(Dân trí) - Với uy tín tạo dựng được, nhiều bí thư không những cùng bà con hóa giải được những việc lớn mà còn xử lý được những mâu thuẫn phát sinh, nối đoàn kết trong cộng đồng.
Trong thực tế, có những bí thư vừa kiêm trưởng thôn hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận, vừa đảm nhận vai trò người uy tín trong cộng đồng…
Bí thư thôn Kiên Lao (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) Hà Xuân Tạo kể, điều khiến ông "tự hào" trong những năm qua là mỗi khi trong thôn có việc gì, ông… ít thoát. Nhờ làm kinh tế giỏi (thu 300 triệu đồng mỗi năm từ tre Bát Độ, quế, bồ đề…) cùng nhiều năm lăn lộn với bà con làm kinh tế, ông có thể cầm tay chỉ việc cũng như được tín nhiệm để tư vấn cho bà con trong không ít việc.
Ông Tạo kể, vài năm trước, ông đã "phanh" thành công ý định chặt tre măng Bát Độ của một số hộ trong thôn. Khi đó, giá thu mua quế lên cao, một số hộ có ý định chặt tre măng để chuyển đổi sang cây quế. Biết chuyện này, Bí thư Tạo mềm mỏng khuyên các hộ dân bình tĩnh, chưa vội thay đổi…
Năm sau đó, giá măng tre Bát Độ vọt lên và những năm gần đây tiếp tục lên cao hơn nữa. Các hộ được ông Tạo ngăn phá tre măng Bát Độ đến nay còn "ghim" công của vị bí thư.
"Các hộ được mình ngăn phá tre măng vẫn ghi nhớ, có người bây giờ gặp vẫn nói lời cảm ơn", ông Tạo cười hiền.
Chia sẻ thêm về câu chuyện trên, ông Dương Kim Hưng, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho hay, không chỉ thôn Kiên Lao, một số người dân ở thôn Khe Rộng và thôn Đồng Phay của xã thời điểm đó cũng muốn thay tre bằng quế.
"Bí thư Hà Xuân Tạo đã làm tốt việc tuyên truyền và là người có công ngăn một số hộ dân trong thôn Kiên Lao chặt tre măng Bát Độ. May mắn, giá măng sau đó đã tăng mạnh", ông Hưng nói.
Cũng cách đây vài năm, ông Tạo vận động bà con trồng thêm được gần 80ha tre măng Bát Độ so với diện tích trồng dự án trước đó. Giá măng Bát Độ hiện tại khá ổn, 5.500-6.000 đồng/kg và những hộ trồng thêm diện tích tre Bát Độ này đang cùng hưởng niềm vui như những người được ngăn chặt tre thời gian trước.
Gặp gỡ các bí thư và trò chuyện cùng bà con có thể gặp nhiều minh chứng về uy tín, ảnh hưởng của những người đứng đầu "làm được, nói được" như ông Tạo.
Đến bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) giờ đây, ai cũng thấy khung cảnh đẹp đẽ, bình yên, đầy sức lôi cuốn, với cách làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản, mang tính cộng đồng cao. Nhưng để có được như vậy, Bí thư Vàng Dỉ Tình, Trưởng thôn Sình Dỉ Gai ở bản Lô Lô Chải, ngoài đi đầu trong việc làm homestay thu hút khách, còn chú trọng xây dựng môi trường thân thiện với du khách.
Những năm trước đây, ở bản còn hiện tượng, người dân chèo kéo, chạy theo du khách đòi tiền chụp ảnh cùng, gây mất thiện cảm. Nhận thấy hậu quả lớn của hành động chạy theo chút lợi ích nhỏ nhặt này, những người đứng đầu bản tổ chức họp chi bộ, rồi họp dân, ra cả văn bản hướng dẫn cụ thể về "những việc cần và những việc cấm" để tạo môi trường phát triển du lịch tại đây.
Sau những lần chấn chỉnh nghiêm túc, chuyện đeo bám, tranh thủ "chặt chém" khách được xóa hẳn. Thay vào đó, người dân trong bản còn chủ động tăng chất văn hóa đặc trưng cho bản bằng cách thường xuyên mặc trang phục Lô Lô (một trong những bộ trang phục dân tộc độc đáo, đa dạng sắc màu và cầu kỳ hoa văn trang trí) để đón khách, tiếp khách, học tiếng Anh để giao tiếp với du khách nước ngoài, kéo khách tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng như đốt lửa trại, học hát, xem biểu diễn các nghi lễ truyền thống trong bản…
Cả bản Lô Lô Chải đã tạo được không gian văn hóa du lịch chung như thế để phát triển, làm thay da đổi thịt mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc.
Đảm nhận vai trò "kép", nhưng Bí thư kiêm Trưởng thôn Quang Vinh (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái) Hà Thị Nhung không hề nói về áp lực trong suốt cuộc trò chuyện cùng chúng tôi. Thậm chí, khi được hỏi vị trí nào khó hơn, nữ bí thư cho biết, chị làm gì cũng khá thuận...
"Phát triển kinh tế, mình luôn phải đi đầu và khi mình làm được, người dân sẽ làm theo", Bí thư Nhung tự tin.
Người phụ nữ dân tộc Tày này cho biết, gia đình chị đã trồng quế từ trước năm 2000, đến 2014 tiếp tục trồng măng tre Bát Độ. Nguồn thu của gia đình không cố định, do có năm thu hoạch nhiều, năm chủ động thu hoạch ít (với quế), nhưng thu nhập trung bình mỗi năm khoảng trên 200 triệu đồng.
