1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Báo chí quốc tế viết về bầu cử ở Việt Nam

Các hãng thông tấn nước ngoài: AFP, Reuters, AP, NHK... đều huy động lực lượng hùng hậu cả phóng viên viết, phóng viên ảnh và quay phim đến đưa tin.

Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) huy động 5 phóng viên đưa tin bầu cử Quốc hội. Chị Nogazunko, phân xã trưởng của NHK tại Hà Nội bày tỏ cảm giác bận rộn nhưng phấn khởi của một phóng viên được tham gia đưa tin một sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam.

"Tôi rất ngạc nhiên về không khí bầu cử ở Việt Nam. Tôi thường nghe mọi người nói là ở Việt Nam, có đến 95% cử tri đi bỏ phiếu. Nhưng điều mà chính tôi cảm nhận thấy là không khí rất náo nhiệt. Đặc biệt tôi nhìn thấy rất nhiều panô, khẩu hiệu về bầu cử. Ở Nhật Bản, trong quá trình vận động tranh cử, cũng có hệ thống loa truyền thanh, nhưng không khí trầm lặng hơn ở Việt Nam".

Chiều 20/5, NHK sẽ quay phim ở một gia đình có người người già và người bệnh, không đi bỏ phiếu được và sẽ có người mang thùng phiếu đến tận nhà.

Tối 20/5, NHK sẽ dành thời lượng 3 phút để đưa tin về bầu cử ĐBQH (đại biểu quốc hội) ở Việt Nam. Ngày mai, 21/5, kênh truyền hình Nhật Bản này sẽ phát sóng 30 phút về sự kiện này.

Theo ông Đào Hùng, trợ lý báo chí của NHK tại HN, thông điệp mà NHK muốn chuyển đến khán thính giả Nhật Bản và thế giới là "cử tri Việt Nam ai cũng muốn lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào QH (Quốc hội), đưa QH có tiếng nói gần gũi với dân hơn, để cho những doanh nhân làm ăn sẽ thuận lợi và Việt Nam có những chính sách về đầu tư tốt hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như trong nước".

Hãng thông tấn Reuters ngày 20/5 đưa tin: Việt Nam bầu cử Quốc hội trong kỷ nguyên thương mại mới.

Các cử tri Việt Nam đã đi bỏ phiếu bầu các đại biểu Quốc hội - cơ quan có vai trò hàng đầu trong cuộc cải tổ kinh tế và pháp luật. Có 875 ứng viên cho 500 vị trí ở Quốc hội. Trong số này có 150 người không phải là đảng viên nhưng được phép ra tranh cử. Ngoài ra, có 30 người tự ứng cử.

Reuters nói đây sẽ là Quốc hội đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Theo nhận định của Reuters, ngày càng có nhiều đại biểu quốc hội chất vấn các bộ trưởng và xem xét kỹ các chính sách được những cơ quan nhà nước soạn thảo.

Một số khu vực, đặc biệt, ở trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh và các khu vực xung quanh có sự cạnh tranh mạnh hơn ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Các đường phố lớn và chợ ở thành phố lớn nhất của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh, ngập tràn màu đỏ. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nhiều ngôi nhà và cửa hàng.

Các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa suốt 12 tiếng trong ngày 20/5, kết quả sẽ được công bố trong vòng 15 ngày.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi bỏ phiếu tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông nói: “Cử tri nên lựa chọn một cách sáng suốt người nào xứng đáng để phục vụ cho đất nước, người đưa đất nước tiến lên”.

Chính sách Đổi mới của đảng Cộng sản Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế cho cải tổ thị trường và cạnh tranh, giúp cải thiện mức sống của người dân.

Hãng BBC cũng đưa tin, các cử tri Việt Nam ngày 20/5 đi bỏ phiếu bầu các đại biểu Quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử có tác động mạnh tới các chính sách của chính phủ.

BBC cho biết, 500 đại biểu Quốc hội đều đặt mục tiêu ưu tiên chống tham nhũng. Các thành viên của Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi khó cho các bộ trưởng và xem xét kỹ các dự thảo luật được những cơ quan nhà nước soạn thảo.

Hãng tin AFP đưa tin, các cử tri Việt Nam hôm nay đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới với nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc bầu cử sẽ đưa thêm các gương mặt mới vào cơ quan lập pháp.

Hơn 50 triệu cử tri đủ tư cách trong tổng số 84 triệu dân Việt Nam sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng là một trong số những người đi bỏ phiếu đầu tiên tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo Vân Anh - Hoài Linh

Vietnamnet