử số 4 làng Plei Rơ Hai 1 sẽ hoàn tất công việc bầu cử. Vì hầu hết bà con tranh thủ bỏ phiếu xong còn tiếp tục lên rẫy tỉa lúa, trồng ngô cho kịp thời vụ.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Kon Tum, hơn 300 học sinh thuộc các dân tộc Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Mâm... đã khẩn trương làm lễ chào cờ và sau đó các em trật tự bước vào phòng bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình.

Em A Kim, dân tộc Xê Đăng, sinh năm 1989 hiện đang học lớp 10 nói: “Trước đó, nhà trường đã tạo điều kiện để chúng em tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, nhà trường cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và giới thiệu qui định về bầu cử nên hôm nay em và các bạn đi bầu không gặp khó khăn gì. Chúng em chỉ mong muốn qua lần bầu cử này, các đại biểu Quốc hội quan tâm hơn đến thanh niên người dân tộc Tây Nguyên chúng em, nhất là trong vấn đề học tập, nâng cao kiến thức để phục vụ quê hương”. 

Điện Biên: Hơn 264 nghìn cử tri đi bỏ phiếu

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 14

Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên tham gia bầu cử. (Ảnh: Thái Nguyên An).

Sáng 20/5, thời tiết toàn tỉnh Điện Biên mát mẻ sau mấy ngày mưa liên tục, tạo thuận lợi cho 264.043 cử tri của 21 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên đi bầu cử.

Bầu đại biểu Quốc hội khóa này, Điện Biên có 10 ứng cử viên (trong đó 8 ứng cử viên tại địa phương, 2 ứng cử viên Trung ương giới thiệu), thuộc 2 đơn vị bầu cử. Trước ngày bầu cử, các ứng cử viên đã đi tiếp xúc cử tri tại 19 điểm của 9/9 huyện, thị, thành phố, trình bày chương trình hành động và vận động bầu cử, tiếp thu những ý kiến của cử tri và nêu lên kế hoạch khi trúng cử làm đại biểu Quốc hội.

Tỉnh Điện Biên có 866 khu vực bỏ phiếu (Thành phố Điện Biên Phủ có 64 khu vực, thị xã Mường Lay 15 khu vực, huyện Điện biên 191 khu vực...) với tổng số 264.043 cử tri. 100% khu vực bỏ phiếu trong tỉnh thành lập tổ bầu cử đúng quy định của pháp luật với 5.467 thành viên. Đến 9 giờ đã có 85% cử tri đã thể hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình. Một số điểm bỏ phiếu ở vùng sâu, vùng xa do giao thông khó khăn, cử tri đến điểm bỏ phiếu muộn hơn so với vùng thấp.

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian qua được Công an tỉnh tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ địa phương nhằm đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau ngày bầu cử, nên trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII được an toàn tuyệt đối.

Đúng 7 giờ sáng nay, các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đã chính thức mở cửa để hơn 50 triệu cử tri đi bỏ phiếu, lựa chọn 500 đại biểu Quốc hội khóa 12. Mỗi lá phiếu được cử tri thận trọng cân nhắc để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng gánh vác trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân.

 

Cử tri cả nước nô nức đi bầu Quốc hội  - 15
 Sáng suốt lựa chọn người đủ đức, tài vào Quốc hội Khóa XII. (Ảnh chụp tại đơn vị số 3, khu vực số 6 phường Cát Linh, Hà Nội).

 

Ông Bùi Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử cho biết: Cuộc bầu cử sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ (những trường hợp phải thực hiện sớm hơn sẽ bắt đầu trước không quá 5 giờ sáng) và kết thúc lúc 19 giờ (nơi nào chậm nhất không quá 22 giờ).

 

Cử tri trên cả nước sẽ tham gia bỏ phiếu tại 182 đơn vị bầu cử, lựa chọn trong số 875 ứng cử viên để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XII. So với danh sách ban đầu, số ứng cử viên giảm một người, vì ngày 15/5, Hội đồng bầu cử đã ra Nghị quyết xoá tên bà Vũ Thị Mỹ Hạnh trong danh sách những ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 3 thuộc tỉnh Lâm Đồng.

 

Theo thống kê của Hội đồng bầu cử trung ương, những địa phương có số cử tri đông nhất là TPHCM (hơn 4,2 triệu), Thanh Hóa (2,4 triệu), Hà Nội (2,3 triệu) và các địa phương có số cử tri ít nhất gồm Bắc Kạn (199.223), Kontum (217.000), Đắc Nông (229.000). Ngoài ra, cả nước có trên 55.000 tổ bầu cử tại khoảng 11.000 xã, phường.

 

Đến 18 giờ chiều qua, các điểm bỏ phiếu trên phạm vi cả nước đều đã niêm yết danh sách và tiểu sử tóm tắt của từng ứng viên, treo cờ và băng rôn chào mừn ngày bầu cử. Các thành viên của các tổ bầu cử đã được huấn luyện chuyên môn cần thiết.

 

Nhóm phóng viên