Đề cập việc huy động làm 420m đường liên thôn cùng 10.000m đường ngõ xóm trong những năm qua, nữ bí thư nhận định "không phải quá khó". Theo đó, mỗi năm, chị chủ động đăng ký trước với xã về số kilomet rồi về họp thôn để triển khai. Mỗi lần làm đường, chị vận động cộng đồng ủng hộ thông qua mạng xã hội, đồng thời chủ động ủng hộ 2-3 triệu đồng.
Việc vận động người dân hiến đất làm đường theo Bí thư Nhung cũng… suôn sẻ. "Gia đình tôi hiến 500m2 đất cho con đường đi qua. Nhà nào trong thôn có đường đi qua cũng hiến, có nhà đường đi qua đoạn dài, chủ hộ đã hiến luôn hơn 1.000m2", nữ bí thư chia sẻ.
Cả thôn gần như một lòng nên có khi chỉ cần lãnh đạo thôn nhắn tin lên nhóm chung (mạng xã hội), người dân rầm rập đi làm đường.
Thôn không đăng ký với xã việc làm cầu, nhưng người phụ nữ đứng đầu cơ sở chủ động cùng bà con lắp cống rồi xin đá về xây cầu. "Có những chỗ suối sâu hoắm mà chúng tôi vẫn làm cầu được. Bà con giờ không phải lội suối hay đi cầu tre nữa. Đường vào ngõ xóm cũng được mở rộng lên 3m, ô tô có thể vào tận cổng mỗi nhà", Bí thư Nhung tự hào.
Đánh giá về Bí thư Nhung, ông Nguyễn Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh nói ngắn gọn: "Chị Nhung năng động, hoạt bát và là người truyền lửa cho công tác giảm nghèo".
Cũng giống như Bí thư Nhung, Bí thư thôn Khuổi Hóp (xã Quảng Ngần, Vị Xuyên, Hà Giang) Đàm Văn Lành đã dành nhiều tâm huyết cho việc làm đường. Với quan niệm, đường bê tông làm thay đổi nhiều cuộc sống của người dân, năm 2023, ông Lành cùng chi bộ đã vận động bà con làm đường bê tông trong thôn, làm nhà văn hóa thôn.
"Khi chi bộ họp rồi họp thôn, bà con còn hoang mang lắm, vì mức đóng góp tới 5 triệu đồng/hộ, sau đó tổng cộng phải nộp đến 7-8 triệu đồng/hộ mà mọi thứ đều xuôi", vị bí thư của thôn khó khăn nhất ở xã vùng 3, nơi chưa có điện, chưa có sóng điện thoại kể. Ông cho biết thêm, có hộ thấy tuyến đường qua nhà mình thuận lợi còn tình nguyện đóng thêm tiền.
Có khả năng làm kinh tế giỏi, thường xuyên đi đầu trong các hoạt động, uy tín cao trong cộng đồng, nhiều bí thư đã không chỉ "làm mẫu" cho bà con trong làm ăn mà còn đứng ra hóa giải những vấn đề hóc búa trong làm ăn cũng như đời sống thường ngày.
Tại bản Tạ Búng, xã Tạ Bú, huyện Mường La, Sơn La, chúng tôi được Bí thư Lò Văn Cường và đảng viên Lò Văn Đích kể, các anh đã tham gia phân xử nhiều tranh chấp trong bản, trong đó có không ít vụ cam go. Trường hợp gần đây nhất, trong quá trình trồng trọt phát sinh va chạm, tranh chấp đất đai, một người đàn ông tức khí phun thuốc diệt cỏ làm chết ruộng cỏ voi của gia đình bên cạnh.
Mâu thuẫn bị đẩy cao, người của xã được cử đến chưa kịp nói đã bị tiếng cãi nhau át đi. Khi Bí thư Cường có mặt, bên bị mất cỏ voi đề nghị bên kia xin lỗi một câu sẽ cho qua nhưng bên phun thuốc không đồng ý. Sau một hồi lắng nghe hai phía, vị bí thư bản đề xuất phương án, bên phun thuốc bồi thường 200.000 đồng để bên kia trồng lại đám cỏ.
Qua những trao đổi, thương lượng, hai bên sau đó thống nhất, người bị thiệt hại nhận 100.000 đồng bồi thường, 100.000 đồng còn lại hai người bắt tay nhau đi uống bia vui vẻ.
Cũng từng tham gia phân xử nhiều vụ xích mích, Bí thư thôn Quang Vinh (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái) Hà Thị Nhung có kỷ niệm khó quên về lần bà bị đẩy… xuống ruộng. Khi đó, bà Nhung đến hòa giải vụ ông chồng say rượu đánh vợ thì bị thách thức "đứa nào vào tao chém".
Với bản tính xông xáo, không ngại va chạm, từng đi bắt bạc, đi tìm người nghiện, Bí thư Nhung tìm cách tiếp cận khuyên giải ông chồng nóng tính. Dẫu vậy, người đàn ông say xỉn không nghe, đẩy bí thư chi bộ… xuống ruộng.
Toàn thân bê bết bùn, Bí thư Nhung không bỏ cuộc, vẫn kéo người vợ bị đánh về nhà mình tạm trú, đồng thời gọi người thân của đôi vợ chồng về và yêu cầu người chồng phải chấp nhận hòa hợp mới trả vợ.
Bằng uy tín của mình, Bí thư Nhung đã hòa giải vụ mâu thuẫn gia đình thành công và đến nay, đôi vợ chồng này vẫn gắn bó với nhau, người chồng đã tu chí hơn. "Ông chồng nhà ấy bảo chém, nhưng tôi vào có chém đâu", Bí thư, Trưởng thôn Hà Thị Nhung bật cười khi nhắc lại câu chuyện.